Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Sứ điệp mùa Chay năm 2014 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Sứ điệp mùa Chay năm 2014 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô 

Giáo Hoàng Phan-xi-cô
Thiên Chúa cứu độ nhờ vào sự nghèo hèn của Chúa Ky-tô

Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có (2.Cor. 8,9).
Anh chị em thân mến,

Nhân dịp mùa Chay này, Cha xin giới thiệu với anh chị em một vài suy tư, trong niềm hy vọng rằng, những suy tư ấy sẽ có thể giúp ích cho con đường trở về của từng cá nhân cũng như của tất cả cộng đoàn. Cha muốn căn cứ trên một lời của Thánh Phao-lô: „Vì chưng, như anh em đã biết, Chúa Giê-su Ky-tô, Chúa chúng ta đã làm gì trong Tình Yêu của Ngài: Ngài là Đấng giầu sang nhưng đã trở nên nghèo hèn vì anh em, ngõ hầu làm cho anh em được trở nên giầu sang nhờ vào sự nghèo hèn của Ngài“ (2.Cor 8,9). Thánh Tông Đồ đã trình bày như thế đối với các tín hữu thuộc Giáo đoàn Cô-rin-tô để khích lệ họ hãy quảng đại hơn nữa trong việc giúp đỡ các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem đang ở trong cảnh cùng quẫn. Những lời của Thánh Phao-lô ấy muốn nói gì với các Ky-tô hữu chúng ta ngày nay? Và lời kêu gọi ấy muốn nói gì với chúng ta ngày hôm nay về chính sự nghèo khó cũng như về một cuộc sống nghèo khó trong ý nghĩa của Tin Mừng?

Ân Sủng của Chúa Ky-tô

Trước tiên, những lời ấy muốn nói cho chúng ta biết đâu là cách thức của Thiên Chúa. Thiên Chúa không mạc khải chính mình qua trung gian của những quyền lực và sự giầu có thế gian, nhưng qua trung gian của những yếu đuối và nghèo hèn: „Ngài là Đấng giầu sang nhưng đã trở nên nghèo hèn vì anh em…“ Chúa Ky-tô, người Con Một từ đời đời của Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa Cha trong quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo hèn; Ngài đã giáng trần và cư ngụ giữa chúng ta, đã đến gần bên từng người một trong chúng ta; Ngài, tức Đấng đã khước từ chính bản thân mình, „đã trút bỏ“ bản tính Thiên Chúa để trở nên giống chúng ta mọi đàng (Phil. 2,7; Dt. 4,5). Sự trở thành xác phàm của Thiên Chúa là một mầu nhiệm thẳm sâu! Nhưng nguyên lý của tất cả những điều ấy lại chính là Tình Yêu của Thiên Chúa – mà Tình Yêu ấy chính là Ân Sủng, là lòng Bao Dung và là sự mong muốn đến gần, một tình yêu không do dự trong việc tự hiến và hy sinh mạng sống cho tất cả các thụ tạo được yêu. Tình yêu có nghĩa là chia sẻ một cách trọn vèn và hoàn toàn với vận mệnh của người được yêu. Tình Yêu làm cho trở nên giống nhau, nó tác tạo sự bình đẳng, phá bỏ những bức tường ngăn cản và loại bỏ những khoảng cách. Và Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta những điều giống hệt như vậy. Vì Chúa Giê-su đã „lao động với đôi tay nhân loại (…), đã suy nghĩ bằng trí khôn nhân loại, đã hành động với một ý chí nhân loại (…), đã yêu thương bằng một trái tim nhân loại. Được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã trở thành một con người thật sự trong chúng ta, và  giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi (Gaudium et spes, 22).

Mục đích nơi việc trở nên nghèo hèn của Chúa Giê-su không dừng lại trong chính sự nghèo hèn, nhưng - như Thánh Phao-lô nói – đi đến chỗ „làm cho anh em trở nên giầu sang nhờ sự nghèo hèn của Ngài“. Vấn đề ở đây không phải là một lối chơi chữ hay một cách diễn đạt nhằm tạo ấn tượng! Những lời ấy trình bày một cách rõ ràng và chính xác về lô-gich của Thiên Chúa, lô-gich của Tình Yêu, lô-gich của việc trở thành xác phàm và lô-gich của thập giá. Thiên Chúa đã không để cho ơn cứu độ rơi xuống trên chúng ta từ trên cao, giống như của bố thí mà một người đã trao đi với cử chỉ thương hại, chẳng khác nào cho đi một phần nhỏ trong số những tài sản kếch sù và dư thừa của riêng mình. Tình Yêu của Chúa Ky-tô không thuộc thể loại đó! Khi Chúa Giê-su bước xuống dòng sông Gio-đan và để cho mình được cử hành nghi thức thanh tẩy bởi Gio-an Tẩy Giả, thì Ngài đã không làm việc ấy vì Ngài cần phải thống hối, cần phải trở lại. Ngài làm điều đó để đến ở giữa những con người đang cần ơn tha thứ, ở giữa những tội nhân, và để nhận lấy về cho mình những gánh nặng của tội lỗi chúng ta. Đó là con đường mà Ngài đã chọn để an ủi chúng ta, để cứu độ chúng ta  và để giải phóng chúng ta khỏi những cơn hoạn nạn khổ đau. Những lời của Thánh Phao-lô đã gây ấn tượng cho chúng ta khi Ngài nói rằng, chúng ta được giải thoát không phải là nhờ vào sự giầu sang của Chúa Ky-tô, mà là nhờ vào sự nghèo hèn của Ngài. Tuy nhiên Thánh Phao-lô cũng biết rất rõ về „sự giầu sang khôn dò thấu của Chúa Ky-tô“ (Eph. 3,8), „gia sản của tất cả“ (Dt. 1,2).
Vậy thì sự nghèo hèn ấy là gì mà nhờ đó Chúa Giê-su đã giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giầu có? Đó chính là một cách thức, giống như Ngài yêu chúng ta, là một sự thật rằng, Ngài trở thành một người gần gũi nhất đối với chúng ta, giống như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu đi đến với người đàn ông đang bị quăng nửa sống nửa chết bên đường (Lc. 10, 25tt). Điều đã trao tặng chúng ta sự tự do đích thực, ơn cứu độ đích thực và niềm hạnh phúc thực sự, điều đó chính là Tình Yêu đầy âu yếm và cảm thông. Sự nghèo hèn của Chúa Ky-tô, tức điều làm cho chúng ta trở nên giầu sang, đó chính là sự Nhập Thể của Ngài, qua đó Ngài đón nhận về cho bản thân Ngài tất cả những yếu hèn cũng như những tội lỗi của chúng ta, và như thế, làm cho chúng ta được tham dự vào lòng khoan hậu khôn cùng của Thiên Chúa. Sự nghèo hèn của Chúa Ky-tô chính là sự phú quý sang trọng nhất của Thiên Chúa: Chúa Giê-su trở nên giầu sang thông qua sự tín thác vô bến bờ của Ngài đối với Thiên Chúa Cha, nhờ đó, Ngài có thể tín thác vào Thiên Chúa Cha trong từng phút giây, và đồng thời lúc nào cũng muốn thực thi chỉ duy Thánh Ý Chúa Cha cũng như muốn tôn vinh danh Ngài. Ngài trở nên giầu sang, giống như một đứa con, nó cảm thấy được yêu thương bởi cha mẹ cũng như cảm thấy mến yêu cha mẹ mình, và không một phút giây nào nghi ngờ về Tình Yêu  cũng như sự quan tâm của cha mẹ. Sự giầu sang của Chúa Giê-su chính là tình con thảo của Ngài, mối tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha thể hiện đặc ân tuyệt đối của Đấng Messia nghèo hèn này. Khi Chúa Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy nhận về cho mình „chiếc ách êm ái“ của Ngài, thì điều đó có nghĩa là Ngài mời gọi chúng ta hãy tự làm giầu mình bằng chính „sự nghèo hèn một cách giầu sang“ cũng như „sự giầu sang một cách nghèo hèn“ này của Ngài, ngõ hầu có thể chia sẻ với Ngài về tình con thảo cũng như tình huynh đệ của Ngài, để trở nên những người con trong người Con Duy Nhất, trở nên anh chị em của nhau trong người Anh Cả (Rom. 8, 29).

Theo Léon Bloy thì chỉ có một nỗi buồn thực sự và duy nhất, đó là việc không phải là một vị thánh. Thế thì chúng ta cũng có thể nói rằng, chỉ có một sự cùng quẫn thực sự và duy nhất khi chúng ta không được sống với tư cách là con Thiên Chúa cũng như với tư cách là những người anh em và chị em của Chúa Ky-tô.

Chứng tá của chúng ta
Ngày nay chúng ta có thể nghĩ rằng, „con đường“ của sự nghèo hèn này đích thực là chính Chúa Giê-su, trong khi chúng ta, là những người đến sau Chúa Giê-su, lại ở trong tình cảnh phải cứu thế giới bằng những phương tiện thích hợp với nhân loại. Nhưng thực ra  không phải vậy. Trong mỗi thời đại và trong những địa điểm khác nhau, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục cứu độ con người và thế giới thông qua sự nghèo hèn của Chúa Ky-tô, Đấng đã trở nên nghèo hèn trong các Bí Tích, trong Lời và trong Giáo hội của Ngài, mà Giáo hội ấy là một dân tộc của những người nghèo. Sự giầu sang của Thiên Chúa không thể được giới thiệu thông qua sự giầu có của chúng ta, nhưng chỉ luôn  nhờ vào sự nghèo hèn thuộc về cộng đồng cũng như cá nhân của chúng ta, mà sự nghèo hèn ấy được đem tới sinh khí bởi Thánh Thần của Chúa Ky-tô.
Các Ky-tô hữu chúng ta được kêu gọi để đi theo vị Thầy của mình cũng như để nhìn thấy những nỗi cùng khốn của những người anh em và những người chị em của mình, đồng thời để động chạm tới những nỗi cùng khốn ấy và nhận lãnh chúng về với bản thân chúng ta, cũng như có những hành động cụ thể hầu làm giảm bớt chúng. Sự cùng khốn không được coi là ngang hàng với sự nghèo khó; bởi vì cùng khốn là sự nghèo hèn không niềm tín thác, không tình liên đới và cũng không niềm hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ra ba loại cùng khốn: cùng khốn về vật chất, cùng khốn về luân lý và cùng khốn về mặt tâm linh. Sự cùng khốn về phương diện vật chất chính là điều mà thông thường, bị coi như sự „nghèo nàn“, và điều này người ta có thể bắt gặp được ở bất cứ những ai đang sống trong những hoàn cảnh bất xứng với nhân phẩm: quyền lợi căn bản của họ đã bị cướp mất, và không có khả năng được đáp ứng về những nhu cầu nền tảng như lương thực, nước uống, sự chăm sóc y khoa và công ăn việc làm, hay để phát triển bản thân và văn hóa. Khi tận mắt chứng kiến sự cùng khốn này, Giáo hội đã mời gọi các cơ quan và các trợ tá của mình hãy đáp ứng những nhu cầu đó và hãy chữa lành những vết thương đó, tức những vết thương đang làm biến dạng dung nhan nhân loại. Trong những người nghèo, những người cùng rốt, chúng ta nhìn thấy dung mạo của Chúa Ky-tô; khi chúng ta yêu thương những người nghèo và giúp đỡ họ, điều đó có nghĩa là chúng ta đang yêu mến và phục vụ Chúa Ky-tô. Đó là đích đến cho những cố gắng của chúng ta, cũng như góp phần đem lại rằng, những điều gây thương tổn cho phẩm giá con người, những thái độ phân biệt đối xử và những sự lạm dụng quyền hạn sớm kết thúc trên toàn thế giới, bởi chúng thường là những nguyên nhân gây nên sự cùng khốn. Quyền lực, sự xa hoa và tiền bạc sẽ dẫn tới việc tôn thờ ngẫu tượng, cũng vậy, những điều này sẽ bị đặt cao hơn sự cần thiết của một cách phân phối hợp lý về sự giầu sang. Vì thế cần có một sự đòi hỏi mang tính cấp bách về một sự trở về của lương tâm đối với các giá trị của Đức Công Bằng, của sự bình đẳng, của sự thanh bần và của sự sẻ chia.

Sự cùng khốn về mặt luân lý không hề ít gây lo lắng hơn. Chính trong sự cùng khốn về mặt luân lý này mà con người bị biến thành nô lệ cho những gánh nặng của tội lỗi. Có biết bao nhiêu là gia đình đang phải ở trong mối lo lắng đầy sợ hãi, vì một thành viên trong gia đình họ - mà đa số là những người trẻ - đang bị sa vào những cơn nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc hay nghiện tranh ảnh sách báo khiêu dâm! Đã có biết bao nhiêu là con người không còn có khả năng nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống nữa, họ bị đặt trong tình trạng không có tương lai và niềm Hy Vọng! Và có biết bao nhiêu là con người đang bỉ đẩy vào trong sự cùng khốn bởi những những hoàn cảnh bất công xã hội; vì họ bị cướp mất phẩm giá bởi việc thiếu công ăn việc làm – tức điều có thể giúp mang lương thực về cho gia đình; căn cứ vào sự bất bình đẳng đối với quyền được giáo dục cũng như quyền được chăm sóc về mặt sức khỏe. Trong những trường hợp như vậy, sự cùng khốn về mặt luân lý có thể bị coi là quyền chẳng hạn như đối với việc tự vẫn đang manh nha. Hình thức cùng khốn này, tức điều cũng đưa tới hậu quả khiến đổ vỡ về mặt kinh tế, vẫn được liên kết với sự cùng khốn xét về phương diện tâm linh. Sự cùng khốn này sẽ gây thương tổn cho chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và khước từ tình yêu thương của Ngài. Có khả năng rằng, chúng ta cảm thấy tự mình là đủ, và vì thế không cần tới Thiên Chúa – Đấng bao bọc chúng ta trong Chúa Ky-tô với bàn tay của Ngài – nữa – và khả năng ấy sẽ dẫn chúng ta đi vào con đường tan vỡ. Chỉ duy có một mình Thiên Chúa là Đấng cứu độ và giải thoát thực sự.

Tin Mừng chính là phương thuốc đích thực đối với sự cùng khốn tâm linh: Chúa Ky-tô đã gây nên sự xúc động trong việc mang Tin Mừng giải thoát đến khắp nơi rằng, có sự tha thứ đối với những bất công xấu xa, rằng Thiên Chúa thì vĩ đại hơn tội lỗi của chúng ta, và Ngài yêu chúng ta vô điều kiện, luôn luôn, và rằng, chúng ta đã được tiền định để sống trong sự hiệp thông cũng như trong sự sống đời đời. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy trở thành người mang đến niềm vui của Tin Mừng về lòng Khoan Hậu cũng như Tin Mừng của Niềm Hy Vọng! Thật tốt đẹp biết bao khi trải qua niềm vui về việc loan báo Sứ Điệp tốt lành ấy, thật tốt đẹp biết bao khi chúng ta sẻ chia cho nhau cũng như cho người khác về kho tàng tín thác, an ủi vỗ về những tấm lòng bị tan vỡ và tặng ban niềm hy vọng cho những người anh chị em đang bị bao vây bởi bóng tối.  Nó dẫn tới việc đi theo Chúa Giê-su và thực hiện những điều như Chúa Giê-su thực hiện, Ngài đã  đến với những người nghèo khổ và những người tội lỗi, giống như người mục tử thực hiện cho con chiên bị thất lạc và tràn đầy tình yêu với nó. Hiệp thông với Ngài chúng ta có thể anh dũng trong việc mở ra một con đường mới đối với việc loan báo Tin Mừng cũng như đối với những thách đố của nhân loại.

Anh chị em thân mến, trong mùa Chay này, toàn thể Giáo hội đang muốn sẵn sàng và hăng hái trao đi chứng tá của Tin Mừng cho những người đang phải ở trong sự cùng khốn về vật chất, về luân lý cũng như về tinh thần, mà chứng tá ấy được thâu hợp lại trong Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa Cha đầy lòng nhân hậu, Đấng - trong Chúa Ky-tô - luôn sẵn sàng ôm ghì lấy bất cứ một ai. Ngài sẽ thực hiện điều đó cho chúng ta trong mức độ mà chúng ta phụ thuộc vào Chúa Ky-tô, Đấng đã trở nên nghèo khó, và nhờ vào sự nghèo khó của Ngài, làm cho chúng ta trở nên giầu sang. Mùa Chay thích hợp một cách hoàn toàn đặc biệt với sự từ bỏ. Sẽ rất tốt cho chúng ta trong việc tự đặt ra câu hỏi rằng, chúng ta có thể khước từ việc giúp đỡ người khác và làm phong phú họ thông qua sự nghèo hèn của chúng ta không? Chúng ta đừng quên rằng, sự nghèo hèn đích thực đang gây đau đớn: Một sự từ bỏ mà không bao hàm trong khía cạnh thống hối thì hoàn toàn vô nghĩa. Cha không tin rằng những của bố thí lại không hề có một giá trị gì hay không hề gây ra sự đau thương nào.

Chúa Thánh Thần, nhờ Ngài mà chúng ta „bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng ta làm cho bao người trở nên giầu có; bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng ta có tất cả“ (2 Cr.6, 10), sẽ trợ giúp những dự định của chúng ta, và làm tăng thêm cho chúng ta sự quan tâm cũng như tinh thần trách nhiệm đối với những nỗi cùng khốn của nhân loại, hầu chúng ta trở nên nhân hậu cũng như luyện tập đức nhân hậu. Điều mong ước này sẽ đi vào trong lời cầu nguyện của Cha rằng, bất cứ người tín hữu hay bất cứ cộng đoàn Giáo hội nào cũng đều có thể trở về với con đường của mùa Chay đầy hoa trái. Và Cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho Cha. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em và xin Đức Trinh Nữ Maria gìn giữ chở che anh chị em.

Va-ti-can ngày 26 tháng 12 năm 2013, nhân dịp Lễ kính Thánh Stê-pha-nô Phó Tế Tử Đạo.

Giáo Hoàng Phan-xi-cô 

Bản dịch do BBT thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét