Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh 27.04.2014

Die Heiligsprechung zweier Päpste im Beisein zweier Päpste ist ein absolutes Novum und lockte Pilger aus aller Welt in Scharen an.
ĐTC Phan-xi-c

Những vết thương đầy vinh hiển của Chúa Giê-su phục sinh đứng trong trung tâm điểm của ngày Chúa Nhật hôm nay, tức Chúa Nhật kết thúc tuần Bát Nhật Phục Sinh, và cũng là Chúa Nhật mà Đức Gio-an Phao-lô II đã thánh hiến cho lòng xót thương của Thiên Chúa.

Trong lần đầu tiên mà Chúa Giê-su hiện ra với các Tông Đồ vào buổi chiều của ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Phục Sinh, Ngài đã chỉ cho các ông thấy các vết thương của Ngài. Nhưng vào buổi chiều hôm đó, Thomas lại không có mặt. Và khi các Tông Đồ khác kể lại cho ông rằng họ đã thấy Chúa, thì ông đã trả lời họ là ông sẽ không tin trước khi ông được nhìn thấy các vết đanh của Chúa cũng như đụng chạm vào những vết đanh đó. Tám ngày sau, Chúa Giê-su lại hiện ra tại nhà tiệc ly, giữa các môn đệ, và Thomas cũng hiện diện ở đó. Chúa Giê-su đã quay về phía ông và yêu cầu ông hãy đụng vào các vết thương của Người. Và lúc đó người đàn ông trung thực này, một người có thói quen tự mình phải kiểm chứng tất cả, đã quỳ gối xuống trước Chúa Giê-su và kêu lên: „Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!“ (Ga.20, 28).

Những vết thương của Chúa Giê-su chính là một điều phẫn nộ đối với Đức Tin, nhưng nó cũng lại là một bằng chứng cho Đức Tin. Vì thế, những vết thương nơi thân xác của Chúa Ky-tô Phục Sinh đã không bị biến mất; chúng vẫn còn đó, vì những vết thương ấy chính là chỉ dấu thường trực về Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng cần thiết đối với Đức Tin vào Thiên Chúa. Không phải để tin rằng, Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng, Thiên Chúa là Tình yêu, là Đấng Hay Thương Xót và là Đấng Tín Trung. Thánh Phê-rô đã dùng những Lời của Ngôn Sứ Isaia để viết cho các Ky-tô hữu: „Nhờ vào các vết thương của Người mà anh em đã được chữa lành“ (1 Phr.2, 24; Is.53,5).

Đức Gio-an XXIII và Đức Gio-an Phao-lô II đã có sự can đảm để nhìn ngắm những vết đanh của Chúa Giê-su, để đụng chạm vào những cánh tay bị đâm thủng cũng như cạnh sườn bị xuyên thấu của Người. Các Ngài đã không lấy làm xấu hổ về thân hình của Chúa Ky-tô, các Ngài đã không cảm thấy khó chịu về Chúa Ky-tô cũng như về thập giá của Người; các Ngài đã không xa lánh thân thể của người đồng loại (xc Is. 58, 7), vì các Ngài nhìn thấy Chúa Giê-su trong bất cứ con người khổ đau nào. Các Ngài là những con người đầy anh dũng, được đổ đầy bởi sự chân thật của Chúa Thánh Thần, và đã trao cho Giáo Hội và thế giới chứng từ về sự tốt lành hải hà của Thiên Chúa và lòng xót thương của Người.

Các Ngài chính là những Linh Mục, những Giám Mục và là những vị Giáo Hoàng của thế kỷ 20. Các Ngài đã trải qua những tấn thảm kịch của chính mình, nhưng đã không bị khuất phục bởi những bi kịch ấy. Thiên Chúa càng ngày càng trở nên mãnh liệt hơn trong các Ngài; Đức Tin vào Chúa Giê-su Ky-tô, Đấng cứu độ nhân loại và là Chúa của lịch sử, càng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn; và cũng mạnh mẽ hơn trong các Ngài là lòng thương xót của Thiên Chúa, mà lòng thương xót này mở ra cho các Ngài năm vết thương; Tình Yêu từ mẫu của Đức Maria cũng càng ngày càng mạnh mẽ hơn trong các Ngài.

„Một niềm Hy vọng sống động“ liên kết với „một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang“ (1 Ph. 1, 3.8) sống trong hai vị Giáo Hoàng này, tức những vị đã sống trong sự chiêm ngưỡng các vết thương của Chúa Ky-tô và trở nên chứng tích cho lòng thương xót của Người. Niềm Hy Vọng và Niềm Vui sống trong các Ngài ấy, chính là điều mà Chúa Ky-tô phục sinh đã ban tặng cho các môn đệ của Ngài, và không điều gì cũng như không ai có thể lấy mất được chúng khỏi các Ngài. Niềm Hy Vọng và Niềm Vui Phục Sinh mà chúng đã đi ngang qua lò đúc của sự từ bỏ và của sự trống rỗng nội tâm, của sự gần gũi với những tội nhân cho tới những con người cùng rốt, tới sự chán ngấy khi tận mắt chứng kiến sự cay đắng của chén này: Đó chính là niềm Hy Vọng và Niềm Vui mà với chúng cả hai vị Thánh Giáo Hoàng đã được ban tặng bởi Đấng Phục Sinh, và về phía mình, các Ngài đã trao chúng lại cho dân Chúa trong sự tròn đầy, mà do đó các Ngài nhận được lời tri ân đời đời.

Niềm Hy Vọng và Niềm Vui này làm nên bối cảnh mà trong đó các cộng đoàn tín hữu nguyên thủy đã sống tại Giê-ru-sa-lem mà sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật cho chúng ta về cộng đoàn đó (Cv. 2, 42-47). Đó là một cộng đoàn mà trong đó điều căn bản của Tin Mừng đã được sống, hay nói cụ thể hơn, đó là Đức Ái và lòng Xót Thương trong sự đơn thành và huynh đệ.

Và đó là hình ảnh của Giáo hội, là hình ảnh được phản chiếu trong Công Đồng Vatican II. Đức Gio-an XXIII và Đức Gio-an Phao-lô II đã cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần để phục hồi Giáo hội cho tương ứng với thân hình nguyên thủy của mình, và để hiện thực hóa cho tương ứng với thân hình mà trong suốt chiều dài lịch sử, các Thánh đã tạo nên cho Giáo hội. Chúng ta đừng quên rằng, đó là điều mà các vị Thánh vừa được tôn phong đây đã thực hiện, các Ngài đã để cho Giáo hội phát triển và lớn lên. Trong việc triệu tập Công Đồng Vatican II, Đức Gio-an XXIII đã chứng tỏ một sự ngoan ngoãn đầy tinh tế đối với Chúa Thánh Thần, đã để cho mình được dẫn dắt  và là một mục tử, một nhà lãnh đạo được dẫn dắt đối với Giáo hội. Đó là sự phục vụ to lớn của Ngài đối với Giáo hội; Ngài là một vị Giáo Hoàng ngoan hiền đối với Chúa Thánh Thần.

Trong sự phục vụ dân Thiên Chúa của mình, Đức Gio-an Phao-lô II đã trở thành vị Giáo Hoàng của các gia đình. Vì thế, như Ngài đã từng nói, Ngài muốn đi vào trong ký ức của mọi người như là vị Giáo Hoàng của gia đình. Cha muốn nhấn mạnh điều đó, vì chúng ta  đang bước trên đường để đi tới với Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và với các gia đình, mà chắc chắn rằng, từ trời cao, Ngài đang và sẽ đồng hành cũng như hỗ trợ các gia đình.

Ước gì, qua lời bầu cử của các Ngài, hai vị Tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa sẽ giúp đỡ Giáo Hội, để Giáo hội trở nên ngoan hiền đối với Chúa Thánh Thần trong sứ vụ mục tử của mình dành cho các gia đình, trong cả năm nay lẫn năm tới mà các Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ diễn ra. Ước gì cả hai Đấng đều dậy dỗ chúng ta để chúng ta không lấy làm bực bội về các vết thương của Chúa Ky-tô, và để chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa, mà nó vẫn luôn mang đến Niềm Hy Vọng và sự tha thứ, vì lòng thương xót ấy vẫn đang yêu thương.

(rv 27.04.2014 ord)

Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét