Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Bản tổng kết của Đức Thánh Cha sau chuyến công du tới Trung Đông: „Không có công nghệ hòa bình!“

Hòa bình là „công việc thủ công“: tiếc rằng „không có công nghệ hòa bình“, không giống như công nghệ sản xuất vũ khí. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế vào sáng thứ Tư hôm nay, được đúc kết lại từ những cuộc xung đột tại vùng Trung Đông. Trong cuộc hội kiến chung của Ngài tại quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha đã rút ra một bản đúc kết về chuyến công du của Ngài tới Đất Thánh. Từ thứ Bảy tới thứ Hai vừa rồi, Ngài đã đến thăm Jordanie, Palestina và Israel.

„Chuyến đi hành hương tới vùng đất được chúc phúc này là một ân sủng lớn đối với Giáo hội, và Cha phải tạ ơn Chúa về ân sủng đó… Điểm chính yếu của chuyến đi này là sự tưởng nhớ tới cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phao-lô VI và Đức Thượng phụ giáo chủ Athenagoras cách nay 50 năm; vì thế, cuộc gặp gỡ của Cha với Đức Thánh Bartholomaios, người anh em khả ái trong Chúa Ky-tô, chính là cao điểm của chuyến viếng thăm này. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện bên ngôi mộ của Chúa Giê-su; tại địa điểm đó, nơi sự Phục Sinh được công bố, chúng tôi đã cảm nhận thấy được hoàn toàn nỗi đắng cay của những sự chia rẽ mà nó đang có ở nơi các môn đệ của Chúa Ky-tô. Điều đó gây nên sự đớn đau biết dường nào! Nó gây ra nỗi khổ đau cho cõi lòng. Chúng ta vẫn đang còn chia rẽ.“

Bỏ bản văn được soạn sẵn sang một bên, Đức Thánh Cha bổ sung:

„Giống như các Đức Giáo Hoàng trước đây đã làm, giời đây Cha cũng muốn cầu xin ơn tha thứ cho tất cả những gì mà chúng ta đã làm trong quá khứ trong việc khoét sâu sự chia rẽ này, và Cha cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài giúp chúng ta trong việc chữa lành các vết thương mà chúng ta đã đưa đến cho những người anh chị em khác. Tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau trong Chúa Ky-tô, và với Đức thượng phụ Bartholomaios, hẳn nhiên chúng tôi cũng là anh em, là bạn của nhau! Chúng tôi đã cảm thấy có ước muốn chung để cùng lên đường với nhau và cùng thực hiện tất cả những gì mà hôm nay chúng tôi có thể: Cầu nguyện cùng nhau, làm việc cùng nhau cho đàn chiên của Chúa, tìm kiếm hòa bình, bảo vệ thiên nhiên, cùng rất nhiều những thứ khác mà chúng tôi có chung. Như là những người anh em, chúng tôi phải tiến về phía trước!“

Sau đó Đức Thánh Cha đề cập đến những cuộc chiến tranh và những xung đột khôn xiết kể đang diễn ra tại vùng Trung Cận Đông: Ngài cho biết, chuyến đi hành hương của Ngài muốn góp phần hầu làm cho vùng này có thể tìm thấy được con đường dẫn tới hòa bình. Để có được nền hòa bình, điều đó „vừa là quà tặng của Thiên Chúa và đồng thời cũng là những nỗ lực trong gian khổ của nhân loại“. Đức Thánh Cha đã nói mình „luôn luôn là người hành hương nhân danh Thiên Chúa và nhân danh nhân loại“.

„Khiêm nhượng, tình huynh đệ, sự hòa giải – Xin Chúa Thánh Thần thực hiện những điều đó cho chúng ta, hầu rèn luyện chúng trong cuộc sống hằng ngày, với những con người thuộc những nền văn hóa và những tôn giáo khác nhau, hầu trở nên những người lao công của hòa bình. Vì hòa bình là một công việc thủ công; không có công nghệ hòa bình, không. Người ta phải tạo ra hòa bình mỗi ngày qua công việc chân tay, và với việc mở rộng con tim để Thiên Chúa ban tặng hòa bình.“

„Phải khẩn trương lên ngay bây giờ, cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa cho hòa bình!“

Tại Jordanie, trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đất Thánh của Đức Thánh Cha vào hôm thứ Bảy vừa qua, có một điều đã gây „ấn tượng mạnh mẽ cho Ngài về sự đức độ khôn kể xiết của dân tộc đã đón nhận những người tị nạn phải trốn chạy trước những trận chiến tranh“ – Đức Thánh Cha cho biết. Ở đây, Ngài lại bỏ bản văn đã được soạn sẵn sang một bên để nói. Tại Palestina cũng như tại Israel, Ngài thấy rằng, cả hai vị tổng thống „đều là những con người của hòa bình, đều là những người thợ thủ công của hòa bình“. Vì thế, Ngài đã mời hai vị tổng thống này tới Vatican để tham dự một buổi cầu nguyện cho hòa bình.

„Và Cha xin anh chị em: Xin anh chị em đừng để chúng tôi phải lẻ loi, hãy cầu nguyện và cầu nguyện, để Thiên Chúa ban hòa bình cho chúng ta và để Ngài ban hòa bình xuống cho đất nước được chúc phúc ấy! Cha đặt lòng tin vào sự cầu nguyện của anh chị em. Lúc này đây, hãy khẩn trương lên, hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật khẩn thiết để hòa bình đến!“

Trong ba ngày công du của Đức Thánh Cha, Ngài cũng có chủ đích muốn tăng cường lòng tin cho các Ky-tô hữu tại Đất Thánh – Đức Thánh Cha bổ sung. Ngài cám ơn các Ky-tô hữu về sự kiên trì chịu đựng của họ trong vùng Trung Cận Đông, bất chấp tất cả những khó khăn: Họ là „những chứng nhân can đảm của niềm Hy Vọng và Tình Yêu, là muối và là ánh sáng của vùng đất ấy“. Đặc biệt nhất là việc Đức Thánh Cha đã gần gũi với tất cả những người phải chạy trốn, những người bị áp bức cũng như những người khổ đau trong vùng Trung Cận Đông, và cầu nguyện cho họ.

(rv 28.05.2014 sk)


Joseph Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét