Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Thánh Sy-rin-lô Tiến Sĩ Hội Thánh



Thánh Sy-rin-lô Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Sy-rin-lô Tiến Sĩ Hội Thánh (hay cũng còn được gọi là Si-rin-lô Alexandria) chào đời vào khoảng năm 375 hay 380 tại Alexandria, và qua đời vào ngày 27 tháng 06 năm 444 cũng tại Alexandria. Vào ngày 15 tháng 10 năm 412, Ngài trở thành Thượng Phụ Giáo Chủ của Alexandria, và giữ chức vụ này tại đó cho đến hết đời. Ngài không chỉ là một vị Thánh, nhưng còn là một Giáo Phụ và là Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngay từ khi còn sinh thời, Ngài đã là một nhân vật tạo ra rất nhiều tranh cãi, và điều này vẫn còn được ghi lại trong lịch sử Thần Học từ hồi đó cho đến tận bây giờ. Một mặt, Ngài được coi là một Đại Thần Học gia trong thời đại của Ngài, nhưng mặt khác, Ngài lại bị coi là người quá hăng hái, bốc đồng và thiếu khôn khéo.

1.Bối cảnh lịch sử thời Thánh Sy-rin-lô:

Thánh Sy-rin-lô sống trong một thời đại, mà trong đó, vai trò của Alexandria với tư cách là trụ sở của Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ có tầm quan trọng nhất xét về mặt truyền thống, cũng như với tư cách là trung tâm Thần Học của Phương Đông, càng ngày càng bị gây tranh cãi mạnh mẽ hơn bởi vị thế của thủ đô Constantinopoli. Do đó, trong các cuộc tranh luận Thần Học giữa Alexandria và Constantinopoli, những yếu tố chính trị cũng đóng một vai trò rất lớn. Sau khi cậu ruột của mình, người kế vị Thánh Athanasiô, qua đời, Thánh Sy-rin-lô đã trở thành Thượng Phụ Giáo chủ của Alexandria, và Ngài đã giữ chức vụ này trong suốt 40 năm. Trước khi Thánh Sy-rin-lô đảm nhận trách vụ Thượng Phụ Giáo Chủ Alexandria, Công Đồng Constantinopoli I đã diễn ra. Tại Công Đồng này, điểm xung đột liên quan đến chủ thuyết Ariô đã trở nên quyết liệt, và Giáo Lý về Chúa Ba Ngôi cũng đã được đem ra trình bày và tranh luận.

Thánh Sy-rin-lô là một trong những diễn viên chính của cuộc tranh cãi về Ki-tô Học đầu thế kỷ thứ V, mà cuộc tranh cãi đó phần thì được tiếp liệu bởi những vấn nạn được đề cập tới bởi học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi, phần còn lại thì được nuôi dưỡng bởi cuộc xung đột dai dẳng giữa các phân khoa Thần Học của Antiochia và của Alexandria. Đức Thượng Phụ tiền nhiệm của Thánh Sy-rin-lô là Theophilos I – cậu ruột của Ngài -, tại chức từ năm 385-412. Hầu như trong suốt thời gian tại chức của mình, ông đã không ngừng đấu tranh chống lại Đức Thượng Phụ của Constantinopoli hồi đó, tức Thánh Gio-an Kim Khẩu (khoảng 345-407).

2.Tiểu sử của Thánh Sy-rin-lô:

Người ta không được biết nhiều về phần cuộc sống của Thánh Sy-rin-lô từ thời niên thiếu cho tới khi Ngài đảm nhận trách vụ Thượng Phụ Giáo Chủ Alexandria. Có lẽ Ngài sinh vào năm 380 tại Alexandria, Ai Cập. Thân mẫu của Ngài là chị ruột của Thượng Phụ Giáo Chủ Theophilos I, và hình như Ngài cũng đã từng sống đời Đan Tu trong một ít thời gian. Sau đó Ngài được cậu ruột, tức Đức Thượng Phụ Theophilos I mời về làm trợ lý tại Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ Alexandria. Vào năm 403, Ngài đã tháp tùng Đức Thượng Phụ của mình đến tham dự Công Đồng Chacedonia. Vào năm 412, sau khi người cậu này qua đời, Ngài đã nghiễm nhiên trở thành người kế vị của cậu mình trong chức vụ Thượng Phụ Giáo Chủ Alexandria. Với chức vụ danh giá và quyền uy này, Sy-rin-lô có rất nhiều đối thủ. Một trong những đối thủ đặc biệt nhất của Ngài là Orestes, người trở thành thái thú của Ai-cập vào năm 415, vì ông ta coi Thánh Sy-rin-lô như là đối thủ chính trong cuộc chiến dành quyền cai trị Alexandria, một địa vị vô cùng danh giá và quyền uy.

Trong suốt thời gian tại chức của mình, Thánh Sy-rin-lô đã thường xuyên khuếch trương thanh thế và quyền uy của Ngài cả bên trong lẫn bên ngoài Alexandria, với sự hỗ trợ của cả gian kế, lẫn bạo lực và đối ngoại. Bên ngoài Alexandria, đối thủ lớn nhất của Ngài là Thượng Phụ Giáo Chủ Antiochia. Cả hai Tòa Thượng Phụ này đều góp phần trong Ki-tô học, trong công trình chú giải Kinh Thánh và trong việc giải thích Bí Tích Thánh Thể với những quan điểm khác nhau. Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinopoli vẫn luôn bị chiếm chỗ bởi những đại diện thuộc một trong hai trường phái, hoặc của Alexandria, hoặc của Antiochia. Sự tranh giành quyền lực được liên kết với cuộc chiến bảo vệ Giáo Lý đúng đắn đã bị leo thang trong cuộc tranh cãi với Nestoriô – Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinopoli.

Những năm đầu nắm chức vụ Thượng Phụ Giáo Chủ Alexandria của Thánh Sy-rin-lô được đánh dấu bởi rất nhiều những bất ổn lớn. Không kể những cuộc sung đột lớn nhỏ khác, Ngài còn sa vào cuộc sung đột với những người theo giáo phái Novatian. Ngài ra lệnh đập bỏ hoặc đóng cửa các ngôi Thánh Đường của họ, giống như Thánh Gio-an Kim Khẩu cũng đã từng làm như vậy tại Ê-phê-sô trước đó ít năm. Vào năm 415, một người tên là Phê-rô thuộc giới tiện dân Ki-tô giáo, đã gây ra cuộc mưu sát nhắm vào Hypatia – nữ triết gia theo phái Tân Platon, và cũng là một một nữ khoa học. Nguyên nhân dẫn tới cuộc mưu sát này vẫn còn là điều gây tranh cãi cho tới ngày nay. Nhiều người nghi ngờ Thánh Sy-rin-lô là người đã can dự vào vụ mưu sát trên, nhưng tất cả các nguồn tài liệu cổ nhất đều minh chứng rằng, Thánh Nhân vô can trong vụ này.

3.Đại Thần Học Gia:

Ngoài việc dấn thân vào những chuyện không nên, tiên vàn, Thánh Sy-rin-lô được coi là một Đại Thần Học gia. Ngài đã dành hầu như cả cuộc đời cho việc giải thích Kinh Thánh cũng như cho việc bảo vệ Đức Tin tinh tuyền. Ngài đã chiến đấu không mệt mỏi trong cuộc chiến chống lại lạc thuyết Ariô và Nestôriô, cũng như đã chiến đấu để bảo vệ tước hiệu „Mẹ Thiên Chúa“ của Đức Maria.

Thánh Sy-rin-lô đã làm cho học thuyết của Thánh Athanasiô thành Alexandria trở nên sáng tỏ. Ngài nói về linh hồn có lương tri nhân loại của Chúa Ki-tô. Và trong một bức thư gửi Nestôriô, Ngài đã giải thích về sự ngôi hiệp trong Chúa Ki-tô như sau: Chúa Ki-tô đã duy trì bản tính Thiên Chúa của Ngài ngay cả trong cuộc khổ hình, nhưng đã thích ứng với nỗi đau khổ của nhân loại, đến độ nỗi đau khổ này cũng thuộc về Ngài xét về bản chất. Thánh Nhân không ngừng nhấn mạnh tới sự hiệp nhất trọn vẹn của sự hiện hữu nơi Chúa Ki-tô trong sự tương phản với sự hiệp nhất „chỉ“ có tính luân lý, được bảo vệ bởi Nestôriô. Cả Thánh Sy-rin-lô và Nestôriô đều nại tới Rô-ma, nhưng vào năm 430, Đức Giáo Hoàng Celestin I đã đưa ra quyết định chống lại Nestôriô. Ngài trao cho Thánh Sy-rin-nô nhiệm vụ cách chức Nestôriô, nếu trong vòng 10 ngày, vị Thượng Phụ Giáo Chủ của thành Constatinopoli này không chịu cải chính. Để thừa hành nhiệm vụ trên, Thánh Sy-rin-lô đã triệu tập một Công Đồng để cùng Ngài kết án 12 mệnh đề của Nestôriô.

Theo yêu cầu của Nestôriô, vào năm 431, hoàng đế Theodo II đã triệu tập Công Đồng Ê-phê-sô, nhưng lại đề cử thánh Sy-rin-lô làm người chủ tọa Công Đồng này. Tuy nhiên, dù các Giám mục chưa đến đầy đủ, và hầu hết các Đức Giám Mục phương Đông đều chưa kịp đến, thì Thánh Sy-rin-lô vẫn cho khai mạc Công Đồng, và thi hành chức năng với tư cách là một vị chủ tọa đầy khắt khe. Cùng với vị chủ tọa, các Nghị Phụ có mặt đã đưa ra quyết định rằng, các học thuyết của Nestôriô phải bị bác bỏ. Và vì thế Nestôriô bị vạ tuyệt thông và bị cách chức. Nhưng khi các đại diện của Antiochia đến, họ đã không nhất trí với quyết định mà phe của Thánh Sy-rin-lô đã đưa ra, không những thế, còn thành lập một Công Đồng khác để chống lại nhóm của Thánh Sy-rin-lô. Nhóm này đã ra vạ tuyệt thông cho Thánh Sy-rin-lô và cách chức Ngài. Vì thế, một cuộc ẩu đả và bạo loạn đã diễn ra giữa hai phe. Thấy tình hình quá nghiêm trọng, hoàng đế Theodo đã ra lệnh tống giam cả Thánh Sy-rin-lô lẫn Nestôriô. Sau khi bị tống giam, Thánh Sy-rin-lô đã nhờ người tiếp cận với hoàng hậu, và mang đến cho bà cả quà cáp lẫn tiền hối lộ. Do đó, hoàng hậu đã can thiệp, và nhờ vào sự can thiệp của bà, Thánh Sy-rin-lô đã được phóng thích. Vào năm 433, Thánh Sy-rin-lô đã đạt được thỏa thuận với nhóm Antiochia và đưa ra một công thức tổng hợp, gồm cả giáo lý theo truyền thống Alexandria lẫn truyền thống Antiochia, theo đó, Chúa Ki-tô được trình bày như là Đấng „mang một bản tính kép ngang nhau“, đó là bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, nhưng là một; nhưng công thức này vẫn giữ lại cách diễn tả về „một bản tính của Logos trở thành người“, và tước hiệu „Theotokos“ (Đấng sinh thành Thiên Chúa) của Đức Maria. Tuy nhiên, Thánh Sy-nô-lô không muốn trình bày việc nhân tính hiện hữu hoàn toàn trong Chúa Ki-tô như là bản tính. Giáo lý này đã được xác nhận bởi Công Đồng Chalcedonia năm 451.

4.Các công trình nghiên cứu của Thánh Sy-rin-lô:

Thánh Sy-rin-lô đã để lại một công trình trước tác đồ sộ. Tuy nhiên, công trình này chỉ còn được giữ lại từng phần. Những tác phẩm còn được giữ lại của Thánh Sy-rin-lô bao gồm 10 cuốn về các Thánh Giáo Phụ, được xuất bản bởi Jacques Paul Migne, và bảy cuốn Patrologia cursus completus được xuất bản tại Paris vào năm 1638 bởi nhà xuất bản Aubert. Bên cạnh đó, các bức thư của Ngài nhân dịp các Đại Lễ Phục Sinh từ năm 414 tới 442, cũng vẫn còn được giữ lại cho tới ngày nay. Vì thế, bên cạnh các Thánh Gio-an Kim Khẩu, Augustinô Hippô và Giê-rô-ni-mô, Thánh Sy-rin-lô là một trong các Giáo Phụ mà phần lớn các tác phẩm của mình vẫn còn được giữ lại.

5.Sự tôn kính Thánh Sy-rin-lô

Dù rằng những hành vi của Ngài xem ra không mấy thánh Thiện, nhưng Thánh Sy-rin-lô vẫn được các tín hữu tôn kính với tư cách là một vị Thánh ngay sau khi Ngài qua đời. Cả Giáo hội Công giáo lẫn Giáo hội Chính thống đều coi Thánh Sy-rin-lô là một Giáo Phụ. Thực ra, sự tôn kính của các tín hữu dành cho Thánh Sy-rin-lô hẳn nhiên không phải dựa vào những hành vi của Ngài, nhưng chủ yếu dựa vào tính rõ ràng về Thần Học của Ngài, cũng như dựa vào công trình chú giải Kinh Thánh có tính nền tảng của Ngài. Công trình chú giải này được trải dài trên hầu hết các tác phẩm của Ngài. Tác phẩm đầu tay của Ngài: „Về sự tôn thờ và sùng kính trong tinh thần và chân lý“ đã cho thấy đầu óc đầy phong phú và sự sâu sắc của Ngài. Ngài đã biên soạn một cuốn chú giải sách Ngôn Sứ Isaia, một bộ chú giải về 12 Ngôn Sứ nhỏ, và một bộ chú giải đồ sộ về Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Ngoài ra, Thánh Sy-rin-lô còn viết rất nhiều sách để bác bỏ ba cuốn sách của hoàng đế Julian – kẻ bội giáo – mà chúng mang tựa đề là „Chống lại người Galilea“. Trong số những cuốn sách đó của Thánh Nhân, 10 cuốn đầu tiên cũng như nhiều phần của những cuốn khác vẫn còn được giữ lại cho tới ngày nay, như đã nói ở trên.

Giáo hội Công giáo Rô-ma mừng kính Thánh Sy-rin-lô vào ngày 27 tháng 06 với bậc Lễ Nhớ không buộc. Còn Giáo hội Chính thống thì mừng kính Ngài vào ngày 18 tháng Giêng và ngày mồng 09 tháng 06.

Vào năm 1882, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã tôn phong Thánh Sy-rin-lô lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh.

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét