Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân
ĐTC Phan-xi-cô
Đức Tin và Đức Ái: „Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng mình vì anh em“ (1 Ga. 3, 16)

Anh chị em thân mến!
1.Nhân Ngày Quốc Tế lần thứ 22 về các bệnh nhân, và ngày này trong năm nay mang chủ đề „Đức Tin và Đức Ái: ´Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng mình vì anh em` (1 Ga.3,16)“, Cha muốn đặc biệt hướng về những người yếu đau bệnh tật và tất cả những ai đang quan tâm tới các bệnh nhân bằng sự giúp đỡ và chăm sóc của mình. Giáo hội nhận ra trong anh chị em – các bệnh nhân thân mến – một sự hiện diện đặc biệt của Chúa Ky-tô chịu khổ đau. Vì thế: bên cạnh và trong sự đau khổ của anh chị em chính là sự khổ đau của Chúa Ky-tô, Đấng đã muốn cùng chúng ta mang lấy những gánh nặng của sự đau khổ và mạc khải cho chúng ta biết về ý nghĩa của nó. Khi Con Thiên Chúa bị treo trên cây Thập Giá, Ngài đã tiêu diệt sự cô độc của đau khổ và đã chiếu sáng vào trong vùng u tối của nó. Như vậy, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Tình Yêu ấy trao cho chúng ta Niềm Hy Vọng và lòng can đảm: Hy Vọng, vì trong kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa cũng như trong đêm đen của những nỗi khổ đau, đã bừng lên ánh sáng hừng đông; và can đảm để đối diện với đau khổ trong mọi chiều kích, cũng như hiệp thông với Thiên Chúa để đương đầu với tất cả những trở ngại.

2.Con Thiên Chúa làm người đã không tiêu diệt bệnh tật và khổ đau khỏi sự kinh nghiệm của nhân loại, nhưng trong lúc Ngài đón nhận chúng vào chính bản thân Ngài, Ngài đã biến đổi và làm cho chúng trở nên tương đối. Tương đối hóa, vì bệnh tật và khổ đau không còn có tiếng nói cuối cùng nữa, thay vào đó là một sự sống mới trong sự sung mãn tràn trề; Biến đổi, vì trong sự liên kết với Chúa Ky-tô, với tính chất là một cái gì đó thuộc về những kinh nghiệm tiêu cực, chúng có thể trở nên một cái gì đó tích cực. Chúa Giê-su chính là đường, và chúng ta có thể đi theo Ngài nhờ vào Thần Khí của Ngài. Như Thiên Chúa Cha đã trao hiến Con Một của Ngài bởi Tình Yêu thế nào, thì Chúa Con cũng đã tự trao hiến chính bản thân mình vì Tình Yêu như thế, vì vậy chúng ta cũng có thể yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trong khi chúng ta trao hiến chính mạng sống của mình  cho những người anh chị em của chúng ta. Niềm Tin vào Thiên Chúa tốt lành sẽ trở nên sự hào hiệp, Niềm Tin vào Chúa Ky-tô chịu đóng đinh sẽ trở thành sức mạnh để chúng ta có thể yêu thương cho đến tận cùng, đến nỗi yêu thương cả những kẻ thù. Bằng chứng của Niềm Tin đích thực vào Chúa Ky-tô chính là sự tự trao hiến chính bản thân mình, sự trải dài của Đức Ái tới những người thân cận, đặc biệt đối với ai không được hưởng Tình Yêu ấy, những người bị đau khổ và những người bị loại ra bên lề cuộc sống.

3.Chúng ta được kêu gọi dựa trên nền tảng của Bí Tích Thanh Tẩy cũng như Bí Tích Thêm Sức để trở nên giống Chúa Ky-tô, trở nên người Samarita nhân hậu đối với tất cả những người khổ đau. „Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Tình Yêu là gì: đó là việc Đức Ky-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em“ (1Ga. 3, 6). Khi chúng ta quan tâm với sự trìu mến tới những người đang cần sự chăm sóc giúp đỡ thì có nghĩa là chúng ta đang mang niềm Hy Vọng và nụ cười của Thiên Chúa và trong những khác biệt của thế giới. Khi sự trao hiến một cách quả cảm cho những người khác trở thành phong thái của những hành động nơi chúng ta, thì có nghĩa là chúng ta đã trao cho Thánh Tâm Chúa Ky-tô một không gian và nhờ vậy chúng ta được nung nóng nhờ Thánh Tâm của Ngài; cũng thế, chúng ta góp phần thực hiện cho việc hiển trị của Triều đại Thiên Chúa.

4.Để lớn lên trong sự trìu mến, trong Tình Yêu cung kính và tinh tế, chúng ta có một mẫu gương Ky-tô giáo, một tấm gương mà chúng ta có thể hướng cặp mắt của chúng ta về đó với sự chắc chắn. Đó là Thân Mẫu của Chúa Giê-su và cũng là Mẹ của chúng ta, Người rất lưu tâm tới giọng nói của Thiên Chúa và sự khốn cùng cũng như những khó khăn của con cái Mẹ. Được thôi thúc bởi lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng đã đón nhận xác phàm từ trong con người của Mẹ, Đức Maria không hề nghĩ tới bản thân mình, và đã một mình thực hiện cuộc hành trình từ Ga-li-lê-a tới Giu-đê-a, để thăm và giúp đỡ người chị họ Ê-li-sa-bét. Mẹ đã thỉnh cầu Con của Mẹ trong tiệc cưới tại Ca-na khi Mẹ nhìn thấy rượu dành cho bữa tiệc đã hết. Mẹ mang những lời của cụ già Si-mê-on trong trái tim Mẹ trên suốt cuộc hành trình dương thế của Mẹ, những lời ấy tiên báo cho Mẹ biết một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ, và bền tâm một cách vững vàng dưới chân Thập Giá. Mẹ biết người ta sẽ đi thế nào trên con đường này, và vì thế Mẹ trở thành Thân Mẫu của mọi bệnh nhân cũng như của tất cả những ai đang phải khổ sầu. Với tình con thảo, chúng ta được phép trao gửi cho Mẹ sự tín thác hoàn toàn của chúng ta, trong sự xác tín rằng, Mẹ sẽ phù trì và đỡ nâng chúng ta, không bỏ rơi chúng ta trong những cơn hoạn nạn. Mẹ là Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh cũng như của Đấng Phục Sinh: Mẹ sẽ ở bên chúng ta khi chúng ta phải mang những cây thập giá, và sẽ đồng hành với chúng ta trên con đường đi tới sự phục sinh cũng như đi tới sự sung mãn của cuộc sống. 
5.Thánh Gio-an Tông Đồ, Đấng đã cùng với Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, sẽ dẫn đưa chúng ta tới với nguồn mạch của Đức Tin và Đức Ái, đến với Thánh Tâm Chúa, Đấng „là Tình Yêu“ (1 Ga. 4,8.16). Thánh Nhân đã nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta sẽ không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta không yêu thương những người anh em và những người chị em của chúng ta. Ai cùng đứng dưới chân Thập Giá với Đức Maria, người ấy sẽ học được cách để yêu thương như Chúa Giê-su. Thánh Giá chính là „bảo chứng về Tình Yêu trung tín của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu ấy bao la đến nỗi đã đột nhập vào trong tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó; tình yêu ấy đi vào trong nỗi khổ đau của chúng ta, và tặng ban cho chúng ta sức mạnh hầu chúng ta có thể mang vác nó, thậm chí còn đột nhập cả vào trong sự chết để khuất phục nó và cứu độ chúng ta. (…) Thánh Giá của Chúa Ky-tô cũng mời gọi chúng ta hãy để cho mình được đốt lên bởi Tình Yêu; và như thế, Thánh Giá dậy chúng ta biết luôn ngắm nhìn người khác với lòng khoan dung và tình yêu thương – mà trước tiên là đối với những người đang khổ đau, những người đang cần tới sự giúp đỡ“ (Đàng Thánh Giá với Giới Trẻ tại Rio de Janeiro, 26.07.2013).

Cha trao phó Ngày Quốc Tế về Các Bệnh Nhân lần thứ 22 này cho lời bầu cử của Đức Maria để Mẹ giúp đỡ các bệnh nhân, ngõ hầu họ có thể sống các nỗi thống khổ riêng của mình trong sự hiệp thông với Chúa Giê-su Ky-tô, và để Mẹ đỡ nâng tất cả những ai đang chăm sóc cho các bệnh nhân. Cha ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các bệnh nhân, cho tất cả những người đang làm việc trong các nghành chăm sóc bệnh nhân cũng như trong các cơ quan phục vụ bệnh nhân. 

Từ Vatican ngày 06 tháng 12 năm 2013
Giáo Hoàng Phan-xi-cô

(rv 11.02.2014 sta)

Bản dịch do BBT thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét