Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

„Không có Giáo hội người ta không thể yêu mến Chúa Ky-tô“ – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 30.01.2014

„Không có Giáo hội người ta không thể yêu mến Chúa Ky-tô“ – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 30.01.2014

Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va
Không có Giáo hội thì không thể hiểu được thế nào là một Ky-tô hữu. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong bài giảng của Ngài vào sáng thứ Năm hôm nay. Tại nguyện đường Thánh Mar-ta, Đức Thánh Cha đã nói về những trụ cột nền tảng của Giáo hội: Khiêm Tốn, Trung Tín và Cầu Nguyện. Dựa vào bài đọc nói về vua Đa-vít, Đức Thánh Cha đã giải thích cho biết, ba trụ cột vừa nêu được gắn kết với nhau như thế nào.

„Một Ky-tô hữu không đơn giản là một người được lãnh Bí Tích Thanh Tẩy, tức người đến với Bí Tích Thanh Tẩy một cách đơn giản như đi trên con đường của mình. Trước hết, và cũng là điều đầu tiên phải diễn ra rằng, người ấy cần phải đứng về phía Giáo hội, hay nói một cách khác, đứng về phía dân Chúa. Không thể hiểu về một Ky-tô hữu nếu không có Giáo hội. Vì thế, Đức Phao-lô VI – vị Giáo Hoàng rất đáng kính đã nói rằng, không thể yêu mến Chúa Ky-tô nếu không có Giáo Hội. Một Ky-tô hữu không thể chỉ nghe Chúa Giê-su và đồng thời cũng không chỉ nghe Giáo hội. Một Ky-tô hữu không thể sống với Chúa Ky-tô nhưng đồng thời lại sống xa Giáo hội. Đó là điều không được. Tất cả những thứ khác đều vô nghĩa. Chúng ta đón nhận Tin Mừng nhờ Giáo Hội, và chúng ta cũng đạt tới được ơn cứu độ cũng là nhờ vào Giáo hội của chúng ta. Một cái gì đó khác sẽ là sự biến tướng, hay nói như Đức Phao-lô VI, đó là một sự phân nhánh.“
Như vậy, ý thức về việc mình là thành viên của Giáo hội được đóng ấn bởi cột trụ đầu tiên: Khiêm Tốn.
„Một người mà không có sự khiêm tốn thì không thể cảm nhận được những gì thuộc về Giáo hội, không bao giờ cảm nhận được về việc Giáo hội muốn điều gì, cũng như Giáo hội mong muốn điều gì từ các tín hữu. Chúng ta hãy nhìn về thái độ rất khiêm tốn của vua Đa-vít khi ông hỏi: Lạy Chúa, con là ai, và nhà con là gì? Nó dẫn tới sự tự ý thức rằng, lịch sử cứu độ đã không khởi đầu với tôi và cũng sẽ không kết thúc khi tôi qua đời. Không, nó là một ơn cứu độ có tính toàn thể, nó bao hàm toàn bộ lịch sử nhân loại: tôi sinh ra trong thế gian, Thiên Chúa chiếm lấy bạn, Ngài bước nhanh tới trước và sau đó kêu gọi bạn đi theo Ngài, nhưng sau đó lịch sử cũng vẫn tiếp tục đi. Sự Khiêm Tốn: Chúng ta chỉ là một phần nhỏ nhoi của một dân tộc vĩ đại, một dân tộc đang trên đường đi theo Chúa.“

Cột trụ thứ hai là đức Trung Tín, nó được gắn kết với sự tuân phục – Đức Thánh Cha nói tiếp. Và Ngài liệt kê ra những gì được ngụ ý tới vấn đề đó:

„Trung tín với Giáo hội, trung tín với giáo huấn của Giáo hội, trung tín với các tín điều, trung tín với quyền giáo huấn cũng như duy trì điều đó. Khiêm Tốn và Trung Tín – cũng như Đức Phao-lô VI đã nhắc nhở chúng ta về điều ấy rằng, Tin Mừng là một ân ban và cũng cần phải được tiếp tục chuyển giao như chính nó đã được ban. Nhưng nó không phải là một ân ban chỉ dành riêng cho chúng ta, chúng ta cần phải ý thức về điều đó. Vì thế, chúng ta phải trung tín: Tin Mừng là của riêng Chúa Ky-tô. Và sứ mạng của chúng ta là tiếp tục loan báo Tin Mừng ấy. Chúng ta không thể - như chính Chúa đã nói – trở thành chủ nhân của Tin Mừng hay chủ nhân của quyền giáo huấn, vì chúng ta thường chỉ thích làm những gì mà nó làm vui lòng chúng ta.“

Trụ cột thứ ba chính là sự phục vụ cách đặc biệt và là một sứ mạng đối với bất cứ người Ky-tô hữu nào – Đức Thánh Cha nói. Ngài kêu mời những người đang hiện diện hãy cầu nguyện cho Giáo hội. Điều này không chỉ quan trọng trong một buổi phụng vụ, nhưng phải diễn ra trong từng „giây phút hữu dụng“ và ở khắp mọi nơi – Đức Thánh Cha nói như thế để kết thúc bài giảng.
(rv 30.01.2014 mg)
Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét