Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Bà Tê-rê-xa Trần Thị Sứ (Vũ Thị Liễu) - Một Con Người Đầy Nghị Lực Và Vĩ Đại

Bà Tê-rê-xa Trần Thị Sứ (Vũ Thị Liễu) - Một Con Người Đầy Nghị Lực Và Vĩ Đại

Vào lúc 18g00 ngày mồng 01 tháng 07 năm 2015 vừa qua, bà Tê-rê-xa Trần Thị Sứ (nhũ danh là Vũ Thị Liễu) đã trút hơi thở lần cuối, kết thúc cuộc lữ hành dương thế với 63 năm trường để về nghỉ yên trong vòng tay yêu thương của Cha Trên Trời. Hôm nay ngày mồng 03 tháng 07, toàn thể gia tộc và cộng đoàn Giáo xứ Thánh Mẫu đã tiễn đưa bà Tê-rê-xa về nơi an nghỉ cuối cùng. Đây chính là cơ hội để chúng ta chiêm nghiệm về cuộc đời của bà. Nhìn xuyên qua những gì bà đã sống cũng như đã hành động, chúng ta có thể thấy rằng, quả thực bà là một con người đầy nghị lực và vĩ đại.

Bà sinh ra trong một gia đình gia giáo và đạo hạnh. Trời ban cho bà vừa đẹp người và cũng vừa đẹp nết. Đến tuổi trưởng thành, bà đã lập gia đình với ông G. Trần Viết Sứ - tộc trưởng [đời thứ bảy] của dòng tộc cụ tổ Trần Viết Viên – một trong những dòng tộc lớn và cấu thành nên thôn Thổ Thôn [tức Giáo xứ Thánh Mẫu ngày nay]. Khi chấp nhận thành thân với ông Sứ, có nghĩa là bà đã chấp nhận cùng ông đảm nhận vai trò và gánh vác trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu một gia tộc.

Cũng giống như bao nhiêu người cùng thế hệ, bà đã phải trải qua những thời kỳ đầy khó khăn và biến động về kinh tế cũng như về nhiều lãnh vực khác của toàn xã hội. Nhưng cá nhân bà còn phải gánh chịu một hoàn cảnh đầy khó khăn và nghiệt ngã hơn ai hết. Chồng của bà luôn trong tình trạng ốm đau triền miên, và cuối cùng đã lìa bỏ bà để vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Không những ông đã để lại cho bà sáu đứa con nhỏ dại, mà còn để lại cho bà một trách nhiệm và vai trò to lớn của người đứng đầu một dòng tộc.

Trước hoàn cảnh đầy nghiệt ngã như thế, bà đành phải nuốt nước mắt, để chúng chảy vào trong, và đành phải bỏ dở nghề dậy học mầm non – một nghề dù đem lại thu nhập ít nhưng lại là nghề rất yêu thích đối với bà - để rồi ngược xuôi buôn bán kiếm tiền nuôi các con thơ dại nên người.

Vì vốn liếng không có, nên bà chỉ có thể buôn bán những mặt hàng nhỏ lẻ. Trước hết, bà đã đi buôn những con vọp, con vạng, con cá, con tôm v.v. Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, nóng lạnh, mùa Đông, hay mùa Hè, ngay từ sáng sớm tinh sương, bà đã phải dậy sớm để đạp xe thồ với hai ba chục cây số trên những con đường gồ ghề, lầy lội, đầy gió bụi, xuống đến tận Miền Bể để lấy hàng, rồi sau đó đưa về miền trong để bán. Vất vả là thế, nhưng lời lãi chẳng là bao. Vì vậy, bà đã chuyển sang buôn trứng vịt lộn, rồi đến buôn muối, buôn mắm và buôn rau...

Việc buôn bán nêu trên cũng chỉ loanh quanh trong mấy xã thuộc hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường, và lời lãi của việc buôn bán nhỏ lẻ này cũng chẳng là bao. Do vậy, bà đã xoay sang hướng buôn bán khác. Bà đi thu mua trứng gà và cau tại quê nhà rồi mang lên Hà Nội để bán. Từ Hà Nội, bà lại mua cà chua, bo bo, mì sợi để mang về bán ở quê nhà. Việc buôn bán này cũng chẳng nhàn hạ gì, và thu nhập cũng chẳng lớn. Để có thể mua được cau, bà phải trèo lên những cây cau cao hằng chục mét, và đến từng gia đình một để thu gom trứng gà. Khi mang hàng đi Hà Nội, bà phải dậy sớm từ ba giờ sáng, đội cau và trứng, đi bộ từ nhà ra đến Cầu Đò tức Dốc Hoành Nha để bắt xe đi Hà Nội. Có những hôm bà phải ngồi đợt tại Cầu Đò suốt từ sáng sớm cho đến tận 12 giờ trưa mới có xe để đi, thậm chí có hôm còn chẳng bắt được xe và phải đội hàng trở về nhà. Để đi từ nhà đến Hà Nội và ngược lại, bà thường phải sang xe hoặc sang tàu nhiều lần. Bà phải bắt xe đi từ Cầu Đò đến thành phố Nam Định, rồi từ Nam Định bắt tàu hỏa đi đến ga Hàng Cỏ ở Hà Nội, và từ ga Hàng Cỏ, bà lại bắt xe điện để đi tiếp tới chợ Đồng Xuân – Bắc Qua. Mỗi một lần sang tầu, sang xe như thế lại là một lần đầy vất vả và cực khổ đối với bà, vì một mặt không phải lúc nào cũng có sẵn tàu xe để sang, mặt khác hàng hóa [cau] của bà rất nặng và cũng lại dễ vỡ [trứng gà], trong khi đó “trộm cắp thì như rươi – nhất là ở ga Nam Đinh, lúc nào cũng ở trong tình trạng phải canh trừng, mệt cũng không dám ngủ”.

Do có một số người khác tại nhà quê cũng cùng đi buôn như bà, nên nguồn hàng ngày càng trở nên khan hiếm. Và vì thế, để có thêm nguồn hàng, bà đã phải đi đến tận Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương, Phúc Sơn… và tới các địa bàn khác thuộc các tỉnh miền Trung để thu mua cau và các mặt hàng khác.

Việc buôn bán trên rất vất vả, lời lãi thu được bao nhiêu thì lại phải chi vào tiền tàu tiền xe gần hết, trong khi đó rủi ro, trộm cắp luôn rình rập bà. Có nhiều chuyến bà bị trắng tay vì trộm cắp. Hơn nữa, ngày càng có ít người ăn trầu cau, nên việc buôn bán này càng trở nên khó khăn hơn. Vì thế, khi xã hội bước vào thời kỳ mở cửa, bà đã bỏ nghề buôn bán cau, để lên ở hẳn tại Hà Nội và đi làm nghề tự do.

Ban đầu, bà làm nghề buôn rau. Hai giờ sáng bà dậy đạp xe thồ ra chợ đầu mối tại Ngã Tư Sở hay một số chợ đầu mối khác để lấy rau, rồi sau đó bà gánh rau đến các con ngõ hẻm ở Hà Nội để bán rao, có những ngày mệt mỏi hay ốm yếu bà đành bán rau ở các chợ cóc.

Công việc buôn bán rau của bà thường bị công an đuổi bắt, hoặc bị cảnh "ma cũ bắt nạt ma mới". Hơn nữa, những ngày bán hết được rau thì còn có lãi, hôm nào ế ẩm, không bán hết được thì bà phải đổ bỏ rau đi, và hôm đó coi như mất cả vốn lẫn lời. Chán quá, bà đành bỏ nghề buôn rau để chuyển sang nghề đồng nát. Bên cạnh việc đi đồng nát, bà còn chấp nhận làm cả những công việc thuê mướn khác, chẳng hạn như dọn dẹp nhà cửa nếu có ai thuê, hay đi rửa bát thuê cho các đám cưới. Bà làm những công việc trên cho đến năm ngoái, khi phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối, nên mới thôi.
(Hình bà Tê-rê-xa khi đã lâm bệnh)

Dù cả đời lam lũ vất vả, bôn ba tháo vát là thế, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bám quanh gia đình bà. Tuy vậy, bà vẫn nuôi được sáu người con cho tới khi chúng trưởng thành; đã lo liệu, dựng vợ gả chồng cho tất cả các con. Điều đặc biệt mà người ta bắt gặp từ nơi bà là, dẫu vất vả và khó khăn trăm bề, nhưng bà vẫn không bao giờ than thân trách phận. Bà luôn sống vui tươi, lạc quan và chan hòa với chị em cùng đi buôn bán, cùng đi đồng nát với bà cũng như với bà con khu xóm nơi quê hương của bà, và cả với những người thuộc khu xóm trọ nữa.

(Những hình ảnh sinh hoạt của bà Tê-rê-xa lúc còn sinh thời)

Bà luôn quảng đại cả về vật chất lẫn tinh thần cũng như dành nhiều thời gian cho việc tham gia vào việc xây dựng Giáo hội thông qua các hội đoàn cũng nhưng các cộng đoàn Giáo hội. Khi cần đóng góm tiền bạc, công sức hay thời gian, bà thường là người đi đầu trong việc đóng góp này. Đặc biệt, bà là hội viên tích tực với vai trò thủ quỹ của cộng đoàn xa quê – tức cộng đoàn Thánh Đa-minh thuộc Giáo xứ Thái Hà, Giáo phận Hà Nội. Còn tại quê hương Giáo xứ Thánh Mẫu, bà cũng rất tích cực trong việc tham gia vào các đoàn hội, và gần đây nhất là hội Nữ Quan và hội Từ Thiện Liên Giáo xứ Quần Cống – Thánh Mẫu.

Với vai trò là người tộc trưởng, bà luôn chu đáo trong mọi công việc từ giỗ chạp, ma chay hiếu hỷ, cho đến những công việc khác của dòng tộc, và trong khu xóm. Trong thời gian bà đi làm ở Hà Nội, mỗi khi ở nhà có việc liên quan đến trách nhiệm của người trưởng dòng tộc, bà đều thu xếp công việc để về quê ngay. Thậm chí có nhiều lần, bà vừa từ quê lên tới Hà Nội, nhưng khi vừa nhận được thông tin có việc ở quê, bà liền quay trở về quê ngay. Khi tham dự nghi thức An Táng của bà, nhiều người đã phải thốt lên rằng: đối với tất cả những người chết trong dòng tộc này, thì bà Sứ đều tham gia vào công việc đào huyệt, bất luận điều kiện thời tiết thế nào!

Hơn nữa, bà còn là người con, người cháu rất mực hiếu thảo. Bà luôn làm gương làm mẫu cho các em trong việc hiếu thảo và phụng dưỡng các đấng bậc sinh thành. Bà đã chăm sóc, phụng dưỡng người bà nội (bên phía nhà chồng) cho đến khi cụ mất ở độ tuổi xấp xỉ bách niên giai lão. Ngoài ra, trong những năm gần đây, mẹ chồng của bà lại bị ốm liệt dường, và thế là bà đã cùng các em chăm sóc chu đáo cho cụ. Hàng tháng, bà đều gửi tài chính về để đóng góp trong việc phụng dưỡng cụ. Khi các con của bà đã trưởng thành, gánh nặng về kinh tế không còn nữa, bà muốn về ở nhà hẳn để phụng dưỡng và chăm sóc mẹ chồng của mình, thì cũng là lúc bà phát hiện ra mình bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Tuy vậy, bà vẫn tranh thủ thời gian cũng như sức lực còn lại để chăm sóc người mẹ thân yêu của bà.

Qủa thực bà là một con người đầy nghị lực và vĩ đại nhưng cũng rất bình dị và thầm lặng. Nếu giống như những người khác, có lẽ bà sẽ không thể vượt qua được, thậm chí có thể gục ngã và buông xuôi trước những khó khăn mà bà đã phải đối diện với trong suốt cuộc đời của mình.

Vào lúc 18g00 chiều mồng 01 tháng 07 năm 2015, bà đã bỏ tất cả mọi sự để về với Thiên Chúa – Đấng đã tác sinh ra bà, Đấng đã yêu thương và ban sức mạnh cho bà, Đấng mà bà đã dành cả cuộc đời để tín thác và phụng thờ. Bà đã thanh thản ra đi trong vòng tay dấu ái của tất cả những người thân yêu.

Hôm nay toàn thể Cộng đoàn Giáo xứ Thánh Mẫu, cùng với các nóc, các họ, và bà con thân bằng quyến thuộc xa gần cũng như toàn thể gia quyến đã hiệp dâng Thánh Lễ An Táng để cầu nguyện cho bà và tiễn đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp.

Chúng ta vĩnh biệt bà và tin tưởng phó thác bà cho vòng tay từ ái của Thiên Chúa.

































































































































































(Chúng tôi đã cập nhật xong hình ảnh về cuộc an táng của bà Tê-rê-xa)

Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét