Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Bài Giảng của Cha Đa-minh Trần Tiến Thiệu Trong Thánh Lễ Khai Mạc Đại Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa, ngày 01.01.2018

Bài Giảng của Cha Đa-minh Trần Tiến Thiệu Trong Thánh Lễ Khai Mạc Đại Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa, ngày 01.01.2018

Kính thưa Cha xứ, kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ nam nữ cùng toàn thể Cộng Đoàn Phụng Vụ thân mến:

Lần gần đây nhất con được cùng tham dự Lễ Quan Thầy với Giáo xứ nhà, đó là năm 1995, tức cách nay 23 năm. Và hôm nay là lần thứ Hai trong vòng 30 năm qua, con lại được cùng với Giáo xứ nhà cử hành Đại Lễ Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Xin cám ơn Cha Xứ Giu-se thật nhiều vì đã cho phép, cũng như đã tạo điều kiện cho con được chia sẻ Lời Chúa trong buổi cử hành Phụng Vụ hôm nay.

Trong suốt gần 30 năm, đặc biệt là trong 6 năm vừa qua, tuy xa cách nhưng con vẫn luôn luôn hướng về Cộng Đoàn Giáo xứ nhà, đặc biệt nhất là mỗi khi Đại Lễ Quan Thầy đến. Vì luôn hiệp thông khắng khít với Giáo xứ nhà như thế, nên con cũng luôn theo dõi những gì mà các vị mục tử đã nói với Cộng Đoàn chúng ta trong những dịp Đại Lễ như thế này, chẳng hạn như vào năm 2013, Đức Cố Giám Mục Giu-se Hoàng Văn Tiệm đã giảng về đề tài: „Đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa theo ba cách“; rồi vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cha Giu-se Trần Thiên Tĩnh đã giảng về việc sùng kính Đức Mẹ với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, và vào năm 2016, Cha Giu-se Nguyễn Văn Chân đã chia sẻ về sự hối hả của các mục đồng trong việc đến viếng Chúa Hài Đồng tại Bê-lem, rồi mới năm ngoái, tức năm 2017, Cha Giáo Vinh-sơn Mai Văn Kính của Đại Chủng Viện Bùi Chu đã nhấn mạnh tới hình ảnh „Thiên Chúa tươi nét mặt“ được trích từ Bài Đọc I của Thánh Lễ hôm nay (Ds 6,25). Còn trước đó thì Cha Giu-se Đinh Công Phúc đã giảng về lịch sử và ý nghĩa của tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. v.v... Như vậy, tất cả những gì được gọi là căn bản và cần thiết nhất để chia sẻ trong Đại Lễ Kính Đức Mẹ Thiên Chúa hôm nay thì cũng đều đã được các vị mục tử ưu tú của chúng ta nói hết với chúng ta rồi. Giờ đây, con chỉ xin chia sẻ với cộng đoàn một suy tư nho nhỏ nhằm nói lên phẩm cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria mà thôi.

Và để nói về phẩm cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, thì vấn đề đầu tiên được đặt ra ở đây là, nhờ đâu, và nhờ vào công trạng nào mà Đức Maria được trở thành Mẹ Thiên Chúa? Phải chăng Đức Mẹ là một phụ nữ đầy quyền lực như nguyên thủ tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan, hay như đương kim thủ tướng Angela Merkel của Đức, để nhờ thế Mẹ mới có thể trở thành Mẹ của Thiên Chúa? Phải chăng Mẹ có một nhan sắc tuyệt vời cỡ hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên của Nam Định chúng ta, để rồi, chỉ với một sắc đẹp „Làn thu thủy, nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Một, hai nghiêng nước nghiêng thành, sắc đành đòi một, tài đành họa hai“, thì Mẹ mới có thể trở thành Mẹ của Thiên Chúa? Xin thưa rằng không! Chắc chắn Mẹ không phải là một người phụ nữ nắm nhiều quyền lực cỡ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân (chủ tịch Quốc Hội Việt Nam), hay cỡ như bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng bộ y tế), nhưng Mẹ chỉ là một thôn nữ nghèo nàn đầy quê mùa. Mẹ cũng không phải là một phụ nữ nổi tiếng cỡ như diễn viên Lâm Tâm Như của Đài Loan, hay hoa đán Chương Tử Di của làng giải trí Hoa Ngữ, chỉ cần một status trên trang cá nhân thôi thì cũng nhận được cả hằng triệu lượt bấm like rồi. Mẹ không phải là một nữ cầu thủ tài ba cỡ tiền vệ Tuyết Dung của Hà Nam, cũng không phải là một nữ vận động viên xuất sắc như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên của Cần Thơ. Mặc dù truyền thống vẫn cho rằng Đức Maria có một nhan sắc tuyệt vời, nhưng qua những gì Tin Mừng kể lại, chúng ta có thể khẳng định được rằng, sắc đẹp của Mẹ chẳng thể nào sánh bằng với sắc đẹp của Hoa hậu Mai Phương Thúy của Việt Nam, hay với sắc đẹp của hoa hậu hoàn vũ Trương Tử Lâm của Trung Quốc, nhưng chắc chắn Mẹ chỉ có được một ngoại hình cỡ trung bình, không quá xấu mà thôi. Bởi nếu Mẹ có một nhan sắc như người ta vẫn kháo nhau, thì hẳn Mẹ đã có rất nhiều các chàng trai con nhà giầu đu bám, chứ cỡ như anh chàng Giu-se con nhà nghèo thì làm gì mà có cửa. Con nhớ ngày xưa bên cạnh nhà con có một cô gái được coi là khá đẹp, và vì thế cô được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Trong trường hợp của Đức Mẹ thì chỉ có mỗi một anh chàng nhà nghèo duy nhất đeo bám mà thôi, đó là Thánh Giu-se. Điều đó cho thấy rằng, ngoại hình của Đức Mẹ cũng chỉ vừa đủ để kiếm được một tấm chồng hầu khỏi bị ế, chứ không phải mười phân vẹn mười, và „Khuôn trăng đều đặn nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da“ như đại thi hào Nguyễn Du đã miêu tả như thế về Thúy Vân, em của Thúy Kiều đâu! Vậy thì vì lý do gì mà Đức Maria lại được trở thành Mẹ của Thiên Chúa? Xin thưa rằng, chỉ vì Mẹ sống với một tâm hồn đầy khiêm nhu, đơn sơ và bé nhỏ mà thôi! Đức Thánh Cha đương kim của chúng ta thường xuyên nói rằng, Thiên Chúa đắm đuối trong sự đơn sơ, khiêm hạ và nhỏ bé của Đức Mẹ (thực ra, nếu dịch cho sát lời của ĐTC thì phải dịch rằng, „Thiên Chúa phải lòng Đức Maria vì sự đơn sơ khiêm hạ của Mẹ“).

Và như thế, vấn đề tiếp theo được đặt ra là: Đức Mẹ khiêm nhu theo cách nào để đến nỗi Thiên Chúa đã phải „say đắm đến độ đắm đuối“ hay đã „phải lòng“ Mẹ? Có phải Mẹ đã luôn sống với mô-týp tay chắp, gối quỳ, mắt nhắm nghiền và miệng lâm râm mấy câu kinh không? Phải chăng, vì sống khiêm hạ nên Đức Mẹ luôn để cho người khác đè đầu cưỡi cổ mình? Xin thưa rằng không. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy, Đức Mẹ đã sống sự khiêm hạ theo cách mà Thiên Chúa muốn, theo cách mà Thiên Chúa thực hiện, nghĩa là luôn đứng về phía những người nghèo, những người bị áp bức và những người cô thế cô thân; sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi mãnh lực sự ác, mọi kẻ xưng hùng xưng bá. Thay vì để cho những thế lực sự ác cưỡi lên đầu, lên cổ, thì Mẹ đã sẵn sàng đạp dập đầu chúng; luôn sẵn sàng bênh vực những người bị bóc lột, các cô nhi quả phụ, và những người không được ai bảo vệ chở che; sẵn sàng giải phóng những ai bị gông cùm áp bức, và nâng những người sa ngã đứng dậy. Bên cạnh đó, Mẹ còn đồng hành với dân tộc của mình, không thờ ơ lãnh đạm trước vận mệnh của đất nước. Qua việc trốn sang Ai-cập và trở về lại Đất Thánh, Mẹ đã để cho lịch sử của dân tộc mình tái hiện lại nơi bản thân Mẹ. Và khi đặt trên môi miệng bà Elisabeth lời của ông Út-di-gia nói với bà Giu-đí-tha rằng, „Bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này“ (Gđ 13,18), sau khi vị nữ anh hùng đã chặt phăng được cái đầu của tướng Hô-lô-phéc-nê và trở về cùng với cái đầu của ông ta, thì Thánh Lu-ca đã muốn cho thấy rằng, Đức Maria cũng chính là một Nữ Anh Hùng của dân tộc mình, sẵn sàng xông ra chiến trận, sẵn sàng xông vào xào huyệt của quân thù để chặt phăng cái đầu của viên tướng quân thù. Mẹ có thể được vị như các nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị và Bà Triệu của Việt Nam.

Chúng ta thấy, truyền thống hội họa Ki-tô giáo đã luôn trình bày Đức Mẹ với hình tượng một người nữ đạp dập đầu con rắn, tức cha của mọi sự gian ác. Và cách trình bày như thế chắc chắn đã được gợi hứng từ Lời của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế: „Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15).

Bên cạnh việc trình bày Đức Maria như là một nữ chiến binh, sẵn sàng xông ra chiến trận, sẵn sàng xông vào xào huyệt của quân thù để chặt phăng cái đầu của viên tướng quân thù, sẵn sàng đạp dập đầu tên thủ lãnh thế gian, thì Tin Mừng còn trình bày Mẹ như là một người luôn sẵn sàng giúp đỡ, đặc biệt là giúp đỡ những người nghèo. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy, ngay khi biết tin người chị họ là bà Elisabeth, đang mang bầu, thì Đức Maria đã vội vã lên đường để đến thăm bà. Và khi đến thăm bà Elisabeth, Mẹ đã nhận ra rằng, người phụ nữ luống tuổi này đang cần tới sự giúp đỡ của Mẹ, nên Mẹ đã ở lại với bà ấy tới ba tháng trời để giúp bà. Tại tiệc cưới Cana, thay vì ngồi ở mâm trên để được cơm bưng nước rót – vì Mẹ xứng đáng được như vậy -, thì Mẹ đã hòa mình vào giữa đám gia nhân, vào giữa những người phục dịch, để cho đám cưới của đôi uyên ương nghèo túng được tốt đẹp nhất bao nhiêu có thể. Và khi phát hiện ra rằng, gia đình của đôi uyên ương nghèo này không còn đủ rượu cho bữa tiệc nữa, thì Mẹ đã xin với Chúa Giê-su để Ngài ra tay cứu giúp. Dù rằng, giờ của Chúa chưa đến, nhưng vì tấm lòng quảng đại của Mẹ đối với cặp uyên ương nghèo túng, nên con tim của Chúa Giê-su đã bị chinh phục, và vì thế, Chúa đã sẵn sàng thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài.

Bài Ca Magnificat của Mẹ có thể được coi như là bản tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên của xã hội loài người. Trong Bài Ca ấy, Mẹ đã dõng dạc tuyên bố rằng: „Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng“ (Lc 1, 51-53). Những lời đó cho thấy rằng, Mẹ luôn đứng về phía những người nghèo và những kẻ hèn hạ, nhưng sẵn sàng ra tay đập tan những kẻ kiêu căng đắc chí, những kẻ muốn xưng hùng xưng bá, và những kẻ cướp bóc dân nghèo.

Chắc chắn Chúa Giê-su đã nhận được rất nhiều ảnh hưởng từ thân Mẫu của Ngài, nên ngay khi có cơ hội, Ngài đã mượn lời Kinh Thánh để tuyên bố rằng: „Thần Khí Chúa ngự trên tôi, […] để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa“ (Lc 4,18-19).

Cách sống của Đức Maria chắc hắn cũng đã ảnh hưởng tới cuộc đời của Gio-an Tẩy Giả. Vì thế, vị Tiền Hô của Chúa đã rất anh dũng trong việc bênh đỡ những người thiệt thòi. Khi bạo chúa Hê-rô-đê cướp vợ của em trai mình là Phi-líp-phê, thì Gio-an Tẩy Giả đã đứng ra bênh vực người em bị cướp mất vợ đó. Ông chỉ thẳng vào mặt tên bạo chúa và nói: „Ông không được phép cướp vợ của em mình!“ (Mc 6,18).

Vâng, với tư cách là một nữ chiến binh đầy anh dũng nhưng cũng đầy khiêm hạ, Đức Maria đã luôn sẵn sàng để cho những nỗi khốn cùng của người khác khuấy đảo con tim của Mẹ; Mẹ đứng ngồi không yên khi những khó khăn của người khác chưa được giải quyết. Nhưng Mẹ lại không để cho con tim của Mẹ bị suy suyển khi phải đối diện với những tên lý hình hung bạo, và những tiếng la hét đầy căm hờn của đám đông quần chúng bị kích động trên đồi Can-vê.

Mẹ mạnh mẽ là thế, anh hùng là thế, nhưng Mẹ lại không bao giờ chi phối công việc của các Tông Đồ trong lúc điều hành Giáo hội. Mẹ không bao giờ thò tay hay thò chân vào công việc điều hành Giáo hội, nhưng rất tế nhị đứng về phía sau cánh gà, để nhường chỗ cho những người có trách nhiệm, giống như bà Giu-đi-tha đã lui vào trong đời sống âm thầm để cầu nguyện, sau khi đã hoàn tất việc gải phóng dân tộc.

Như vậy, cách sống của Đức Mẹ trái ngược hẳn với cách sống của nguyên tổ loài người. Trong khi A-đam và E-và thích xưng hùng xưng bá, thích làm thánh làm tướng, thích được ngang hàng với giới thần linh, thì Mẹ lại nhận mình như là nữ tì khiêm hạ của Chúa, và dậy cho Con của Mẹ biết vui sống với con người, biết yêu quý tước hiệu Con Người. A-đam và E-và đã dùng đủ mọi thủ đoạn để được ngang hàng với giới thần thánh, và vì thế cái chết đã chờ đợi ông bà, và rồi ông bà đã mang cái chết đến cho con cháu. Trái lại, Đức Maria đã sống với tư cách là nữ tì khiêm hạ của Chúa, nên Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và nhờ thế, đã tái đem sự sống đến cho nhân loại.

Mừng kính Đại Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa hôm nay, tất cả chúng ta cũng đều được mời gọi tham dự vào mẫu tính thiêng liêng của Mẹ. Chúa Giê-su đã bảo đảm cho chúng ta rằng: „Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, và là mẹ tôi" (Mt 12,50). Thi hành ý của Thiên Chúa Cha là gì nếu không phải là đứng về phía những người nghèo, đem lại công lý cho người bị áp bức, và giúp đỡ những ai gặp khốn khổ gian truân, như được trình bày trong sách Ngôn Sứ Isaia:  Điều „mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?“ (Is 58,6-7) đó sao?

Noi gương Đức Mẹ Thiên Chúa, chúng ta đừng hùa theo những kẻ xưng hùng xưng bá, nhưng hãy đứng về phía những con người hèn mọn. Trong các Giáo xứ vẫn thường xuyên có những kẻ muốn xưng hùng xưng bá, muốn đè đầu cưỡi cổ người khác, và muốn khuynh loát tất cả. Nhiều người chẳng có chức vụ gì hay chẳng còn chức vụ gì nữa, nhưng vẫn cứ muốn thò tay thò chân vào công việc điều hành của Giáo xứ, đúng như lời Thánh Phao-lô nói: „Chẳng làm gì cả mà việc gì cũng xen vào“ (2Tx 3,11). Lòng dạ họ tham tàn đến độ muốn xơi tái tất cả, „ăn không trừ một thứ gì“ như cách nói thường được lưu truyền trên các trang mạng xã hội từ vài năm nay, muốn cạp cả đất mà ăn như cách nói của hoa hậu Ngọc Trinh, mà không chỉ cạp đất của người khác đâu, nhưng còn cạp cả đất của Đức Bà nữa chứ. Chúng ta đừng hùa theo những kẻ như thế, nhưng hãy noi gương Đức Mẹ để cất cao giọng ca rằng: „Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường!“; và sẵn sàng bắt chước Gio-an Tẩy Giả, dám chỉ thẳng vào mặt những tên bạo chúa để nói rằng, ông hay bà không được phép làm như vậy!


Vâng, chỉ khi chúng ta dám đứng về phía những người nghèo, những người cô thế cô thân và những người cần giúp đỡ, không thờ ơ với vận mệnh của dân tộc, không để cho thế lực sự ác đè đầu cưỡi cổ mình, thì lúc đó chúng ta mới nên giống như Mẹ của chúng ta, mới được tham dự vào mẫu tính thiêng liêng của Đức Mẹ, mới làm cho việc cử hành Đại Lễ Kính Mẹ Thiên Chúa của chúng ta trở nên có ý nghĩa, và không xấu hổ khi khoe rằng, Đức Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta, là Quan Thầy của Giáo xứ chúng ta. Amen.

2 nhận xét:

  1. mẹ kiếp giảng lễ mà như một thằng đầu đường xó chợ, ngôn từ của kẻ thất học

    Trả lờiXóa