Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

„Lòng đạo đức đến từ nội tâm“ – Lời ĐTC trong cuộc hội kiến chung ngày 04.06.2014

Pope Francis greets a child after celebrating Mass on the feast of Pentecost in St. Peter's Square at the Vatican May 19. (CNS photo/Alessia Giuliani, Catholic Press Photo)
Lòng đạo đức đến từ tâm hồn; với thái độ giả hình thì lòng đạo đức không có gì để làm. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhắc nhở như thế trong buổi hội kiến chung vào sáng thứ Tư hôm nay tại quảng trường Thánh Phê-rô. Với bài suy niệm về ơn Đạo Đức, Đức Thánh Cha lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý của Ngài về các ơn Chúa Thánh Thần. Ngay cả trong những phút giây khó khăn của cuộc sống thì lòng đạo đức cũng không bị yếu mòn đi – Đức Thánh Cha nhắc nhở - nó tự nuôi dưỡng mình thông qua tình bằng hữu với Thiên Chúa.

„Sự kết hợp này với Thiên Chúa không được hiểu như là một bổn phận hay một trách nhiệm. Nó là một sự hiệp thông đến từ nội tâm; nó là một mối tương quan sống động phát xuất từ con tim: Nó là tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa, mà tình bằng hữu này được Chúa Giê-su trao ban cho chúng ta, một tình bằng hữu biến đổi cuộc sống chúng ta, và lấp đầy chúng ta với sự hăng hái, với niềm vui. Vì thế, ơn đạo đức gợi lên từ bên trong nội tâm của chúng ta, trước tiên là lòng biết ơn và lời ngợi ca. Trong thực tế, nó là nền tảng và là ý nghĩa đích thực của nền Phụng Vụ và sự tôn thờ của chúng ta.“

Sự hiện diện của Thiên Chúa „hầu như là tất nhiên“ dẫn đưa tới sự cầu nguyện – Đức Thánh Cha bổ sung. Lòng đạo đức muốn ngụ ý đến khả năng hướng nhìn lên Chúa với tình yêu, với sự khiêm hạ và với sự đơn thành. Sự gần gũi thân mật với Thiên Chúa có thể giúp chúng ta gặp gỡ những người khác một cách tràn đầy yêu thương, và nhận ra họ „như là những người anh chị em của mình“ – Đức Thánh Cha nói:

„Như vậy chúng ta linh cảm được sự đạo đức – không phải là sự linh cảm theo chủ nghĩa duy tín – của những người mà họ sống chung quanh chúng ta, và của những người mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Tại sao lại không phải là người theo chủ nghĩa duy tín? Thưa, vì một số người nghĩ rằng, đạo đức có nghĩa là nhắm mắt lại rồi làm ra vẻ tốt lành, đúng không? Làm như thế có nghĩa là người ta đã xa rời sự thánh thiện rồi đấy. Nhưng điều đó không ngụ ý tới ơn Đạo Đức.“

Hơn nữa, lòng đạo đức còn được chứng tỏ trong sự đồng cảm thực sự: Vui với những người sống quanh mình, khóc với họ, hiện diện bên họ trong những giây phút khó khăn, và an ủi vỗ về họ, nhưng cũng nên sửa sai cho họ nếu họ lầm lạc – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Điều đó cũng bao gồm việc thắng vượt những mối nghi nan, những nỗi sợ hãi và những điều bất an – Đức Thánh Cha cho biết như thế với sự trưng dẫn lời trong thứ gửi tín hữu Rô-ma của Thánh Phao-lô. Thái độ nền tảng của một cung cách xử sự vừa có tình đồng cảm, vừa can đảm như thế chính là lòng nhân hậu – Đức thánh Cha nói tiếp:

„Có một mối tương quan rất ư là khắng khít giữa ơn đạo đức và lòng nhân hậu. Ơn Đạo Đức mà Chúa Thánh thần ban cho chúng ta, làm cho chúng ta trở nên nhân hậu, hiền hòa và nhẫn nại, làm cho chúng ta hiện hữu trong sự thuận hòa với Thiên Chúa: Nhân hậu trong sự phục vụ người khác. (…) Ước chi Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta ơn đạo đức này!“

(rv 04.06.2014 pr)

Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét