Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Huấn Thị AD RESURGENDUM CUM CHRISTO của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc mai táng những người qua đời và về việc bảo quản tro cốt trong trường hợp hỏa táng

Huấn Thị AD RESURGENDUM CUM CHRISTO của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc mai táng những người qua đời và về việc bảo quản tro cốt trong trường hợp hỏa táng

1.Để phục sinh với Chúa Ki-tô, người ta phải cùng chết với Ngài; việc „lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa“ (2Cor 5,8) là điều cần thiết. Với Huấn Thị Piam et constantem được công bố vào ngày mồng 05 tháng 07 năm 1963, Thánh Vụ hồi đó đã ra lệnh phải quan tâm làm sao để „tập tục an táng thân xác các tín hữu luôn được tiến hành cách thánh thiện“. Nhưng cũng được bổ sung thêm rằng, việc hỏa táng theo tinh thần Ki-tô giáo không mâu thuẫn với „chính mình“, và các Bí Tích cũng như việc cử hành Thánh Lễ An Táng sẽ không còn được phép bị từ chối đối với những ai đã chọn cách hỏa táng nữa. Điều kiện cho điều này chính là việc họ đã không chọn việc hỏa táng „vì khước từ các Tín Điều Ki-tô giáo, vì quan điểm có tính bè phái, hay vì sự thù hận đối với Công giáo và Hội Thánh“. Sau này, sự thay đổi trong quy luật của Giáo hội đã được tiếp nhận trong bộ Giáo Luật (1983) cũng như trong Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương (1990).

Trong lúc việc hỏa táng đã chưa phổ biến mạnh tại một số quốc gia, nhưng đồng thời những ý tưởng mới cũng đã phát tán, mà những ý tưởng ấy lại đối lập với Đức Tin của Giáo hội. Sau khi lắng nghe ý kiến của Thánh Bộ Phụng Tự và Trật Tự các Bí Tích, Ủy Ban Giáo Hoàng phụ trách các văn bản Luật, rất nhiều Hội Đồng Giám Mục cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã coi việc công bố một Huấn Thị mới là điều rất thích hợp để trình bày những lý do có tính tín lý lẫn mục vụ, nhằm ưu tiên cho việc an táng những người quá cố, và để công bố những quy định về việc bảo quản tro cốt trong trường hợp hỏa táng.

2.Sự phục sinh của Chúa Giê-su mà chân lý Đức Tin Ki-tô giáo tìm thấy tột điểm của mình trong đó, được công bố ngay từ những ngày đầu Ki-tô giáo như là thành phần chính yếu của mầu nhiệm Vượt Qua: „Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với nhóm Mười Hai“ (1Cr 15,3-15).

Nhờ vào sự chết và sự phục sinh của mình, Chúa Ki-tô đã giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, và mở cho chúng ta một lối đi dẫn tới một cuộc sống mới: „Cũng như Chúa Ki-tô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới“ (Rm 6,4). Chính vì thế, Chúa Ki-tô phục sinh chính là nguyên cớ và là nguồn cội cho sự phục sinh trong tương lai của chúng ta: „Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống“ (1Cr 15,20-22).

Trong ngày tận thế, Chúa Ki-tô sẽ phục sinh chúng ta; nhưng mặt khác, trong một cách thức nào đó, chúng ta cũng đã phục sinh cùng với Chúa Ki-tô rồi. Vì nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta được dìm vào trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài cách nhiệm mầu: „Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép Rửa, thì anh em cũng sẽ được cùng chỗi dậy với Người vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho người chỗi dậy từ cõi chết“ (Cl 2,12). Nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta được hiệp nhất với Chúa Ki-tô, và vì thế, ngay từ bây giờ, đã thực sự tham dự vào sự sống của Chúa Ki-tô rồi (xc. Eph 2,6).

Nhờ Chúa Ki-tô, cái chết của người Ki-tô hữu có một ý nghĩa tích cực. Phụng Vụ của Giáo hội cầu nguyện rằng: „Vì lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời“. Qua sự chết, linh hồn bị tách khỏi thân xác; nhưng trong sự phục sinh, Thiên Chúa sẽ trao ban sự sống bất diệt cho thân xác bị thay đổi của chúng ta, bằng cách là Ngài tái hiệp nhất thân xác ấy với linh hồn chúng ta. Ngay cả trong thời đại chúng ta đây, Giáo hội cũng vẫn được kêu gọi hãy công bố niềm tin vào sự phục sinh: „Sự phục sinh của những kẻ đã qua đời chính là niềm xác tín của các Ki-tô hữu; chúng ta hiện hữu trong niềm tin vào sự phục sinh ấy.“

3.Theo truyền thống lâu đời nhất của Ki-tô giáo, Giáo hội thường xuyên khuyên dậy hãy mai táng thi hài của những người đã qua đời tại nghĩa địa hay tại một địa điểm thánh thiêng khác.

Trong niềm tưởng nhớ tới sự chết, sự mai táng và sự phục sinh của Chúa Ki-tô – một mầu nhiệm ánh sáng, mà ý nghĩa Ki-tô giáo về sự chết được mạc khải trong đó – sự an táng chính là hình thức thích hợp nhất để diễn tả Đức Tin và niềm hy vọng vào sự phục sinh của thân xác.

Luôn đồng hành với các tín hữu trong cuộc lữ hành dương thế của họ với tư cách là người Mẹ, trong Chúa Ki-tô, Giáo hội cầu xin Thiên Chúa Cha ban ân sủng của Người cho con cái, và ban niềm hy vọng tràn trề vào sự phục sinh trong vinh quang của nắm xương tàn mà họ vẫn còn để lại trên dương thế.

Trong khi Giáo hội chôn cất thi thể của những người đã qua đời, Giáo hội khẳng định niềm tin vào sự phục sinh của thân xác. Đồng thời Giáo hội muốn giới thiệu phẩm giá cao quý của thân xác con người với tư cách là thành phần chính yếu của con người mà thân xác chia sẻ lịch sử của họ. Vì thế, Giáo hội không thể cho phép những cách xử sự hay những nghi thức mà chúng chứa đựng những quan điểm sai lạc về sự chết, chẳng hạn như khi nó được hiểu như là sự hủy diệt chung cuộc của con người, hay như là khoảnh khắc mà trong đó con người được sáp nhập vào với mẹ thiên nhiên, hay vũ trụ, hoặc bị hiểu như là một chặng đường trong quá trình hóa kiếp, hay bị hiểu như là sự giải phóng chung cuộc khỏi „nhà tù“ thân xác.

Ngoài ra, việc mai táng tại nghĩa địa hay tại một địa điểm thánh thiêng, trong một cách thức tôn kính cân xứng, cũng tương hợp với niềm tôn kính và sự kính trọng, mà thân xác của những người đã qua đời xứng đáng nhận được, bởi nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy, họ đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, và „Chúa Thánh Thần đã sử dụng họ giống như một khí cụ hay một chiếc bình để hoàn tất những công việc tốt lành.“ 

Ông Tô-bi-a người công chính đã được khen ngợi vì những công lao mà ông đã nhận được trước mặt Thiên Chúa nhờ vào việc mai táng những người quá cố. Giáo hội nhìn thấy trong việc an táng những người quá cố một công việc của Đức Thương Người về khía cạnh thân xác.

Dù thế nào đi nữa thì việc mai táng các tín hữu đã qua đời tại nghĩa địa hay tại một nơi thánh thiêng khác, cũng sẽ thúc đẩy niềm tưởng nhớ và sự cầu nguyện cho những người đã qua đời thông qua những người thân và toàn thể cộng đoàn Ki-tô giáo, cũng như việc tôn kính các vị Tử Đạo và các Thánh.

Thông qua việc mai táng tại các nghĩa địa, trong nhà thờ hay trong những nơi gần nhà thờ, truyền thống Ki-tô giáo đã bảo vệ và duy trì sự hiệp thông giữa những người sống và những người đã qua đời, và ngăn cản khuynh hướng muốn ngụy trang hay tư hóa sự chết và ý nghĩa của nó đối với các Ki-tô hữu.

4.Ở đâu có những lý do chẳng hạn như vệ sinh, kinh tế hay xã hội, khiến người ta phải chọn việc hỏa táng – một chọn lựa không được phép đi ngược lại với ý muốn rõ ràng hay được cho rằng khôn ngoan của người tín hữu đã qua đời -, thì Giáo hội không thấy có những lý do nào có tính học thuyết để cấm đoán cách thực hành đó. Vì sự thiêu hủy thi hể không đụng chạm gì tới linh hồn, cũng không ngăn cản quyền năng của Thiên Chúa trước việc phục sinh thân xác. Vì thế việc hỏa táng không chứa đựng trong mình sự phủ nhận học thuyết Ki-tô giáo về sự bất tử của linh hồn và sự phục sinh của thân xác.

Dù Giáo hội vẫn ưu tiên cho việc mai táng thi thể, mà việc mai táng ấy thể hiện sự kính trọng lớn hơn đối với những người đã qua đời. Nhưng sự hỏa táng cũng không bị cấm, „vì nó được chọn vì những lý do không đi ngược lại với học thuyết Đức Tin Ki-tô giáo.“

Nếu không có những lý do đi ngược lại với học thuyết Đức Tin Ki-tô giáo, thì Giáo hội – sau nghi thức An Táng – sẽ đồng hành với sự lựa chọn hỏa táng thông qua những chỉ dẫn tương ứng về Phụng Vụ và mục vụ, và cũng đặc biệt quan tâm tới việc làm sao để ngăn ngừa bất cứ hình thức gây điều tiếng nào, hay bất cứ hình thức thờ ơ lãnh đạm nào về khía cạnh tôn giáo.

5.Nếu sự chọn lựa hỏa táng được quyết định vì những lý do hợp pháp, thì theo quy định, tro cốt của người quá cố phải được bảo quản tại một địa điểm thánh thiêng, chẳng hạn như tại nghĩa địa, nếu thuận tiện và thích hợp, thì trong một nhà thờ, hoặc tại một nơi đã được xác định bởi thẩm quyền Giáo hội cho mục đích này.

Ngay từ đầu, các Ki-tô hữu đã đòi hỏi cộng đoàn Ki-tô giáo phải cầu nguyện cho những người của mình đã qua đời, cũng như phải tưởng nhớ tới những người đã khuất ấy. Những ngôi mộ của họ trở thành nơi cầu nguyện, nơi tưởng nhớ và là nơi để hồi tâm. Các tín hữu đã qua đời vẫn là thành viên của Giáo hội; vì Giáo hội tin vào sự hiệp thông của „những người đang còn lữ hành nơi dương thế; của những người đang được thanh luyện sau khi kết thúc cuộc sống dương gian; và của những người đang nếm hưởng hạnh phúc Thiên Đàng; tất cả họ đều hình thành nên một Giáo hội“.

Việc bảo quản tro cốt tại một nơi thánh thiêng có thể góp phần làm giảm nguy cơ trước việc tước đoạt đi khỏi những người đã qua đời sự cầu nguyện và sự tưởng nhớ của những người thân, và niềm hiệp thông Ki-tô giáo. Bằng cách ấy, việc người ta có thể quên lãng những người đã qua đời, hay việc người ta thiếu sự tôn kính, đặc biệt nhất là khi thế hệ đầu tiên không còn sống nữa, sẽ được ngăn ngừa, và sự xuất hiện của những cách thực hành bất xứng hay mê tín cũng được ngăn ngừa.

6.Vì những lý do nêu trên, việc bảo quản tro cốt tại phòng ở là điều không được phép. Chỉ trong trường hợp có những hoàn cảnh khó khăn hay bất thường, mà những hoàn cảnh ấy tùy thuộc vào những điều kiện văn hóa của người địa phương, thì Đức Giám Mục Giáo phận, trong sự thống nhất với Hội Đồng Giám Mục hay với Thượng Hội Đồng Giám Mục của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, mới có thể cho phép việc bảo quản tro cốt trong phòng ở. Nhưng tro cốt không được phép phân chia cho các gia đình khác nhau, và trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì việc tôn kính và những điều kiện xứng hợp của việc bảo quản cũng phải được bảo đảm.

7.Để tránh bất cứ sự mơ hồ nào trước những sắc thái mang tính phiếm thần, duy tự nhiên hay duy hư vô, sẽ không được phép tung rắc tro cốt vào không khí, trên đất hay vào nước, hoặc theo những cách thức khác, và cũng không được phép bảo quản tro cốt trong những đồ kỷ niệm, đồ trang sức hay trong những đồ vật khác. Vì đối với những cách thức thực hành đó, những lý do về vệ sinh, xã hội hay kinh tế sẽ không thể được nại tới, trong khi những lý do đó có thể là nền tảng cho việc chọn cách hỏa táng.

8.Trong trường hợp người qua đời đã chọn cách hỏa táng và rắc tro vào thiên nhiên vì những lý do đi ngược lại với học thuyết Đức Tin Ki-tô giáo một cách rõ ràng, thì chiếu theo luật, việc cử hành Lễ An Táng theo nghi thích của Giáo hội sẽ bị khước từ. 

Vào ngày 18 tháng 03 năm 2016, trong cuộc hội kiến dành cho Đức Hồng Y Tổng Trưởng – người ký tên dưới đây -, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chuẩn y và ra lệnh công bố Huấn Thị nêu trên, mà trong phiên họp thường kỳ của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin vào ngày mồng 02 tháng 03 năm 2016, nó đã được thông qua.

Rô-ma, trụ sở Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 15 tháng 08 năm 2016
Đại Lễ Cung Đón Đức Maria Vào Thiên Đàng.

Đức Hồng Y Gerhard Müller
Tổng Trưởng

Đức Tổng Giám Mục Luis F. Ladaria, S.J
Thư ký

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét