Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Đức Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng - Người Con Ứu Tú Của Giáo Xứ Thánh Mẫu

Đức Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng – Người con ưu tú của Giáo Xứ Thánh Mẫu

Giáo xứ Thánh Mẫu là một mảnh đất phì nhiêu và màu mỡ. Tại chính quê hương này đã sinh ra cho Giáo Hội và Đất nước khá nhiều những người con ứu tú.
Trong số những người con ưu tú nhất của Giáo xứ Thánh Mẫu, chúng ta phải kể tới Đức Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng.

1.Tiểu sử:
Đức Viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng sinh ngày 10 tháng 12 năm 1928 tại Giáo xóm Thánh Giu-se, Giáo xứ Thánh Mẫu, Giáo phận Bùi Chu. Vào năm 14 tuổi Ngài được ông bà Cố gửi sang Thái Bình để học. Tại đây, Ngài trở thành cậu dự tu và chú giúp lễ cho Cha Chính Địa phận Thái Bình Batholomeo Nguyễn Quang Ân – Cậu ruột của Ngài. Trong thời gian ở với Cha Chính Địa phận, Ngài nhận ra tiếng Chúa mời gọi gia nhập một Đan Viện. Thế là vào ngày 16 tháng 7 năm 1947 Ngài đã đến gõ cửa Đan Viện  Châu Sơn (Nho Quan, Ninh Bình) để xin gia nhập. Sau khi gia nhập Đan Viện, Ngài đã mau chóng được mặc áo Tập Viện, và được khấn Dòng vào ngày 20 tháng 3 năm 1950. Sau đó Ngài được gửi về Phát Diệm để học Triết Học và Thần Học.

Tuy nhiên, vào năm 1952, thấy trước tình hình an ninh và trính trị quá bất ổn nên Đan viện Châu-sơn Nho Quan đã quyết định di cư vào Nam. Thầy Stêphanô Trần Ngọc Hoàng cùng một số các tu sĩ khác thuộc phái đoàn đầu tiên được Đan Viện cử đi dưới sự dẫn dắt của cha Berchman Nguyễn Văn Thảo.

Vào tới Nam, phái đoàn đến trú ngụ tại Phước Lý (cách Sài gòn chừng 30 cây số về hướng Đông).

Chưa ở Phước lý được bao lâu thì Thầy Stêphanô Trần Ngọc Hoàng được tuyển cử sang Châu Âu để du học. Thầy được gửi đến Đan Viện Hauterive ở Thụy Sĩ. Đan Viện Hauterive nằm không xa Đại học Freiburg. Và Thầy Stêphanô đã theo học Thần học ngay tại đại học này.

Vào cuối tháng 6 năm 1957, Thầy Stêphanô hoàn tất chương trình Cử Nhân Thần Học tại Đại Học Freiburg. Và ngày 24 tháng 08 cùng năm thì được lãnh nhận tác vụ Linh Mục tại Thụy Sĩ.

Sau khi thụ phong Linh Mục, Cha Stêphanô lại tiếp tục con đường học vấn với ý định sẽ lấy Thạc Sĩ và Tiến Sĩ Thần Học.

Nhưng vì nhu cầu nhân sự tại Đan Viện Châu-sơn Đơn Dương (mới được di cư từ Châu-sơn Nho Quan) đang rất cần, nên dầu cho con đường học vấn của Cha Stephano đang tiến triển rất tốt, Cha cũng vẫn được mời trở về Đan Viện để phục vụ.

Về tới Việt Nam chưa được bao lâu thì ngày 12 tháng 10 năm 1961, Cha Stêphanô đã được bầu làm Viện Trưởng Đan Viện Châu Sơn – Đơn Dương – Lâm Đồng.

Mặc dù công việc tại Đan Viện Châu-sơn còn rất bề bộn, nhưng Cha Tân Viện Trưởng đã hết sức nỗ lực để chèo lái và đưa Đan Viện tiến lên. Trong thời gian này, nhiều cơ sở được xây dựng mới, và tinh thần của các Tu Sĩ trong Đan Viện được củng cố vững vàng.
Ngày 13 tháng 11 năm 1963 chiếu theo lời đề nghị của Đức Tổng Phụ cùng với ý kiến của Đại Hội Toàn Dòng Xi-tô thế giới, Tòa Thánh đã quyết định nâng ba Đan Viện: Phước Sơn, Châu Sơn (Đơn Dương) và Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện.

Ngày 02 tháng 03 năm 1964, Đức Tổng Phụ Dòng Xi-tô Sighard Kleiner đã đến Châu-sơn Đơn Dương chủ tọa Công Nghị Đan Sĩ để bầu chọn Viện Phụ tiên khởi cho Đan viện. Công Nghị Đan sĩ đã bầu cha Đan Viện Trưởng Stêphanô làm Viện Phụ Tiên Khởi của Đan Viện với số phiếu tuyệt đối. Đức Viện Phụ tiên khởi Têphanô Trần Ngọc Hoàng chọn khẩu hiệu: “Amator Regulae et Fratrum” (Yêu Thánh luật và anh em).
HUY HIỆU CỦA ĐVP STÊPHANÔ TRẦN NGỌC HOÀNG
 
Để đánh dấu bước trưởng thành của Dòng Xi-tô giữa lòng Giáo Hội Việt Nam, đồng thời để động viên khích lệ ơn gọi sống đời chiêm niệm, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đề nghị tiến hành nghi lễ chúc phong Viện Phụ tiên khởi của Dòng Xi-tô Việt Nam tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn. Buổi lễ chúc phong được long trọng cử hành vào ngày lễ Thánh Cả Giuse ngày 19 tháng 03 năm 1964 do Đức Tổng Phụ dòng Xi-tô Sighard Kleiner chủ sự. Hầu hết các Giám mục tại miền Nam đều có mặt. Đại diện Chính quyền các cấp, Bề Trên các Dòng tu, linh mục, nam nữ tu sĩ và rất đông đồng bào lương giáo hoan hỷ tham dự. 
Sau khi đắc cử viện Phụ, Đức Tân Viện Phụ lại tiếp tục hăng hái đi vào con đường phát triển Đan Viện. Trong thời Ngài làm Viện Phụ, có rất nhiều các tâm hồn đã xin gia nhập Đan Viện, cũng như có nhiều Tập sinh và Khấn sinh. Những anh em có năng lực đều được Ngài tuyển chọn cho đi du học và lãnh tác vụ Linh Mục.

Bên cạnh việc phát triển tinh thần, Đức Tân Viện Phụ cũng không quên thúc đẩy việc phát triển các cơ sở vật chất. Nhiều công trình xây dựng được cất lên trong gia đoạn này, đặc biệt nhất là ngôi Thánh Đường với lối kiến trúc Gothique. Ngôi Thánh Đường này được hoàn tất và xức dầu cung hiến vào ngày 21 tháng 12 năm 1967. Nói chung, Đức Viện Phụ Stêphanô đã có công rất lớn trong việc xây dựng các cơ sở vật chất cũng như đặt nền móng vững chắc trong việc đào tạo nhân sự chủ chốt cho Đan Viện Châu Sơn Đơn Dương hiện nay. 
 ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU-SƠN ĐƠN-DƯƠNG (Foto Trần Ngọc Huấn 07/2011)

Dựa theo Hiến Pháp của Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam, Đức Viện Phụ Stêphanô đã được bầu lên với tư cách là Viện Phụ của Đan Viện cho đến hết đời. Tuy nhiên, theo tinh thần của Công Đồng Vatican II thì các vị lãnh đạo trong Giáo Hội nên có thời hạn. Vì vậy, đích thân Đức Viện Phụ Stêphanô đã đề nghị xin sửa hiến pháp để quy định về việc có nhiệm kỳ đối với các Viện Phụ. Tổng Hội của Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt Nam được triệu tập năm 1972 đã chấp thuận lời đề nghị của Đức Viện Phụ Stêphanô và đã sửa đổi lại Hiến Pháp với quy định nhiệm kỳ của một Viện Phụ là mười năm. Lẽ dĩ nhiên, quy định này không có giá trị hồi tố, có nghĩa là tất cả những ai được bầu làm Viện Phụ trước khi có quy định này thì vẫn là Viện Phụ cho đến trọn đời.

Để chứng tỏ thiện chí cũng như cái nhìn thức thời của mình, nên vào ngày 02 tháng 03 năm 1974, đúng 10 năm kể từ khi đắc cử Viện Phụ, Đức Viện Phụ Stêphanô đã xin từ chức để nhường quyền lãnh đạo Đan Viện cho một vị mới.

Hội Đồng Quản Trị của Hội Dòng Xi-tô Thánh Gia Việt nam đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Viện Phụ Stêphanô. Và Viện Phụ Lê-ô Vũ Đức Chính được bầu lên kế vị.

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau kể từ ngày đắc cử,  Đức Viện Phụ Lê-ô đã không thể trực tiếp lãnh đạo Đan Viện được nữa do Ngài bị chính quyền bắt đi cải tạo không lý do, Đức Viện Phụ Stêphanô lại được yêu cầu để lãnh đạo Đan Viện với tư cách là Bề Trên Dự Khuyết.

Vào ngày 25 tháng 03 năm 1984, mặc dù không muốn, nhưng do sự thỉnh cầu thiết tha của Công Nghị Đan Sĩ nên Đức Viện Phụ Stêphanô đã chấp nhận để tái đắc cử Viện Phụ Đan Viện Châu-sơn.

Đức Viện Phụ Stêphanô đã nắm giữ chức vụ Viện Phụ cho tới tháng 12 năm 1993 lúc mà Ngài tròn 65 tuổi.

Cũng xin nói thêm rằng trong thời gian giữ chức vụ Viện Phụ cũng như thời gian thôi giữ chức vụ này, Ngài đã từng được các Đức Giám Mục ở các địa phận khác nhau bốn lần đề cử làm Giám Mục. Trong số các Đức Giám Mục đề cử có Đức giám mục Giu-se Maria Vũ Duy Nhất, Giám Mục Bùi Chu. Nhưng Ngài đã khiêm tốn từ chối.

Kể từ năm 1993, khi mà Đức Viện Phụ Stêphanô không còn nắm chức Viện Phụ nữa, thì Ngài vẫn luôn được mời làm Viện Phó của Đan viện cho mãi tới khi Ngài chuẩn bị qua đời.

Ngày 09 tháng 09 năm 2007: Đức Viện Phụ Stêphanô mừng kỷ niệm Kim khánh 50 năm Linh Mục. Trong thư chúc mừng nhân dịp đại lễ này của Đức Viện Phụ Têphanô, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt viết: “Kính xin chúc mừng Viện phụ nhân dịp mừng kim khánh Linh mục. Xin Thiên Chúa ban tràn đầy ơn lành cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, đã 50 năm tận tuỵ phụng sự Thiên Chúa. Xin Viện phụ không ngừng cầu nguyện nhiều cho Giáo hội tại miền Bắc…”
Vào hồi 16g05 ngày 10 tháng 05 năm 2008, Đức Viện Phụ Stephano Trần Ngọc Hoàng đã hoàn tất cuộc sống Thánh Hiến và đi về nghỉ yên trong Chúa, hưởng thọ 80 tuổi với 58 năm khấn dòng, 51 năm Linh Mục và 48 năm trong chức Viện Phụ, và được an táng tại ngay tại cuối nguyện đường của Đan Viện Châu-sơn Đơn Dương.
   Nơi an nghỉ của Đức Viện Phụ Stephanô Trần Ngọc Hoàng (Foto Trần Ngọc Huấn 07/2011)

2.Trước tác:
Mặc dù phải lãnh đạo Cộng Đoàn Đan Viện trong một thời điểm mà đất nước đầy nhiễu nhương, cần phải quan tâm đến rất nhiều lãnh vực hầu giúp Cộng Đoàn thăng tiến, nhưng Đức Viện Phụ Stephano Trần Ngọc Hoàng cũng không quên dành thời gian cho việc trước tác.

Bên cạnh việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm Tu Đức và Thần Học từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, cũng như đã soạn thảo vô vàn các bài giảng Lễ và Tĩnh Tâm,  Đức Viện Phụ Stephano còn dành nhiều thời gian cho việc viết sách.

Trong số các trước tác của Ngài, phải kể đến hai tác phẩm sau: Bí Quyết Nên Thánh Của Chị Betrone Consolata, và Con Đường Nhỏ Bé Đơn Sơ.

Trong tác phẩm: Bí Quyết Nên Thánh Của Chị Betrone Consolata, Đức Viện Phụ đã cố gắng phổ biến Tác Động Liên Lỷ Yêu Mến đến với nhiều người. Công thức của Tác Động Liên Lỷ Yêu Mến là: Giê-su, Maria, Giu-se Lòng Con Yêu Mến, Xin Thương Cứu Các Linh Hồn.

Trong tác phẩm Con Đường Nhỏ Bé Đơn Sơ, Đức Viện Phụ Stephano tiếp tục triển khai tư tưởng mà Ngài đã trình bày trong tác phẩm Bí Quyết Nên Thánh Của Chị Betrone Consolatađồng thời cổ võ cho một linh đạo theo tình thần phó thác của Tin Mừng.

3.Con người của quê hương: 
Có thể nói được rằng, Đức Viện Phụ Stephano Trần Ngọc Hoàng là một người hết mình đối với quê hương. Mặc dù rất bận rộn với công việc điều hành Đan Viện, nhưng Ngài cũng không bao giờ quên quê hương. Ngài luôn dõi nhìn và quan tâm đến từng biến cố vui buồn của quê hương. Ngoài những lời cầu xin tha thiết mỗi ngày dành cho quê hương, Ngài cũng dành cho quê hương một sự hỗ trợ về vật chất nữa. Lẽ dĩ nhiên, Ngài không sử dụng tài sản của Đan Viện để hỗ trợ quê hương nhưng đã cậy nhờ đến các tổ chức để họ giúp đỡ.
Sự hiện hữu của cả hai Ngôi Thánh Đường Giáo Xứ Thánh Mẫu hiện nay, có một sự đóng góp không nhỏ của Đức Viện Phụ Stêphanô.

Thay lời kết:
Chúng tôi viết về thân thế và sự nghiệp nơi Người Con Ưu Tú này của Giáo Xứ Thánh Mẫu với mục đích gửi đến với tất cả quý vị trong Giáo Xứ một tấm gương. Ước mong sao các thế hệ sau này của Giáo Xứ sẽ nhìn vào Đức Viện Phụ Stephano như một tấm gương lớn để dõi theo, để sống, để phấn đấu và để học tập. 

Chúng tôi sẽ cố gắng liên lạc với Đan Viện Thánh Mẫu Châu-sơn Đơn Dương để xin Đan Viện cung cấp thêm nữa những tư liệu liên quan đến Đức Viện Phụ Stephano. Và khi có thêm được những tư liệu về Đức Viện Phụ Stephano, chúng tôi sẽ cố gắng để đăng tải những tư liệu ấy.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng, những ai đang nắm giữ những hình ảnh hay những kỷ vật liên quan đến Đức Viện Phụ Stephano, cũng sẽ cho đăng tải trên diễn đàn này để mọi người cùng chiêm ngưỡng. 

Thánh Mẫu 2012
H.Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét