Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Tông Huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (20)

Tông Huấn  Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng (20)

ĐTC Phan-xi-cô

TÔNG HUẤN
EVANGELII GAUDIUM
(NIỀM VUI TIN MỪNG)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ
GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC,
CÁC TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU
VỀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

102. Giáo dân, nói một cách giản dị, chiếm phần đa Dân Thiên Chúa. Thiểu số - là các Giáo sĩ được tấn phong để phục vụ họ. Ngày càng có sự nhận thức về căn tính và sứ vụ của các tín hữu trong Giáo hội. Chúng ta có thể kể đến nhiều Giáo dân, mặc dù vẫn gần như không đủ, tức những người có một ý thức một cách sâu xa về cộng đoàn và sự trung thành lớn lao đối với các nhiệm vụ về từ thiện, giáo lý và cử hành Đức Tin. Đồng thời, sự nhận thức rõ về trách nhiệm này của các tín hữu - được truyền thụ một cách vững vàng nơi Bí Tích Thanh Tẩy và Thêm Sức của họ - không biểu hiện theo cùng một cách thức ở mọi nơi chốn. Trong một số trường hợp thì các tín hữu không có được sự đào tạo cần thiết để đảm nhận những trách nhiệm quan trọng. Trong những trường hợp khác thì trong các Giáo hội cụ thể của họ không có nơi cho họ để nói và để hành động, do có một chủ nghĩa giáo sỹ trị quá mức, ngăn cản họ đưa ra các quyết định. Dù là có nhiều người tham gia vào các công việc tông đồ giáo dân, nhưng sự tham gia này không được phản chiếu nơi sự thấm nhập sâu xa hơn của các giá trị Ky-tô giáo trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Nó thường vẫn còn bị hạn chế nơi các nhiệm vụ ở trong Giáo hội, không có một sự tận tâm thực sự trong việc áp dụng Tin Mừng để biến đổi xã hội. Giáo huấn các tín hữu và Tin Mừng hóa đời sống tri thức và chuyên nghiệp đặt ra một thách đố mục vụ đáng kể.

103. Giáo hội ghi nhận sự đóng góp không thể thiếu của nữ giới đối với xã hội thông qua tính nhạy cảm, khả năng trực giác và các khả năng đặc biệt khác mà họ có khuynh hướng sở hữu nhiều hơn nam giới. Cha nghĩ, chẳng hạn, về sự quan tâm đặc biệt mà nữ giới thể hiện đối với người khác, tức điều có được một sự thể hiện cụ thể - dù không phải là độc quyền - bằng tình mẫu tử. Cha sẵn lòng ghi nhận rằng, nhiều phụ nữ đã chia sẻ các trách nhiệm mục vụ với các Linh mục, hỗ trợ trong việc hướng dẫn giáo dân, các gia đình và các hội đoàn và đưa ra các đóng góp mới cho việc suy tư thần học. Nhưng chúng ta cần tạo ra những cơ hội vẫn còn rộng lớn hơn cho sự có mặt của nữ giới tài trí trong Giáo hội. Bởi vì “tài năng của nữ giới cần thiết trong bất cứ sinh hoạt nào của đời sống xã hội, và vì thế cũng cần phải bảo đảm cho phụ nữ có mặt tại nơi làm việc” (72*) và ở những nơi khác mà những quyết định quan trọng được đưa ra cả ở trong Giáo hội lẫn trong các tổ chức xã hội.

104. Có những đòi hỏi về quyền hợp pháp của phụ nữ được tôn trọng, dựa trên sự xác tín rằng, nam giới và nữ giới đều bình đẳng về nhân phẩm, đã đặt ra cho Giáo hội những câu hỏi đầy thách thức và sâu sắc mà không thể dễ dàng tránh né. Việc dành chức Linh mục cho nam giới, như là dấu chỉ của Chúa Ky-tô, Phu quân, Đấng trao ban chính mình nơi Bí Tích Thánh Thể, không là một câu hỏi mở ra để thảo luận, nhưng nó có thể chứng tỏ sự chia rẽ đặc biệt nếu quyền bính mang tính Bí Tích quá giống với quyền bính nói chung. Phải nhớ rằng, khi chúng ta nói về quyền bính mang tính Bí Tích là “chúng ta đang ở trong lĩnh vực chức quyền chứ không phải lĩnh vực phẩm giá hay thánh thiêng” (73*). Chức Linh mục là một phương tiện mà Chúa Giê-su đã dùng để phục vụ Dân của Người, nhưng phẩm giá lớn lao của chúng ta xuất phát từ Bí Tích Rửa Tội, tức Bí Tích có khả năng tiếp cận tất cả. Hình thể Linh mục đối với Chúa Ky-tô là đầu, - cụ thể như là nguồn ân sủng chính yếu – không hàm ý một sự đề cao đặt Người lên trên người khác. Trong Giáo hội, các chức vụ ” không thiên vị sự ưu trội của người này so với người khác”. (74*) Qủa thực, một người phụ nữ, Đức Ma-ri-a, còn quan trọng hơn cả các Giám mục. Thậm chí khi chức Linh mục được coi là “phẩm trật”, thì phải nhớ rằng, “nó hoàn toàn được sắp đặt vì sự thánh thiện đối với các chi thể của Chúa Ky-tô”. (75*) Chìa khóa và cốt lõi của nó không phải là quyền bính được hiểu như là thống trị, nhưng là quyền để cử hành Bí Tích Thánh Thể; đây là nguồn gốc quyền bính của nó, mà quyền ấy luôn là một sự phục vụ Dân Chúa. Điều này đặt ra một thách thức to lớn đối với các vị chủ chăn và các thần học gia, tức những người có khả năng công nhận một cách đầy đủ hơn những gì mà điều này đòi hỏi liên quan đến vai trò có thể của phụ nữ trong việc đưa ra quyết định ở những lĩnh vực khác nhau của đời sống Giáo hội.

105. Mục vụ giới trẻ, như được tổ chức mang tính truyền thống, cũng đã chịu sự tác động của những thay đổi của xã hội. Các người trẻ thường không tìm thấy câu trả lời cho những mối bận tâm, nhu cầu, vấn đề và nỗi đau của họ nơi những tổ chức thông thường. Là những người lớn, chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc kiên nhẫn lắng nghe người trẻ, đánh giá những nhu cầu và mối quan tâm của giới trẻ, và nói với họ bằng thứ ngôn ngữ mà họ có thể hiểu. Vì cùng lý do này, các nỗ lực của chúng ta trong lĩnh vực giáo dục đã không tạo ra các kết quả như mong đợi. Sự xuất hiện và phát triển của các tổ chức và các phong trào hầu hết được lập ra vì những người trẻ có thể được xem như là công việc của Chúa Thánh Thần – Đấng đã có những bước trước đi và mới mẻ để đáp ứng những mong đợi của họ và sự kiếm tìm của họ về một tinh thần sâu xa và một sự nhận thức thực sự hơn về tư cách hội viên. Tuy nhiên, vẫn cần phải đảm bảo được rằng, những hiệp hội ấy tích cực tham gia vào toàn thể các nỗ lực mục vụ của Giáo hội.

106. Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng tiếp cận những người trẻ, nhưng đã có sự tiến triển trong hai lĩnh vực: nhận thức về việc toàn thể cộng đoàn được kêu gọi loan báo Tin Mừng và giáo dục giới trẻ, và một nhu cầu cấp bách đối với những người trẻ trong việc đảm nhận những vai trò lãnh đạo lớn hơn. Chúng ta nên thừa nhận điều đó cho dù cuộc khủng hoảng hiện nay về sự dấn thân và các mối tương quan mang tính cộng đồng, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đang tham gia vào những công việc vì lợi ích chung trước những vấn đề của thế giới, và đảm trách các hình thức hoạt động và các công việc thiện nguyện. Một số tham gia vào đời sống của Giáo hội với vai trò là thành viên của các nhóm phục vụ và các sáng kiến truyền giáo khác nhau nơi các Giáo phận của chính họ và ở những nơi khác. Đẹp thay khi chứng kiến các bạn trẻ là những “nhà rao giảng đường phố” (callejeros de la fevui mừng mang Chúa Giê-su tới mọi nẻo đường, mọi quảng trường và mọi ngõ ngách của trái đất!

107. Nhiều nơi đang gặp phải sự thiếu hụt về ơn gọi Linh mục và đời sống tận hiến. Điều này thường là do thiếu sự nhiệt huyết tông đồ có tính truyền lan trong các cộng đoàn, điều này dẫn đến một sự nguội lạnh về sự hăng hái và hấp dẫn. Bất cứ nơi nào có sự sống, có lòng nhiệt huyết và mong muốn mang Chúa Ky-tô đến cho người khác, thì ở đó sẽ nảy sinh các ơn gọi đích thực. Thậm chí ở những Giáo xứ mà có các cha xứ không đặc biệt tận tâm hoặc vui mừng, thì đời sống huynh đệ và lòng nhiệt huyết của cộng đoàn có thể làm thức tỉnh nơi những người trẻ một mong muốn tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho việc loan báo Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng nếu cộng đoàn sống đó tha thiết cầu nguyện cho ơn gọi và can đảm đưa ra cho những người trẻ trong cộng đoàn của mình con đường tận hiến đặc biệt. Mặt khác, mặc dù sự khan hiếm về ơn gọi, chúng ta càng ngày càng nhận thức được sự cần thiết cho một quá trình tốt hơn trong việc lựa chọn các ứng viên Linh mục. Các Đại Chủng Viện không thể chấp nhận các ứng viên trên cơ sở của bất cứ động cơ gì, đặc biệt những động cơ phải làm với sự thiếu tự tin mang tính cảm tình hoặc đi tìm quyền bính, vinh quang mang tính con người hoặc vì vấn đề kinh tế.

108. Như Cha đã đề cập ở trên, Cha không nên đưa ra một sự chẩn đoán toàn diện, nhưng Cha mời gọi các cộng đoàn hoàn thiện và làm phong phú các viễn cảnh trên cơ sở nhận thức các thách đố trước mắt của các cộng đoàn và các vùng lân cận của các cộng đoàn. Cha hy vọng, bằng cách làm như vậy, họ sẽ nhận ra rằng, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng đọc ra các dấu chỉ của thời đại, thì nó sẽ trở nên hữu ích trong việc lắng nghe những người trẻ và người già. Cả hai đều đại diện cho một nguồn hy vọng của mọi người. Những người già mang trong họ ký ức và sự khôn ngoan của kinh nghiệm, giúp cảnh báo chúng ta không dại dột lập lại những lỗi lầm quá khứ. Những người trẻ nhắc cho chúng ta về niềm hy vọng được canh tân và mở rộng, bởi vì họ đại diện cho các hướng mới đối với con người và mở ra tương lai cho chúng ta, vì sợ rằng chúng ta bám víu vào nỗi luyễn tiếc quá khứ về các cơ cấu và các phong tục mà chúng không còn khả năng thong truyền sức sống trong thế giới hôm nay.

109. Các thách thức tồn tại để chúng ta vượt qua! Chúng ta hãy là những người có óc thực tế, nhưng không đánh mất niềm vui, lòng dũng cảm và sự tận tâm được lấp đầy hy vọng. Chúng ta đừng cho phép mình bị lấy mất đi sự hăng hái của việc loan báo Tin Mừng.

(Còn nữa – mời quý vị theo dõi)

ĐTC Phan-xi-cô 
(Chuyển ngữ) BBT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét