Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Thử Đưa Ra Lời Giải Đáp Cho Những Thắc Mắc Liên Quan Đến Công Trình Xây Dựng Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp

Thử Đưa Ra Lời Giải Đáp Cho Những Thắc Mắc Liên Quan Đến Công Trình Xây Dựng Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp

LTS: Chúng tôi nhận được bài viết: "Thử Đưa Ra Lời Giải Đáp Cho Những Thắc Mắc Liên Quan Đến Công Trình Xây Dựng Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp" của tác giả Đỗ Hưng. Bài viết này không nhất thiết phản ảnh quan điểm của chúng tôi. Tuy nhiên, để tôn trọng tác giả cũng như để rộng đường dư luận, chúng tôi vẫn cho đăng bài viết này. Mời quý vị theo dõi:

Như tác giả Văn Đạt đã phản ánh trong bài “Cuộc Họp Thống Nhất Xây Dựng Công Trình Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp được đăng trên trang Thông Tin của Giáo Xứ Thánh Mẫu, thì vào ngày 21 tháng 01 vừa qua, một nhóm người thuộc tứ tộc Miền Nghiệp đã tổ chức một cuộc họp và thống nhất với nhau về việc thực hiện dự án nhà Tiếp Linh tại nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp. Ngay sau cuộc họp đó, nhóm người vừa nêu đã nhanh chóng triển khai dự án của mình. chưa đầy nửa tháng, phần móng giằng bê tông của công trình nhà Tiếp Linh đã được thực hiện xong. Nhưng kể từ khi thực hiện xong phần móng, công trình này lại đã bị ngưng trệ cho đến nay, không thấy có bất cứ hoạt động thi công nào tiếp theo nữa. Việc nhanh chóng khởi công, rồi lại đột ngột dừng thi công mà không có thông báo công khai gì, đã đặt ra nhiều thắc mắc. Trong số vô vàn những thắc mắc liên quan đến ngôi nhà Tiếp Linh nói trên, thì hai thắc mắc sau đây được nhiều người đưa ra nhất: mục đích của Nhà Tiếp Linh là gì? Và sao dự án đã được triển khai, giờ lại dừng thi công mà không có thông báo rõ ràng gì cả.v.v…? Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức từ phía những người hữu trách, người viết bài này xin mạn phép thử đưa ra đây một vài lời giải đáp cho hai thắc mắc trên.

I.Nguồn gốc và mục đích của nhà Tiếp Linh:

Theo truyền thống tổ chức tang lễ của người Việt Nam trước đây, thì người ta không xây dựng nhà Tiếp Linh tại nghĩa địa. Nếu có một người qua đời, thì tang quyến sẽ quàn thi thể của người quá cố ngay tại tư gia và tổ chức tang lễ cũng ngay tại đó, hoặc cũng có thể tại một nơi được ấn định để tổ chức tang lễ. Sau khi thực hiện các nghi thức như phúng viếng hay từ biệt tại gia, người ta sẽ di quan đến nơi huyệt mộ đã được chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, do đường đi từ nhà tang lễ đến huyệt mộ khá xa, nên việc di quan thường được cho dừng giữa đường để những người khênh quan tài có thể tạm nghỉ. Và trước khi đưa quan tài xuống huyệt, thì những người khiêng quan tài hay còn gọi là âm công, sẽ lại tạm nghỉ một lần nữa tại nghĩa địa. Xin nói thêm thằng, vì trước đây chưa có xe tang, nên những người âm công đã di quan bằng cách đặt quan tài lên bộ đòn, rồi khênh bộ đòn đó trên vai để đưa quan tài ra nghĩa địa. Điểm tạm dừng tại nghĩa địa cũng còn là nơi chuyển tiếp để người ta đưa quan tài ra khỏi bộ đòn và khênh quan tài tới huyệt mộ. Sau này người ta bố trí một địa điểm nhất định, thường là ở trung tâm nghĩa địa, hoặc là ở ngay trục chính đường vào nghĩa địa, để làm trạm nghỉ cuối cùng trước khi đưa quan tài người quá cố xuống huyệt mộ. Ở một số nơi, người ta xây dựng trạm nghỉ cuối cùng này thành một ngôi nhà, và người ta gọi đó là nhà trợ tế. Do từ trợ tế nghe không được trang trọng cho lắm, nên dần dần người ta gọi đó là nhà tiếp linh, vì được hiểu rằng, đó là nhà tiếp nhận linh cữu của người quá cố tại nghĩa địa. Càng về sau người ta càng bổ sung thêm nhiều những nghi thức khác vào những nghi thức ban đầu tại nhà tiếp linh, trong đó có các nghi thức từ biệt dành cho người quá cố. Đối với người Công giáo, bên cạnh nghi thức từ biệt, còn có thêm nghi thức phó dâng (thực ra nghi thức từ biệt và phó dâng thường được cử hành trong nhà thờ, ngay cuối Thánh Lễ an táng). Có những nơi, người ta xây hẳn một ngôi nhà lớn tại nghĩa trang, và người ta không gọi đó là nhà tiếp linh nữa, nhưng gọi là nguyện đường nghĩa địa.

Kể từ thập niên 90 của thể kỷ trước, người Công giáo Việt Nam đã có thể dễ dàng tổ chức các buổi cử hành phụng vụ của mình hơn, nên từ đó, các cha quản xứ đã có thể cử hành Thánh Lễ tại nghĩa địa vào các ngày mồng hai tháng 11, và mồng hai Tết Nguyên Đán. Để thuận tiện cho việc cử hành Thánh Lễ, ở một số nơi, người ta đã tiến hành xây dựng nhà tại nghĩa địa. Thực ra, ngôi nhà này thường chỉ có những cây cột với những chiếc xà và mái che, chứ không có tường bao quanh. Tuy nhiên, ở một số nơi khác, người ta xây dựng hẳn một nguyện đường đúng nghĩa tại nghĩa địa. Riêng tại nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp, thì vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dưới sự hướng dẫn và cổ võ của Cha Đa-minh Ngô Văn Viễn, các cụ trong tứ tộc đã tiến hành xây dựng một khu vực tiếp linh nằm ngay trung tâm của nghĩa địa này. Tại khu vực Tiếp Linh, ngoài một bệ bê tông để đặt quan tài và được trồng cây chung quanh (vừa qua đã bị đào bỏ hết), còn có thêm một cây Thánh Giá lớn (hiện vẫn còn), và một bàn thờ (hiện đã bị đập bỏ).

Lý do khiến Cha Đa-minh Ngô Văn Viễn và các cụ thời đó chọn mô hình như trên để làm nơi Tiếp Linh là vì những điều sau:

1.Chúa Giê-su đã chết trên đồi Golgotha. Ngài rộng mở cánh tay trên cây Thập Giá giữa trời đất để đón nhận nhân loại và đưa con người trở về với nhà Cha trên trời. Cây Thánh giá ở giữa nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp được xây dựng và đặt giữa trời đất để thể hiện ý nghĩa và mầu nhiệm nói trên. Bàn thờ được lập ngoài trời cũng có cùng ý nghĩa như thế.

2.Người ta chỉ cử hành Thánh Lễ tại nghĩa địa khi thời tiết thuận tiện. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi Thánh Lễ sẽ được cử hành tại các Nhà Thờ thuộc tứ tộc Miền Nghiệp (theo phiên). Vì thế, việc làm nhà cho nơi này là điều không cần thiết, và hơn nữa, còn lãng phí, lãng phí cả về xây dựng và duy tu bảo dưỡng v.v., thậm chí còn gây cản trở cho các tín hữu khi họ phải đứng bên ngoài khu nhà đó để tham dự Thánh Lễ (trong thực tế, mỗi khi Thánh Lễ được cử hành tại nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp, thì luôn luôn có rất đông các tín hữu tham dự; người ta không thể xây dựng được một ngôi nhà nào có thể chứa hết được số các tín hữu đó).

3.Việc bố trí hài hòa công trình xây dựng và cây xanh làm cho không gian nơi này vừa trang trọng vừa thanh thoát và cũng vừa an bình, tĩnh lạc…

4.Người chết trước khi được mai táng trong lòng đất được đặt ở giữa trời đất ngập tràn ánh sáng tự nhiên.

Hiểu thấu được lý do và ý nghĩa mà các cụ tiền bối đã thể hiện qua việc làm của mình, nên trong năm vừa qua, ông Trùm Hà thuộc giáo họ Nghiệp Đạt, Giáo xứ Quần Cống, đã tiến hành nâng cấp nơi Tiếp Linh do các bậc tiền bối để lại, bằng cách là đổ bê tông trên phần nền chung quanh bệ đặt Linh cữu, và làm thêm hệ thống thoát nước để đảm bảo cho khu vực này luôn được khô ráo trong mọi điều kiện thời tiết.

Thế nhưng, trong thời gian qua, như đã nói ở trên, có lẽ do thiếu hiểu biết, nên một đám người nói trên đã tự tiện tổ chức một cuộc họp và đã tự ý quyết định xây dựng nhà Tiếp Linh, cũng như đã vội vã cho triển khai quyết định của mình. Ngay cả việc tổ chức họp hành của nhóm người nêu trên cũng đã không tuân theo bất cứ một chuẩn mực nào rồi, đã vậy, việc họ tiến hành xây dựng nhà Tiếp Linh tại nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp xem ra càng không tuân theo bất cứ một quy chuẩn nào nữa. Và rồi, chuyện gì phải đến ắt sẽ đến: công trình vừa được vội vã khởi công đã sớm có những dấu hiệu chết yểu, cụ thể là đang bị dừng hoạt động.

II.Nguyên nhân khiến dự án nhà Tiếp Linh tại nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp bị dừng thi công:

Theo thiển nghĩ của cá nhân tôi, có thể những lý do sau đây đã khiến cho dự án Nhà Tiếp Linh phải dừng triển khai:

1.Thiếu tính chính danh:

Trước hết, người đứng ra tổ chức phiên họp để quyết định xây dựng nhà Tiếp Linh đã không có được sự chính danh. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia phiên họp nêu trên – theo tường thuật của Văn Đạt - thì cũng có vẻ thiếu chính danh không kém; họ đánh trống bỏ dùi, nói thì to, làm thì chẳng thấy đâu, họp thì siêng, đóng góp thì không biết được bao nhiêu đồng cắc.

2.Thiếu sự minh bạch:

Trước khi triển khai dự án nói trên, ban kiến thiết đã không thông báo rõ ràng và rộng rãi cho cộng đoàn Dân Chúa biết. Nguồn tài chính để thực hiện dự án cũng không được rõ ràng. Thậm chí số tiền được Dân Chúa dâng cúng trong Thánh Lễ sáng ngày mồng hai Tết vừa qua cũng không được công bố công khai. Sự thiếu minh bạch đó đã dẫn tới rất nhiều những đồn đoán tai hại, người thì cho rằng, số tiền thu được trong Thánh Lễ hôm ấy là 50 triệu, người khác thì cho là 70 triệu, và người khác nữa thì cho là 130 triệu v.v… Ai đang nắm giữ số tiền nêu trên, và số tiền ấy được dùng vào những hạng mục chi tiêu nào thì cũng không được công khai.

3.Thiếu hoạch định:

Khi triển khai dự án trên, những người có trách nhiệm đã mập mờ trong nhiều chuyện, khiến người ta nghĩ rằng, họ không có bản tiến độ tổng thể, cũng không có kế hoạch dòng tiền v.v… cho dự án của mình. Dự kiến công trình này sẽ kéo dài bao lâu, khi nào dừng, và khi nào xong cũng chẳng được công khai.

4.Thiếu tính kỹ thuật:

Đồ án thiết kế công trình trên chưa được thẩm định bởi bất cứ đơn vị chuyên môn nào trước khi triển khai xây dựng. Nền móng của nhà Tiếp Linh đã bị thi công một cách sơ sài, vì người ta chỉ đổ bê tông cốt thép nổi trên bề mặt nền đất yếu. Nhiều người có kinh nghiệm, chẳng hạn như ông Chánh Tuyên, đã khuyến cáo mạnh mẽ về vấn đề thiếu kỹ thuật này.

5.Thiếu tính đạo đức và văn hóa…:

Bên dưới nền móng của khu vực mà người ta vừa mới đổ bê tông lên, đang có rất nhiều hài cốt của các vị tiền nhân được chôn cất ở đó. Tuy nhiên, khi thực hiện việc đổ bê tông nói trên, người ta đã không khảo sát hay khai quyật nền đất để đưa hài cốt của các bậc tiền bối đi chỗ khác; thậm chí, khi bị cảnh báo và đoán chắc rằng, có hài cốt của các vị tiền nhân ở đó, nhưng người ta vẫn cứ làm ngơ giả điếc, và rồi nhắm mắt cho đổ bê tông phủ lên các Cụ. Đó là một hành vi vô nhân tính, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa và bất hiếu đối với các bậc tổ tiên. Trước việc làm bất nhân bất nghĩa đó, có người đã cảnh báo rằng, những ai biết có các Cụ nằm bên dưới mà cứ liều lĩnh cho đổ bê tông phủ lên, hay có ai biết các Cụ đang nằm ở đó mà không chịu lên tiếng, thì những kẻ đó cũng như con cháu của họ sẽ phải chịu những hậu quả tàn khốc và khôn lường. Bên cạnh việc nhắm mắt, giả điếc làm ngơ nói trên, những người thực hiện dự án cũng còn coi thường cả những tiếng nói phải đạo nữa, thiếu tôn trọng những di sản của những người đi trước. Chẳng hạn như cụ cố Đỗ Duy Liệu đã nhắc nhở rằng, nên giữ lại hàng cây cổ thụ chung quanh khu vực Tiếp Linh vì các cụ bô lão đã dầy công vun trồng, chăm bón và bảo quản để đem lại cảnh quan và bóng mát cho con cháu…, nhưng họ đã phớt lờ lời nhắc nhở đầy khôn ngoan của Cụ. Kết quả là hai hàng cây cổ thụ đã bị tàn phá, bàn thờ đã bị di dời, nền bê tông vừa làm năm trước cũng đã bị đập bỏ.

Vâng, nếu thực sự có năm lý do nêu trên mà dự án nhà Tiếp Linh tại nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp đã bị dừng một cách không kèn không trống thì đó cũng là điều dễ hiểu. Nếu những lý do trên chưa đúng hoặc chưa đầy đủ, thì xin quý vị hữu trách và quý độc giả hãy có ý kiến sửa đổi và bổ sung v.v…

Đỗ Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét