Sau
ba ngày viếng thăng vùng Trung Cận Đông, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trở về lại
Rô-ma. Lúc gần 23 giời đêm ngày thứ Hai, bằng một chiếc máy bay đặc biệt của
hãng máy bay Israel EL AL, Đức Thánh Cha đã đáp xuống sân bay Ciampino của
Rô-ma, kết thúc chuyến Tông du nước ngoài lần thứ hai của Ngài.
Ngay
sau chuyến công du kéo dài ba ngày tại vùng Trung Cận Đông, và ngay trên chuyến
bay từ Tel Aviv về Rô-ma, Đức Thánh Cha đã bày tỏ quan điểm của mình trước các
Ký giả tháp tùng chuyến tông du của Ngài với những đề tài khác nhau. Tại đây,
Ngài đề cập đến các đề tài như việc lạm dục tình dục trẻ em bởi các giáo sĩ, đời
sống độc thân, sự từ chức của Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm Bê-nê-đíc-tô XVI, và những
dự kiến cho những chuyến tông du vào năm 2015.
Cuộc
nói chuyện kéo dài đúng 40 phút. Trong năm vừa qua, trên chuyến bay trở về lại
Rô-ma từ ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
cũng đã từng thực hiện „một cuộc họp báo
trên chuyến bay“ kéo dài tới cả tiếng đồng hồ.
Cầu nguyện cho hòa bình, „không có những cuộc thương
thuyết“
Với
cái nhìn về buổi cầu nguyện chung của tổng thống Israel Shimon Peres và của tổng
thống Palestina Mahmud Abbas với bản thân Ngài, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, sáng
kiến này không đề cập tới những cuộc thương thuyết. Cuộc gặp gỡ nên là một cuộc
cầu nguyện cho hòa bình. Cả tổng thống Abbas lẫn tổng thống Peres đều có „sự
can đảm để bước tới phía trước“ – Đức Thánh Cha ca ngợi. Một thời biểu chính
xác cho cuộc gặp gỡ thì vẫn còn chưa chắc chắn – Đức Thánh Cha cho biết. Hôm
Chúa Nhật vừa rồi, vào lúc vừa kết thúc Thánh Lễ tại Bethlehem, Đức Thánh Cha
đã bất ngờ công bố một sáng kiến. Nhật báo „Lo´Osservatore Romano“ của Tòa
Thánh Vatican đã cho biết, ngày mồng 6 tháng 6 này sẽ là thời biểu của cuộc gặp
gỡ cầu nguyện, và có trưng dẫn lời từ ban tham mưu của tổng thống Abbas. Lúc đầu,
cuộc cầu nguyện cho hòa bình đã được lên kế hoạch cho chuyến tông du tới Đất
Thánh của Đức Thánh Cha; nhưng kế hoạch đã không thành công do những vấn đề thuộc
khâu tổ chức.
Đức Thánh Cha sẽ tông du tới Sri Lanka và tới
Philippine
Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô muốn đến thăm khu vực bị ảnh hưởng của trận sóng thần vào
tháng giêng năm 2004 của Philippine. Ngài đã công bố điều này trên chuyến bay
trở về Rô-ma từ Tel Aviv trước các Ký giả tháp tùng chuyến tông du đến Đất
Thánh Của Ngài. Theo đó, vào đầu năm 2015, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Sri Lanka
trước và lưu lại đó hai ngày, sau đó Ngài sẽ tiếp tục tới thăm quốc đảo đã bị
tàn phá bởi trận thiên tai khủng khiếp vào năm 2004. Ngài sẽ lưu lại quốc đảo
này 4 ngày. Trong năm 2014 này cũng còn một chuyến tông du tới châu Á nữa đang
nằm trong chương trình tông du của Đức Thánh Cha. Cụ thể là vào tháng 8 tới đây,
Đức Thánh Cha sẽ tham dự Ngày Giới Trẻ Công Giáo Á Châu tại Nam Hàn. Nhân đây,
Đức Thánh Cha cũng muốn thực hiện việc tôn phong Á Thánh cho các vị tử đạo tại
Seoul.
Dâng Lễ với các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục
Đức
Thánh Cha đã công bố một buổi Phụng Vụ với 8 nạn nhân của các vụ lạm dụng tình
dục vào tuần đầu tiên của tháng 6 tới đây tại Vatican. Trong số 8 nạn nhân này,
có hai người Đức, và 6 người còn lại thì đến từ Anh và từ Bắc Ai-len. Đức Thánh
Cha đã mời nhóm này đến tham dự một Thánh Lễ tại nguyện đường Thánh Marta của
nhà khách thuộc Tòa Thánh Vatican. Sau buổi Phụng Vụ chung, Đức Thánh Cha muốn
gặp gỡ họ để nói chuyện riêng về những kinh nghiệm của họ - Ngài cho biết như
thế. Đức Hồng y Sean Patrick O`Malley - chủ tịch của Hội Đồng Bảo Vệ Trẻ Em trực
thuộc Tòa Thánh – cũng sẽ tham dự cuộc gặp gỡ này.
Những
xâm phạm tình dục đối với trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng, Giáo hội sẽ không
khoan nhượng trước vấn đề này – Đức Thánh Cha bày tỏ. „Lạm dụng tính dục là một
hành vi tra tấn tồi tệ, vì một giáo sĩ, tức kẻ đã làm một cái gì đó như thế, phạm
phải tội bội ước nơi thân mình của Chúa. Điều đó giống như là một buổi lễ thờ
Sa-tan“ – Đức Thánh Cha nói.
Đối
với ba vị Giám mục mà hiện tại đang bị điều tra về hành vi lạm dụng tính dục trẻ
em, thì một vị đã bị kết án rồi. „Không có đặc quyền“ đối với các bị cáo này.
Công cuộc cải tổ Giáo Triều đang tiến về phía trước
Đức
Thánh Cha cảm thấy rất hài lòng về những bước tiến triển nơi công cuộc cải tổ
Giáo Triều đang được vận hành bởi chính Ngài. Cứ sự thường, trong tuần đầu tiên
của tháng Sáu tới đây, một phiên họp kéo dài 4 ngày của Hội Đồng Tư Vấn có thẩm
quyền thuộc các Đức Hồng y, hay cũng còn được gọi là „Hội Đồng K8“, sẽ diễn ra
– Đức Thánh Cha cho biết như thế. Sau đó, các Đức Hồng y sẽ tái gặp nhau trong
tháng 9 cũng với một phiên họp kéo dài 4 ngày. Tại những phiên họp từ trước tới
nay, cùng với một số các quan chức khác, Hội Đồng này đã bận tâm tới Thượng Hội
Đồng Giám Mục, tới tổ chức tài chánh của Tòa Thánh và tới các Thánh Bộ trong
Giáo Triều.
Đời sống độc thân là „Ân Sủng“
Đức
Thánh Cha đã bảo vệ đời sống độc thân trong lúc nhiều người đặt ra câu hỏi cho
Ngài về chuyện đó. Ngài cho rằng, các Linh Mục không kết hôn là một Ân Sủng đối
với Giáo hội, và không phải là một tín điều Đức Tin. Thực ra, những cánh cửa
dành cho một cuộc đối thoại về vấn đề này vẫn luôn được để mở, nhưng đối với
Giáo hội hiện nay, nhiều đề tài khác vẫn đang là trung tâm điểm. Đức Thánh Cha
nhắc nhớ rằng, các Giáo hội Đông Phương theo nghi lễ Công Giáo có biết tới một
truyền thống mà theo đó các Linh mục lập gia đình, và điều này là một sự phong
phú.
Việc phong chân phước cho Đức Pi-ô XII đang bị đình
trệ
Đức
Thánh Cha cũng đề cập tới vụ án phong Chân Phước cho Đức Pi-ô XII. Theo những lời
của Đức Thánh Cha thì vụ án này hiện nay đang dậm chân tại chỗ. Vẫn còn thiếu một
phép lạ như một sự minh chứng. Quá trình phong Thánh cho vị Giáo hoàng sống
trong thời thế chiến thứ hai không bị đình chỉ; hơn nữa nó vẫn đang mở ra. Quá
trình phong Chân phước cho Đức Pi-ô XII tiên vàn sẽ bị chỉ trích bởi phía người
Do-thái. Những người chống đối vụ án phong thánh được khởi đầu từ năm 1965 này
đã trách cứ Đức Pi-ô XII là đã giữ thinh lặng trước các vụ tàn sát người
Do-thái. Vào tháng 12 năm 2009, vụ án phong thánh của Đức Pi-ô XII đã đón nhận
một rào cản có tính quyết định đầu tiên trong việc tiến tới sự công nhận những
nhân đức anh hùng của Ngài.
Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã đặt ra tiêu chuẩn mới
Đức
Thánh Cha Phan-xi-cô cũng nói về Đức Bê-nê-đíc-tô XVI – vị tiền nhiệm của Ngài.
Với việc từ chức của mình, Đức Bê-nê-đíc-tô đã đặt ra cho các vị Giáo hoàng sau
này một hiệu lệnh – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cho biết như thế. „Ngài đã mở ra một
cánh cửa cho các Đức Giáo hoàng hưu trí mà từ trước đến giờ chưa hề có.“ Chỉ có
Chúa mới biết liệu sẽ có những trường hợp tương tự như vậy nữa hay không, „nhưng
cánh cửa thì đã được mở ra rồi“. Đối với chính bản thân mình thì Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô cho biết, Ngài không loại trừ khả năng từ chức. Như vậy, một vị Giáo
Hoàng sẽ phải tự đặt ra cho mình chính câu hỏi mà Đức Bê-nê-đíc-tô đã đặt ra
cho mình khi Ngài cảm thấy những sức lực của mình đang cạn dần. Nếu thời gian
đã đến, „Cha sẽ thực hiện điều mà Chúa Ky-tô ủy thác cho Cha, Cha sẽ cầu nguyện
và cố gắng để hiểu Thánh Ý của Ngài. Nhưng Cha tin rằng, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI sẽ
không phải là một trường hợp cá biệt.“
(rv/kann
27.05.2014 mg/pr)
J. Ngọc Hà
– CTV của Gx Thánh Mẫu Bc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét