Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Dòng Tên: Lòng khát khao muốn thay đổi thế giới.

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Dòng Tên: Lòng khát khao muốn thay đổi thế giới.

Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va
Chỉ có nỗi ưu tư thuộc về tinh thần mới trở thành động lực dẫn đưa tới con đường của Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong bài giảng của Ngài vào thứ Sáu hôm qua tại Thánh Đường „Il Gesù“ của Dòng Tên.

Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ chung với những người anh em cùng Dòng của Ngài nhân dịp Đại Lễ kính danh xưng của Dòng: Dòng Chúa Giê-su. Mang danh của Chúa Giê-su có nghĩa là đi theo con đường thập giá của Ngài – Đức Thánh Cha nói. Vì thế nó dẫn tới điều rằng, người ta phải suy nghĩ và phải thấy như Chúa Giê-su, phải ước muốn điều tốt lành giống như Chúa Giê-su muốn, phải ở trên con đường như Ngài, cũng như phải làm những gì mà Chúa Giê-su đã thực hiện – Đức Thánh Cha bổ sung. Vì thế, người ta phải tự „trở nên trống rỗng“.
„Mỗi người Giê-su hữu chúng ta, tức những người bước theo Chúa Giê-su, phải luôn luôn sẵn sàng trong việc tự làm rỗng chính mình. Chúng ta được kêu gọi để ´trở nên bé nhỏ`: Bé nhỏ đến nỗi hoàn toàn trống rỗng. Để trở nên những người không sống cho cái tôi bị khép kín của mình, vì trung tâm của Cộng Đoàn là chính Chúa Ky-tô và Giáo Hội của Người. Và Thiên Chúa thì luôn luôn lớn lao hơn, ´Deus semper maior`, Thiên Chúa luôn luôn gây ngạc nhiên. Và nếu Thiên Chúa – Đấng gây ngạc nhiên – không còn hiện diện nơi trung tâm điểm nữa thì Cộng Đoàn sẽ trở nên mất phương hướng.“

Để trở thành người mang danh Chúa Giê-su có nghĩa là vẫn chưa bao giờ hoàn tất với sự suy nghĩ để luôn luôn có được một viễn tượng cũng như vinh quang của Thiên Chúa trước mắt. Điều đó làm chúng ta lo lắng và bất an, và sự bất an này là điều tốt – Đức Thánh Cha giải thích.

„Với tư các là những tội nhân, chúng ta có thể tự hỏi, liệu con tim của chúng ta đã duy trì sự bất an của việc kiếm tìm này chưa, hay là ngược lại nó đã bị héo quắt. Chúng ta hãy tự hỏi xem, liệu con tim của chúng ta có đang ở trong sự hồi hộp hay không: Một con tim không bị ngủ quên, một con tim không tự khép kín chính mình, nhưng nó đang đập theo nhịp đập chung của tất cả mọi tín hữu đang trên cuộc hành trình. Chỉ sự bất an này mới có thể có được con tim của một Giê-su hữu bình an. Sự bất an này chính là điều làm cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng trong việc đón nhận quà tặng của hiệu năng chăm sóc mục vụ. Không có sự bất an này, chúng ta sẽ trở nên vô bổ.“

Thánh Lễ mà Đức Thánh Cha cử hành chung với các Tu Sĩ Dòng Tên hôm nay cũng là Thánh Lễ Tạ ơn mừng Tân Hiển Thánh Peter Faber, một vị Tu sĩ Dòng Tên thuộc thế hệ của các Đấng sáng lập, đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tôn phong Hiển Thánh vào hôm 17 tháng 12 vừa rồi bằng một sắc lệnh. Đức Thánh Cha đã tôn kính Thánh Nhân một cách đặc biệt, và cũng đã đề cập tới vị tân Hiển Thánh trong bài giảng của mình. Như Daniel thứ hai, Thánh Peter Faber được biết đến như một người có những khát khao cháy bỏng – Đức Thánh Cha nói: Một người khiêm tốn, nhậy bén và sâu sắc – Ngài trích dẫn lời của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI – vị tiền nhiệm của Ngài.
„Tiên vàn, Thánh Nhân là một con người bất an, không bao giờ hài lòng. Một tín hữu xác thực luôn mang trong mình một nỗi khát vọng sâu xa muốn thay đổi thế giới. Đó là câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: Có phải chúng ta cũng vẫn đang còn có những viễn tượng và những động lực lớn hay không? Chúng ta có còn gan dạ nữa không? Giấc mơ của chúng ta có đủ lớn không?“
Ngược lại là tính tầm thường trong sự chăm sóc mục vụ và trong công việc – Đức Thánh Cha nói tiếp. Sức mạnh của Giáo Hội không bao giờ chỉ nằm trong khả năng tổ chức, nhưng trong sự thẳm sâu của Thiên Chúa – Đức Thánh Cha nhắc nhở. Ngài lập lại một lần nữa và chi tiết về những nỗi khát khao mà qua đó tiếng Chúa đã thẩm vấn ngay trong nội tâm của Thánh Peter Faber. Không có những khao khát thì cũng sẽ không dẫn tới bất cứ nơi đâu, và vì thế người ta phải tiến ra trước mặt Thiên Chúa với những nỗi khát khao của họ giống như Thánh Faber:

„Niềm tín thác của Ngài vào Thiên Chúa đã giúp Ngài hiểu rằng, kinh nghiệm nội tâm và đời sống tông đồ luôn luôn sát cánh bên nhau.“

Giống như Thánh Faber, người ta phải đi tới chỗ công bố sứ điệp của Tin Mừng với Tình Huynh Đệ và Tình Yêu – Đức Thánh Cha nói – chứ không phải với những điều kết án và với gông cùm.

„Nếu chúng ta không có sự khát khao ấy, thì chúng ta phải khiêm tốn cầu xin qua kinh nguyện, với sức mạnh của sự tĩnh lặng rằng, xin Chúa tái lôi cuốn chúng con, xin đừng có bất cứ sự kiểm soát nào (…) Chúng con là những con người đang sống trong trạng thái căng thẳng, bất an, tất cả chúng con đây cũng đều là những con người mâu thuẫn, không thuần nhất và tội lỗi. Nhưng chúng con lại là những con người muốn sống trong ánh nhìn của Chúa Giê-su. Chúng con hèn yếu, chúng con tội lỗi, chúng con ích kỷ, nhưng dầu vậy, chúng con vẫn muốn sống một cuộc sống với những nỗi khát vọng lớn lao. Chúng ta hãy làm mới lại lòng nhiệt thành của chúng ta đối với Thiên Chúa đời đời của vũ trụ, để rồi qua lời bầu cử của Mẹ Thánh Ngài, chúng ta  muốn và chúng ta có thể sống như Chúa Giê-su, Đấng đã hủy mình ra không.“

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài giảng của mình bằng việc trích lại một lời Kinh cổ của Dòng Tên: „Chúng con cầu xin Đức Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con được trở nên con cái của Mẹ.“

(rv 03.01.2013 ord)

Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét