Sài
Gòn- “Trên thế gian này, mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu bằng một sự giải phóng
con người và đều kết thúc bằng một sự nô lệ hóa con người. Cuối cùng chỉ có
Chúa mới làm cuộc cách mạng thường xuyên giải phóng chúng ta”, đó là một lời
trích từ bài giảng hôm qua, 25 tháng 5, của cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng trong
thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Vẫn
như mọi khi, những ngọn nến lại được thắp lên để cầu nguyện cho một đất nước Việt
Nam được thật sự hoà bình và phồn thịnh. Nhưng điểm nhấn của tối qua là niềm
vui mừng của các tín hữu tham dự thánh lễ khi được đón chào một người anh em mới
vào gia đình Công Giáo, nhạc sĩ Tô Hải.
Tưởng
cũng nên nhắc lại một vài nét về cuộc đời của nhạc sĩ này. Tên đầy đủ của ông
là Tô Đình Hải, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1927 tại Hà Nội, quê ở Tiền Hải – Thái
Bình, hiện sống tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Tô
Hải học nhạc lý và tham gia Ban đồng ca Saint-Joseph từ nhỏ, từng đoạt giải thưởng
âm nhạc “Chim sơn ca” tại Rallye Kiến An của Hướng đạo sinh toàn Đông dương.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia vệ quốc đoàn, năm 1949 ông được kết nạp
thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1951 ông về Đoàn văn công khu IV,
năm 1954, ông làm trưởng đoàn.Từ năm 1961 ông về công tác tại Nhà xuất bản âm
nhạc và mỹ thuật.
Tô
Hải là nhạc sỹ đa phong cách, sáng tác nhiều thể loại như ca khúc, hành khúc, hợp
xướng, nhạc kịch, nhạc phim, khí nhạc. Ngoài ra ông còn viết nhiều tiểu luận,
và viết báo về âm nhạc.
Ông
là một nhà cách mạng lão thành, nhận được rất nhiều huân chương của Nhà Nước,
như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân
chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng
Nhất.
Sau
khi từ bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam, Ông cho ra đời một cuốn hồi ký nổi tiếng được
xuất bản ở Mỹ có tên Hồi ký của một thằng hèn. Cuốn sách này gây ra nhiều tranh
cãi và ngay sau đó đã trở thành một cuốn sách được tìm kiếm đọc nhiều qua
Internet.
Tập
hồi ký này được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia, Hoa Kỳ in ra năm 2009
dưới bản quyền của chính tác giả.
Một
bài hát rất nổi của ông là “Nụ Cười Sơn Cước”. Trong đó có đoạn viết: “Tôi nhớ
mãi một chiều xuân.. chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi, và trong lòng mưa
hơn cả ngoài trời.”
Có lẽ lòng của người nhạc sĩ tự gọi mình là “thằng hèn” này đã “mưa hơn cả
ngoài trời” vào tối qua. Cả cộng đồng đã chứng kiến cảnh nhạc sĩ Tô Hải xúc động
như thế nào khi được quay trở về quê nhà Giáo Hội của mình ở tuổi 87.
‘Trên
chúng ta còn một thế giới lớn hơn’ giúp chúng ta dám đứng lên để nói điều phải
và đúng.
Người
đỡ đầu cho nhạc sĩ Tô Hải, với vai trò nâng đỡ ông trong đời sống tâm linh là
cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, cũng là linh mục giảng lễ hôm qua.
Chào
đón nhạc sĩ Tô Hải vào gia đình chung Công Giáo, và nói về những trải nghiệm của
ông trước khi nhận phép rửa tội, cha giảng lễ phát biểu dựa trên bài đọc sách
Thánh:
“Thần
ô uế là gì? Là thấy điều đúng không dám nói, thấy điều phải không dám bênh. Hay
gian dối, thấy sự thật không dám nói. Không phải mình xấu đâu. Có những lúc
mình sợ….Tự nhiên có lúc được ơn trong đời, mà mình thoát khỏi mình, thần sợ
hãi, gian dối, ích kỷ đi khỏi mình. Khi đó mình nhận ra Chúa Giêsu và vui mừng
đi theo người. Bắt đầu tìm thấy niềm tin lớn hơn mình và cứ con đường đó mà đi.
Mỗi ngày thấy mình sinh hoa trái thêm.”
Linh
mục Mátthêu Phụng nói tiếp: “Hôm nay, chúng ta tụ họp nhau đông đúc, cầu nguyện
cho công lý cho hoà bình, cho sự thật, cho quê hương, tôi trộm nghĩ không phải
tất cả chúng ta đều mạnh đâu….chống lại như châu chấu đá xe. Nhưng tại sao lại
có những con người dám đứng lên chịu bao bách hại chỉ để nói lên những điều
mình cho là phải và đúng.”
“Tại
sao? Bởi vì chúng ta nhận ra rằng: không chỉ cá nhân chúng ta với sức mạnh
riêng tư mà trên chúng ta còn một cái lớn hơn bản thân chúng ta và các thế lực
đang chi phối ở thế gian này.”
“Trên
chúng ta có một thế giới mà chúng ta khám phá ra,“ vị linh mục nhấn mạnh: “đó
là thế giới của Chúa Giêsu. Chúng ta vui mừng mà đi theo người.”
“Sự
lành, sự chết, công lý, sự thật, không chỉ là cái máu anh hùng riêng tư của mỗi
một người trong chúng ta mà nó là thế giới của Chúa.”
Một
điểm rất đáng lưu ý nữa trong bài giảng này mà mỗi người trong chúng ta phải
suy ngẫm một cách nghiêm túc và sâu sắc là thách thức nào đặt ra cho chúng ta
trong thời đại này? Linh mục Mátthêu trả lời: “Thách thức thời đại ngày nay là
với sự tiến bộ của thế giới ngày nay về mọi mặt, hỏi rằng tập thể cộng đồng xã
hội của chúng ta có đủ sức để chấp nhận một thách thức, không phải là đi tìm
chiến tranh, không phải là đi tìm đổ máu, nhưng là một cuộc đấu tranh hoà bình,
vì công lý, một cuộc đấu tranh vì lẽ phải, trong sự hiệp nhất với tất cả những
người thiện chí ở trên thế gian này. Thách thức này đặt ra trước lương tâm của
nhân loại.”
“Và
chúng ta tin rằng: cuối cùng lẽ phải và công lý và quyền sống của con người tuy
có lẽ là nhỏ bé hơn người khác, tuy có thể là yếu hơn người khác nhưng không phải
vì thế mà người mạnh có quyền chà đạp quyền sống và nhân phẩm của người yếu.”
Chúng
ta phải hướng đến một thế giới mà theo linh mục Mátthêu Phụng, là một thế giới
mà con người ta không còn lệ thuộc vào sự bắt nạt của kẻ mạnh. Con người ta
không còn phải cúi đầu trước những nguyên tắc và chân lý áp đặt, nguỵ tạo của kẻ
mạnh.
Đặt
ra câu hỏi: liệu chúng ta có thể làm được hay không, câu hỏi trên cũng đã từng
đưa nhạc sĩ Tô Hải rơi vào tình trạng mất hết niềm tin, kể cả niềm tin vào sự
thay đổi của dân tộc Việt Nam.
Nhạc
sĩ Tô Hải, có niềm tin thì mình sẽ phấn đấu để sống cho đến ngày cái ác nó phải
đi.
Cũng
nên nhắc lại về câu chuyện của người con Tô Hải và con đường đưa ông về với Mẹ
Hội Thánh, với Chúa Giêsu.
Linh
mục Phụng gọi ông là con người đã đi cho đến cùng con đường của mình khi nhắc lại
lời của linh mục quá cố Chân Tín: “Trên thế gian này, mọi cuộc cách mạng đều bắt
đầu bằng một sự giải phóng con người và đều kết thúc bằng một sự nô lệ hóa con
người. Cuối cùng chỉ có Chúa mới làm cuộc cách mạng thường xuyên giải phóng
chúng ta”.
“Ông
Tô Hải đã khởi đi từ những cuộc cách mạng giải phóng con người, nhưng những cuộc
cách mạng chính trị xã hội ấy của thế gian cũng giống như ông Adam và bà Eva
trong vườn địa đàng: đang vui vẻ, tự nhiên ăn trái cấm vào và sự vui vẻ mất hết.
Nhiều công trình thế gian cũng giống như vậy.”
Sau
một thời gian phát hiện ra con đường mình đi cùng Đảng Cộng Sản Việt Nam là con
đường sai lầm, ông Tô Hải đã muốn thoát khỏi nó nhưng vẫn e ngại, mà đúng hơn
là lo sợ đến sự an nguy và sự nghiệp của bản thân và gia đình. Ông giằng co
trong cái sự mất niềm tin to lớn, cho đến khi tưởng chừng như tuyệt vọng. Ông từng
tâm sự:
“Sự
mất niềm tin càng bám tôi. Tôi quay lại và hỏi tại sao mình không tìm ra một niềm
tin gì? Một niềm tin mà ngày xưa mình nghĩ nó trừu tượng quá, nó khó với tới
quá, thì ngay hôm nay, mình thấy rằng có cái niềm tin đó, niềm tin mà tôi viết
trong bài hát này (ông đang nói đến bài hát do ông sáng tác: Lạy Chúa Cứu Vớt Kẻ
Lạc Đường), rằng tôi là kẻ lạc đường, nếu mà có được cái niềm tin thì mình sẽ
phấn đấu để sống cho đến ngày cái ác nó phải đi.”
Và
sự chuyển đổi này không bao giờ là dễ dàng. Nó được ghi dấu bằng một quá trình
đấu tranh kịch liệt trong ông mà về sau ông đã kể lại trong tập hồi ký của
mình.
Xin
đăng lại đoạn mở đầu trong tác phẩm “Hồi Ký một thằng hèn” để bạn đọc có thể hiểu
được đôi chút về chặng đường khó khăn ông Tô Hải đã đi qua và những đấu tranh nội
tâm mà ông đã vượt lên để lấy lại niềm tin vào cuộc sống ở cái tuổi ngoài tám
mươi.
“Tới
năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn còn rụt rè,
vẫn còn lấp lửng. Mới biết mình vẫn còn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền
‘chuyên chính vô sản’ mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình sẽ
phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng
may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.
“Tôi
thấy mình cần phải sửa lại cuốn sách – từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh
tường về những sự kiện lịch sử – và viết thêm về những con người cần được nhắc
tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh
một thời đại.”
“Và
viết thêm một chương ‘TÔI ĐÃ HẾT HÈN’!”
“Nhưng
đã đến chưa, cái thời cơ có thể đưa cuốn sách mà tôi ấp ủ bấy lâu ra trình diện
người đọc? Vẫn còn chưa phải lúc chăng? Ngẫm ra, tuy viết là ‘Tôi đã hết hèn’,
nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận
của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh
dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi!”
“Còn
đấu tranh trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự
phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám
làm!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét