Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Lễ Hội Làng Lạc Nghiệp - Người Tín Hữu Công Giáo Có Nên Tham Gia Không?

Lễ Hội Làng Lạc Nghiệp - Người Tín Hữu Công Giáo Có Nên Tham Gia Không?
LTS: Chúng tôi nhận được bài viết của tác giả Vinh-sơn Trần Công Toản nói về một số điều liên quan đến Lễ Hội Làng Lạc Nghiệp. Để rộng đường dư luận cũng như để tôn trọng tiếng nói đa chiều, chúng tôi cho đăng bài viết này. Tuy nhiên, bài viết không nhất thiết phản ảnh quan điểm của chúng tôi. Mời quý vị cùng theo dõi.
Vào cuối những năm 90 của thế kỷ vừa qua, với chính sách mở cửa, đời sống kinh tế và xã hội của người dân dần dần được cải thiện và đi lên. Nhờ thế, nhiều lễ hội truyền thống trước kia đã bị mai một thì nay được phục hồi, và thậm chí, nhiều lễ hội trước kia không có nhưng trong thời gian này đã được hình thành mới.

Hòa mình vào với tình hình chung của đất nước, lễ hội làng Lạc Nghiệp thuộc xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cũng đã được hình thành. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lễ hội này được hình thành vào đầu thập niên thứ nhất của thể kỷ XXI (cũng có người cho rằng, lễ hội này đã có từ xa xưa). Trước đây khi chưa có lễ hội này (hoặc trong thời gian lễ hội này chưa được phục hồi), hằng năm hoặc hằng kỳ, các vị tộc trưởng cũng như các vị bô lão thuộc các tộc làng Lạc Nghiệp, chỉ tổ chức cúng các vị thần và giỗ các đấng khai cơ lập nghiệp làng Lạc Nghiệp trong một ngày mà thôi. Và việc cúng giỗ này được thực hiện một cách rất đơn giản tại đền Quốc Mĩ Anh Linh Từ - nơi thờ thần Đại Vương Trung Đẳng, Thục An Dương Vương, Đông Hải Đoàn Đại Vương, Trấn Giang Tân Độ Phổ Lộ Đại Vương. Nhưng kể từ khi lễ hội nêu trên được thành lập, ngoài việc vẫn giữ lại lễ nghi cúng giỗ như vừa nêu, lễ hội còn du nhập thêm nhiều những nghi thức cũng như những hoạt động khác, và kéo dài nhiều ngày hơn. Tuy nhiên, lễ hội này lại không được tổ chức theo một chu kỳ nhất định. Chẳng hạn như trong năm nay, lễ hội được tổ chức cách lễ hội trước đây đến năm năm, nhưng trong khi đó, lễ hội gần đây nhất chỉ cách lễ hội trước đó có ba năm.

Lễ hội làng Lạc Nghiệp năm nay đã diễn ra trong ba ngày, từ ngày mồng 09 đến ngày 11 tháng 03 năm Ất Mùi, tức từ ngày 27 tới ngày 29 tháng 04 năm 2015 dương lịch. Bà con Giáo xứ Thánh Mẫu cũng được mời tham gia lễ hội này với tư cách là những người có tổ tiên xuất phát từ làng Lạc Nghiệp (chi phái họ Trần). Trong thực tế, hầu hết mọi người trong Giáo xứ Thánh Mẫu đều mang họ Trần, và cả Giáo xứ này cũng chỉ là một thôn – tức Thôn Thổ Thôn – thuộc làng Lạc Nghiệp.
Đây không phải là lần đầu tiên bà con Giáo xứ Thánh Mẫu được mời tham gia lễ hội làng Lạc Nghiệp, bởi trước đây, ngay từ khi lễ hội này được hình thành, bà con thuộc Giáo xứ Thánh Mẫu cũng đã được mời tham gia rồi. Tuy nhiên, những lần trước đây chỉ có một số khá ít người dân Thánh Mẫu tham gia thôi, còn đại đa số thì cảm thấy bất an về mặt lương tâm nếu tham gia lễ hội này, nên đã dứt khoát không tham gia. Những người tham gia viện cớ rằng, tổ tiên của mình trước đây sống tại làng Lạc Nghiệp, sau khi đón nhận Đức Tin Công giáo thì đã bỏ Lạc Nghiệp để đi định cư và thành lập một thôn biệt lập, gọi là thôn Thổ Thôn. Những người dứt khoát không tham gia thì cho rằng, các cụ tiền nhân của Thổ Thôn trước đây không hề đề cập gì đến chuyện các Ngài có xuất xứ từ làng Lạc Nghiệp, và hơn nữa, không có bất cứ một tài liệu nào chứng minh hay đề cập đến chuyện tổ tiên thôn Thổ Thô có gốc gác từ làng Lạc Nghiệp, ngoại trừ việc thôn này có sự liên hệ mang tính đơn vị hành chính dưới thời phong kiến trước đây. Những người dứt khoát không tham dự lễ hội này còn cho rằng, việc tham dự một lễ hội như vậy có thể đi ngược lại với Đức Tin Công giáo mà các đấng tổ tiên của mình đã đón nhận. Các Ngài đã can đảm khước từ tất cả những gì không phù hợp với Đức Tin Công giáo.

Để làm rõ việc tham gia lễ hội này có đi ngược lại với Đức Tin Công giáo hay không, Ban hành giáo của Giáo xứ Thánh Mẫu đã đi gặp Ban tổ chức lễ hội để tìm hiểu về nội dung mà bà con giáo xứ Thánh Mẫu được mời tham gia. Ban tổ chức lễ hội cho biết, các đoàn hội (hội Trống, hội Kèn…) và bà con Giáo xứ Thánh Mẫu chỉ được mời tham gia cuộc rước kiệu hoa và kiệu bát hương từ Miếu thờ Quận Công của họ Trần ra đến đền thờ Quốc Mĩ Anh Linh Từ thôi.

Trình bày lại với Cha xứ những gì đã tìm hiểu và được Cha Xứ bật đèn xanh, nên vào ngày 12 tháng 04 năm 2015, Ban hành giáo Giáo xứ Thánh Mẫu đã tổ chức một phiên họp khoáng đại để bàn về việc tham gia lễ hội này dựa theo lời mời của Ban tổ chức lễ. Ban đầu cuộc họp đã diễn ra một cách trầm lắng, nhưng về cuối thì có phần sôi nổi. Tại cuộc họp có ý kiến cho rằng, nếu việc tham gia lễ hội này chỉ thuần túy là giao lưu văn hóa, kính nhớ tiền nhân, hay chỉ rước hoa và hương thôi, thì việc bà con giáo dân tham gia sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lưu ý rằng, theo thông tin trên đài phát thanh của xã Thọ Nghiệp, thì việc rước kiệu trên không chỉ là rước hương, rước hoa, mà còn rước cả những tượng thần cũng như di ảnh của một vài nhân vật có quan điểm trái ngược với giáo lý của Hội Thánh Công giáo nữa, vì thế mọi người cần phải cân nhắc cẩn trọng trước việc tham gia này. Nếu không cân nhắc cẩn thận mà cứ tham gia lễ hội, thì việc tham gia này sẽ gây bối rối về lương tâm, và có thể sẽ trở thành gương mù cho con cháu sau này. Ý kiến khác lại cho rằng, những Giáo xứ, Giáo họ khác cũng tham gia lễ hội, thì giáo xứ Thánh Mẫu cũng nên tham gia. Cũng có vị đại biểu cho rằng, theo quan sát của ông, những lần tổ chức lễ hội làng Lạc Nghiệp trước đây đều có một số điểm không phù hợp với Giáo lý cũng như Kinh Thánh, vì thế tốt nhất là không tham dự. Có vị đại biểu nói thẳng ra rằng, sẽ không tham dự lễ hội này. Nhiều đại biểu khác thì không có ý kiến gì. Cuộc họp kết thúc mà không đưa ra quyết định cụ thể.

Vào ngày 19 tháng 04 năm 2015, sau khi Thánh Lễ kết thúc và trước khi giáo dân ra về, Cha xứ Đa-minh Phan Duy Hán đã nói rằng, lễ hội làng Lạc Nghiệp có tính tôn vinh tổ tiên, vì thế, Cha khuyến khích mọi người trong Giáo xứ tham gia vào lễ hội này.

Trước và sau khi Cha xứ khuyến khích mọi người trong Giáo xứ hãy tham gia vào lễ hội làng Lạc Nghiệp, cũng có một số giáo dân đã nhiều lần trực tiếp đến gặp Ngài để trình bày về nội dung của lễ hội này, và nói cho Ngài biết, trong lễ hội này cũng có những điểm đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội Công giáo cũng như của Kinh thánh. Họ đã nêu ra cho Cha xứ một cách cụ thể về từng số Giáo lý, từng điều khoản Giáo luật, và nhất là từng đoạn Kinh Thánh mà lễ hội này đi ngược lại. Họ cũng nói với Cha xứ rằng, việc tham dự lễ hội này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia, mà còn có thể làm suy giảm, hoặc tệ hơn nữa là gây nguy hại cho đời sống đức tin của những người đang sống trong hiện tại, cũng như cho đức tin của các thế hệ mai sau.

Vào ngày 26 tháng 04 năm 2015 – tức một ngày trước khi diễn ra lễ hội làng Lạc Nghiệp – một lần nữa, ngay lúc đầu Thánh Lễ Chúa Nhật, Cha xứ lại nhắc giáo dân và các đoàn hội nhớ tham dự lễ hội này. Ngài lưu ý rằng, lễ hội này là nhằm tôn kính tổ tiên, nó cũng giống như lễ hội giỗ tổ Hùng Vương vậy.

Dù có sự khuyến khích như thế của Cha xứ, nhưng một số người vẫn cảm thấy lấn cấn về lương tâm, nên đã quyết định không tham dự lễ hội làng Lạc Nghiệp. Bên cạnh đó, dù cũng có những người đang còn lưỡng lự trong việc tham dự lễ hội này, nhưng với sự khuyến khích của Cha xứ, nên họ đã hết lưỡng lự, và vì thế, đã tham gia.

Vào ngày 27 tháng 04 năm 2015, lễ hội làng Lạc Nghiệp diễn ra. Một số bà con giáo dân Thánh Mẫu đã đến tham dự, trong đó có cả hội kèn, hội trống, hội trắc nhạc và một kiệu hoa. Tuy nhiên, thay vì vào miếu thờ Quận Công của họ Trần để rước hương và hoa, phái đoàn của Giáo xứ Thánh Mẫu đã rước một kiệu hoa từ Thánh đường của giáo xứ mình và rước thẳng vào khu vực phía trước đền Quốc Mĩ Anh Linh Từ, nơi chính thức diễn ra lễ hội.

Cũng xin nói thêm rằng, kể từ ngày thành lập Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm thuộc giáo xứ Thánh Mẫu, hằng ngày Hội này  vẫn thay mặt Giáo xứ thực hiện một giờ cầu nguyện để đền tạ Thánh Tâm Chúa Giê-su từ 13g00 đến 13g30. Giờ cầu nguyện này thường diễn ra một cách rất sốt sắng. Tuy nhiên, vì muốn đi dự lễ hội theo sự khuyến khích của Cha xứ hơn là thực hiện việc đền tạ, nên vào ngày 27 tháng 04 năm 2015, người ta đã hủy bỏ giờ cầu nguyện này để đi vào tham dự lễ hội. Và cũng trong dịp này, Huynh Đoàn Giáo Dân Đa-minh của Giáo xứ Thánh Mẫu cũng tổ chức tuần tĩnh tâm để mừng lễ kính Thánh quan thầy, tức Thánh Ca-ta-ri-na Siena. Các buổi tĩnh tâm được tổ chức từ 13g30 đến 15g00 trong các ngày 25, 26 và 27 tháng 04 năm 2015. Tuy nhiên, buổi tĩnh tâm của ngày cuối cùng, tức ngày 27 tháng 04 năm 2015, đã bị bỏ dở giữa chừng, bởi nhiều tham dự viên nhấp nhổm, đứng ngồi không yên vì muốn đi tham gia lễ hội làng Lạc Nghiệp hơn.

Chúng tôi cũng hiện diện trong lễ hội này nhưng không phải với tính cách là tham dự viên, nhưng với tư cách là những người quan sát. Thực tế cho thấy, lễ hội này đã không phải là một lễ hội có tính thuần túy văn hóa, bởi vì ngoài việc kính nhớ các đấng thủy tổ khai cơ lập làng Lạc Nghiệp ra, nó còn kèm theo việc công khai tôn kính một vài nhân vật, thậm chí cả những nhân vật có quan điểm đi ngược lại với Đức tin Công giáo. Không những thế, di ảnh của những nhân vật này lại được đặt ở nơi trang trọng nhất. Ngoài ra, lễ hội này còn có cả việc tôn thờ thần Đại Vương Trung Đẳng, Thục An Dương Vương, Đông Hải Đoàn Đại Vương, Trấn Giang Tân Độ Phổ Lộ Đại Vương, Tổ Mẫu và Phật Bà … Và việc tôn thờ này lẽ dĩ nhiên là không phù hợp với quan điểm Công Giáo. Nói cho chính xác thì lễ hội này mang màu sắc có thể được gọi là “tôn giáo phức thần”, nó trái ngược hẳn với Đức tin và giáo huấn nguyên tuyền của giáo hội Công giáo.

Vì thế, theo thiển nghĩ của chúng tôi, và căn cứ vào “Huấn thị Plane compertum est” & “Thông cáo về việc tôn-kính tổ-tiên và các bậc anh-hùng liệt-sĩ” của Hội-đồng Giám-mục Việt-Nam (1965), cũng như “Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên” của các Giám mục Việt Nam (1974), nếu vì một áp lực nào đó thì người Ki-tô hữu có thể tham dự lễ hội này một cách thụ động, kèm theo với điều kiện rằng, họ phải là những người nắm vững giáo lý, giáo huấn của Giáo hội cũng như có Đức tin vững vàng và có khả năng giữ vững căn tính và sứ vụ của mình trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, dù có nắm vững về Giáo lý đi nữa, họ cũng không nên được khuyến khích để tham dự một lễ hội giống như lễ hội làng Lạc Nghiệp. Bởi vì, nếu ai năng đọc Lời Chúa thì hẳn họ cũng biết tới lời căn dặn và khuyến cáo của Thánh Gio-an: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần” (1 Ga 5,21). Và nếu người Công giáo nào đào sâu Giáo lý thì hẳn họ cũng sẽ biết lời dậy của Hội Thánh: “Ðiều răn thứ nhất buộc chúng ta phải nuôi dưỡng và giữ gìn đức tin cách cẩn trọng; đồng thời loại bỏ tất cả những gì nghịch cùng đức tin ” (GLHTCG số 2088), “Thờ ngẫu tượng không chỉ là sai lầm của dân ngoại, nhưng còn là một cám dỗ thường xuyên đối với tín hữu. Thờ ngẫu tượng là tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho dù đó là thần linh hay ma quỉ (ví dụ: giáo phái thờ Xa-tan), quyền lực, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, nhà nước, bạc tiền v.v. Ðức Giê-su dạy: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (Mt 6,24). Rất nhiều vị tử đạo đã chết vì không chịu thờ phượng "Con Thú" (x. Kh 13-14) dù chỉ giả vờ thôi. Ai thờ ngẫu tượng là mặc nhiên không nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa Tể duy nhất, nên không thể thông hiệp với Thiên Chúa (x. Ga 5,20; Ep. 5,5)” (GLHTCG số 2113),  và “Chỉ được phép tôn kính công khai những Tôi Tớ của Thiên Chúa đã được giáo quyền liệt kê vào sổ bộ chân phước hay hiển thánh” (GL Điều 1187). Hơn nữa, nếu ai có điều kiện nghiên cứu thêm các văn kiện gần đây của Giáo hội về đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa như Văn kiện “Đối thoại và Rao giảng” của Hội đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn, Tài liệu “Kitô giáo và các tôn giáo khác” của Ủy ban Thần học Quốc tế, Tông thư “Giáo hội tại Á châu”, Tuyên ngôn “Chúa Giê-su” của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và Thông điệp “Chúa và là Đấng ban sự sống” & “Sứ vụ Đấng Cứu thế” của Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II v.v., thì đều nhận thấy rằng, việc tham gia một lễ hội như lễ hội làng Lạc Nghiệp, không phải là sự đối thoại liên tôn cũng chẳng phải là hội sự nhập văn hóa.

Việc chúng tôi cho đăng tải những bức ảnh trong bài viết này chỉ có mục đích thông tin chứ không nhằm mục đích quảng bá hay cổ võ.



















































































Vinh-sơn Trần Công Toản (Sử dụng hình ảnh của Minh Anh & Khanh Ngo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét