Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Ý nghĩa của Đại Lễ Thăng Thiên: Thăng Thiên không phải là „chuyến du hành vũ trụ“

Ý nghĩa của Đại Lễ Thăng Thiên: Thăng Thiên không phải là „chuyến du hành vũ trụ

Thực ra, Đại Lễ Thăng Thiên hôm nay vẫn còn là Đại Lễ Phục Sinh, vì Đại Lễ Thăng Thiên chính là một phần của mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành trong Đại Lễ Phục Sinh. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đại Lễ Phục Sinh, trong sự hướng về cuộc vượt biên của dân Israel qua Biển Đỏ, có ý nói đến việc chúng ta được tham dự vào cuộc vượt qua đó.

Đại Lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành sau Đại Lễ Phục Sinh 40 ngày, vì „trong 40 ngày, Người đã hiện ra và nói chuyện với các môn đệ về Nước Thiên Chúa“ (Cv 1,3). 40 ngày sau Đại Lễ Phục Sinh tương ứng một cách đối xứng với 40 mươi ngày chuẩn bị trước Đại Lễ này, tức 40 ngày Mùa Chay – và vì thế cho thấy, giờ đây con đường dẫn tới sự viên mãn của Chúa Giê-su được đánh dấu như là một thời gian mà trong đó các môn đệ thích ứng với hoàn cảnh mới của mình. Các ông sẽ học để hiểu cho được, bằng cách nào mà giờ đây và trong tương lai, Chúa Giê-su sẽ hiện diện bên cạnh các công cũng như ở lại với các công. Ngài đã hứa với các ông là Ngài sẽ luôn ở gần các ông cũng như sẽ tái trở lại, và Ngài trao cho các ông sứ mạng công bố và làm chứng cho tất cả thế giới về công trình cứu độ.

Con người sẽ tìm thấy không gian trong Thiên Chúa

Đại Lễ Thăng Thiên „không hề muốn nói với chúng ta rằng, Chúa Giê-su đã đi tới một nơi nào đó xa cách con người và thế giới“ -  Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã giảng như thế trong Thánh Lễ nhậm chức Giám Mục Rô-ma của Ngài ngày mồng 07 tháng 05 năm 2005, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran. „Cuộc Thăng Thiên của Chúa Ki-tô không phải là một cuộc du hành vũ trụ để đi tới thiên thể xa xôi nhất; vì căn bản mà nói, tất cả mọi thiên thể đều cũng phát sinh từ những yếu tố vật lý, giống như trái đất vậy. Cuộc Thăng Thiên của Chúa Ki-tô có nghĩa là, Ngài không thuộc về thế giới của quá khứ và của sự chết nữa, tức thế giới mà cuộc sống chúng ta bắt buộc phải có. Nó có nghĩa là, Ngài hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài – Người Con Vĩnh Cửu – đã mang kiếp sống nhân loại chúng ta tới trước tôn nhan Thiên Chúa, Ngài đã mang theo chính mình thịt và máu trong thân hình đã được biến đổi.“

Và điều đó có nghĩa là – Đức Bê-nê-đíc-tô giải thích tiếp: „Con người sẽ tìm thấy không gian trong Thiên Chúa; nhờ Chúa Ki-tô, kiếp nhân sinh được đón nhận vào trong sự sống nội tại nhất của Thiên Chúa. Và vì Thiên Chúa bao bọc và gánh mang toàn thể vũ trụ, nên cuộc Thăng Thiên của Chúa Giê-su có nghĩa là, Chúa Giê-su đã không rời xa chúng ta, nhưng giờ đây và cho đến muôn đời, Ngài sẽ ở sát ngay bên từng người một trong chúng ta, vì Ngài ngự bên cạnh Chúa Cha. Mỗi người trong chúng ta đều được phép gọi Ngài bằng một danh xưng thân mật nhất; mỗi người đều có thể gọi tên Ngài. Chúa Giê-su luôn luôn hiện diện trong giới hạn có thể nghe rõ. Chúng ta có thể xa cách Ngài về nội tâm. Chúng ta có thể sống khi chúng ta quay lưng lại với Ngài. Nhưng Ngài vẫn luôn luôn chờ đợi chúng ta và luôn luôn ở gần chúng ta.“

(theo te deum/rv 05.05.2016 sk)

Joseph Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét