Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô ngày 02.09.2015: GIA ĐÌNH – Mục 25. Loan Báo Tin Mừng

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô ngày 02.09.2015: GIA ĐÌNH – Mục 25. Loan Báo Tin Mừng

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ở đoạn cuối cùng này trên con đường của chúng ta xuyên qua các bài Giáo Lý về gia đình, giờ đây chúng ta hãy hướng cái nhìn về những cách thế mà qua đó, sự thông truyền Đức Tin với tinh thần trách nhiệm, cũng như việc thúc đẩy Đức Tin cả trong lẫn ngoài gia đình, đang được sống như thế nào.

Xuất hiện trước hết trong tâm trí chúng ta lúc này có lẽ là một số những diễn tả của Tin Mừng, mà có vẻ như những diễn tả ấy muốn đối chiếu những mối tương quan trong gia đình với việc đi theo Chúa. Chúng ta hãy nghĩ tới – chẳng hạn như những lời đầy công hiệu sau đây mà chúng ta vừa mới nghe cũng như rất quen thuộc với tất cả chúng ta: „Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy“ (Mt 10,37-38).

Lẽ dĩ nhiên là Chúa Giê-su đã không muốn xóa bỏ điều răn thứ tư mà nó thể hiện như là một đại giới răn trước tiên đối với con người. Ba giới răn đầu tiên liên quan tới Thiên Chúa, và điều răn thứ tư này liên quan tới con người. Vì thế, chúng ta không được phép cho rằng, sau khi thực hiện phép lạ của mình cho cặp tân hôn tại Cana, sau khi thánh hóa khế ước hôn nhân giữa người chồng và người vợ, và sau khi đưa những người con trai và những người con gái trở về lại với cuộc sống gia đình, Chúa Giê-su đã đòi người ta phải thờ ơ đối với các mối tương quan của chúng ta! Đó không phải là một sự giải thích. Khi trong Tin Mừng, Chúa Giê-su nhấn mạnh tới ưu thế của Đức Tin vào Thiên Chúa, thì đúng hơn, Ngài đã không tìm thấy một sự so sánh nào có ý nghĩa hơn là Tình Yêu cũng như các mối tương quan trong gia đình. Mặt khác, các mối tương quan gia đình này sẽ được chuyển hóa trong kinh nghiệm về Đức Tin và Tình Yêu Thiên Chúa, được „lấp đầy“ với một ý nghĩa lớn hơn, và có khả năng đưa tới một điều sâu xa hơn cũng như có khả năng chỉ ra một tình phụ tử và một tình mẫu tử mênh môn hơn, và có khả năng đón nhận những người anh em và những người chị em mà họ đang sống bên lề các mối tương quan. Được thông tin rằng, thân mẫu và anh em của Ngài đang tìm Ngài và đang chờ Ngài ở bên ngoài, Chúa Giê-su đã rảo mắt nhìn các môn đệ của mình và trả lời rằng: „Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi!“ (Mc 3,34-35).

Sự khôn ngoan của những mối thiện cảm là điều không thể được mua bán. Nó chính là ân sủng được ban riêng cho sứ vụ của gia đình. Ngay trong các gia đình, chúng ta học được sự lớn lên trong bầu khí của sự khôn ngoan nơi các mối thiện cảm ấy. „Văn Phạm“ của gia đình sẽ được giới thiệu ở đó. Nhưng nếu ở nơi khác thì điều đó sẽ rất khó. Ngay trong hình thức ngôn ngữ này, Thiên Chúa cũng đã làm cho mình trở nên hiển nhiên đối với tất cả con người.

Lời mời gọi đặt các mối tương quan gia đình vào trong lãnh vực tuân phục, Đức Tin và trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, không nhằm hạn chế các mối tương quan ấy, nhưng bảo vệ và giải phóng chúng khỏi thói ích kỷ, bảo vệ chúng trước sự suy vong, cứu chúng vì một cuộc sống bất diệt. Một phong cách mang tính gia đình trong các mối quan hệ giữa con người với nhau chính là một phúc lành đối với các dân tộc: Nó mang niềm hy vọng trở về lại với trái đất. Khi các mối thiện cảm gia đình được biến thành chứng tá Tin Mừng thì chúng sẽ đạt tới được khả năng để thực hiện những điều không thể hình dung ra được, đến độ các công trình của Thiên Chúa sẽ trở nên rõ ràng và cụ thể; đó là những công trình đã được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử, và là những công việc của Chúa Giê-su đối với con người, với những người nam và những người nữ mà họ đã gặp gỡ Ngài. Chỉ cần nhờ vào cách thế tuyệt vời của những nụ cười trước việc được cứu thoát khỏi nỗi tuyệt vọng của một em bé đã bị bỏ rơi nhưng giờ đây đã đứng dậy và tái đi vào cuộc sống, hoạt động của Thiên Chúa sẽ trở nên dễ dàng để nhận ra hơn là nhờ vào hằng ngàn luận án Thần Học. Chỉ một người chồng và một người vợ mà họ đã bị rơi vào trong những mối nguy hiểm, và có thể hy sinh chính bản thân cho con cái của những người khác chứ không chỉ cho con cái của riêng mình, mới có thể cắt nghĩa cho chúng ta hiểu về Tình Yêu mà nhiều khoa học gia không thể hiểu nổi. Những mối thiện cảm gia đình ấy hiện hữu ở đâu thì những cử chỉ của con tim sẽ phát sinh tại đó, và sức diễn cảm của những cử chỉ ấy sẽ cao hơn tất cả mọi lời nói. Đó là cử chỉ của Tình Yêu. … Điều đó thúc giục chúng ta suy nghĩ.

Một gia đình mà nó tương ứng với lời mời gọi của Chúa Giê-su, sẽ tái trao lại sự quản trị thế giới này cho mối tương quan của người chồng và người vợ với Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ tới sự phát triển của chứng tá này trong thế giới hôm nay. Chúng ta hãy hình dung ra xem, khi bánh lái của lịch sử (của xã hội, của kinh tế, của chính trị) – thế thôi! – sẽ được tái giao lại cho khế ước giữa người chồng và người vợ, để họ đảm nhận nó với cái nhìn về những thế hệ tương lai, thì vấn đề sẽ thế nào! Chắc chắn sau đó, đề tài về đất đai, về nhà cửa, về kinh tế và về công ăn việc làm sẽ trình diễn một bản nhạc hoàn toàn khác!

Khi chúng ta – dựa vào Giáo Hội – tái trao vai trò chính cho những gia đình lắng nghe Lời Chúa và sau đó đem ra thực hành, thì rồi chúng ta sẽ trở nên như rượu ngon trong tiệc cưới tại Cana, và sẽ lan rộng như men của Thiên Chúa!

Thực tế thì mối liên kết của gia đình với Thiên Chúa trong thời đại hôm nay đang được kêu gọi để chống lại việc phát sinh những sa mạc mang tính xã hội trong các thành phố hiện đại. Nhưng việc bị tàn phá nơi các thành phố của chúng ta lại là hậu quả của việc thiếu vắng Tình Yêu và thiếu vắng tiếng cười. Bất chấp rất nhiều những khả năng để tiêu khiển, để giết thời gian và để cười cợt, Tình Yêu vẫn đang thiếu. Nụ cười của một gia đình sẽ có khả năng chiến thắng trước việc các thành phố của chúng ta bị hủy hoại. Sự chiến thắng của Tình Yêu gia đình hàm chứa trong đó. Không có bất cứ một công cụ kinh tế hay chính trị nào có thể thay thế được sự đóng góp ấy của gia đình. Dự án Babel đã muốn xây dựng một tòa tháp chọc trời. Trái lại, Thần Khí của Thiên Chúa lại làm cho những bông hoa nở rộ giữa sa mạc (xc. Is 32,15). Chúng ta phải đi ra khỏi những tòa tháp và những không gian được bọc thép của những thành phần tinh hoa, để tái bước vào những căn nhà mà nó mở ra với Tình Yêu gia đình, và bước vào trong những không gian quần chúng.

Đoàn sủng – được ban cho những người sống Bí Tích Hôn Phối cũng như được dành cho những người hiến thánh vì triều đại Thiên Chúa – được xác định để biến Giáo hội thành nơi gặp gỡ với Thiên Chúa, mà nơi ấy hoàn toàn là một gia đình. Chúng ta hãy tiếp tục đi trên con đường này và đừng đánh mất niềm hy vọng. Ở đâu có một gia đình hiện hữu với Tình Yêu, thì gia đình đó sẽ có khả năng sưởi ấm con tim của cả một thành phố với chứng tá Tình Yêu của mình.

Xin anh chị em hãy cầu nguyện cho Cha, và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho nhau để chúng ta có khả năng nhận ra cũng như có khả năng hỗ trợ cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ mang sự sáo trộn đầy vui mừng vào trong các gia đình Ki-tô hữu, và thành phố nhân loại sẽ bước ra khỏi sự trầm uất của mình!

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha sau khi kết thúc bài Giáo Lý:

Những ngày này tại vùng Viễn Đông cũng đang tưởng niệm sự kết thúc của cuộc thế chiến thứ hai. Cha làm mới lại lời cầu nguyện chân thành của Cha với Thiên Chúa cho tất cả mọi người, để nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, thế giới ngày nay sẽ không còn phải trải qua nỗi kinh hoàng và sự đau khổ khủng khiếp của những thảm kịch như thế nữa – nhưng trong lúc này, thế giới cũng vẫn đang còn phải chịu đựng chúng! Niềm mong muốn của Cha cũng tương ứng với niềm mong ước thường xuyên của các dân tộc; đặc biệt là các nạn nhân của những cuộc xung đột đẫm máu khác nhau trong hiện tại. Đó là những nhóm thiểu số bị bách hại, các Ki-tô hữu bị bách hại, sự diên rồ của những cuộc hủy hoại, việc sản xuất và buôn bán vũ khí, những vũ khí đã bị nhơ nhuốc với máu của rất nhiều người vô tội! Đừng bao giờ có chiến tranh nữa! Đó cũng là lời kêu cầu đầy đau buồn và long trọng từ tâm hồn chúng ta và từ tâm hồn của tất cả mọi người nam và mọi người nữ thành tâm thiện ý, được dâng lên vị Hoàng Tử Hòa Bình.

Vatican ngày mồng 02 tháng 09 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét