Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Nguồn gốc và ý nghĩa của Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời (Lễ Cầu Hồn)

Nguồn gốc và ý nghĩa của Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Những Người Đã Qua Đời (Lễ Cầu Hồn)

Ngay sau ngày Đại Lễ Kính Các Thánh, Giáo hội Công giáo lại cử hành một Ngày Đại Lễ khác để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, quen gọi là Lễ Cầu Hồn. Cả hai ngày Lễ này đều liên kết với nhau một cách khắng khít, tuy nhiên, lịch sử của hai Đại Lễ lại diễn ra với nhiều khác biệt.

Trước tiên, Lễ Cầu Hồn đã được Viện Phụ Odilo của Đan Viện Cluny cử hành vào năm 998 như là ngày tưởng nhớ tới tất cả các tín hữu đã qua đời. Ngày tưởng nhớ này càng ngày càng được phổ biến dưới ảnh hưởng của phong trào cải tổ do Đan Viện Cluny phát động, và từ thế kỷ 14, Đại Lễ này đã được cử hành ngay tại Rô-ma.

Đại Lễ Kính Các Thánh hướng tới sự hiệp thông khắng khít giữa tất cả các tín hữu với nhau, ngay cả đối với những người đã qua đời. Còn ngày Lễ Cầu Hồn thì tiếp tục sự tưởng nhớ này.

Thực ra, việc các Ki-tô hữu cầu nguyện và cử hành Phụng Vụ cho những người thân của mình đã qua đời, đã được thực hành ngay từ hồi thế kỷ thứ 2 rồi. Việc viếng thăm nghĩa địa, trang hoàng các ngôi mộ và việc thắp nến tại nghĩa trang hay trên các ngôi mộ chính là những dấu chỉ thuộc về sự phục sinh của sự sống. Việc hiệp thông với những người đã khuất diễn tả niềm mong muốn rằng, những người quá cố đã đạt tới được sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa, và trong Ngài, họ đã tìm thấy được sự bình an và niềm hạnh phúc miên trường mà Chúa Ki-tô ban tặng.

(theo te deum maria laach/rv 02.11.2015 sk)

J. Ngọc  Hà – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét