Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 14.12.2016: „Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng…“ (Is 52,7)

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 14.12.2016: „Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng…“ (Is 52,7)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta đang đến gần với Đại Lễ Giáng Sinh, và một lần nữa, Ngôn Sứ Isaia giúp chúng ta mở bản thân mình ra cho niềm hy vọng và đón nhận Tin Mừng về sự xuất hiện của ơn cứu độ.

Trong chương 52, trước tiên Ngôn Sứ Isaia đòi hỏi Giê-ru-sa-lem phải tỉnh thức, phải giũ mình cho sạch khỏi mọi bụi bặm và xích xiềng, cũng như phải mang những lễ phục huy hoàng, vì Thiên Chúa đã đến để giải thoát Dân Ngài (Is 52,1-3). Và vị Ngôn Sứ bố sung thêm: „Trong ngày ấy, dân Ta sẽ nhận biết danh Ta; nhận biết rằng: chính Ta là Đấng đã phán: ´Này Ta đây!`" (Is 52,6).

Lời ca reo vui của Giê-ru-sa-lem mà nó tương ứng với lời mời gọi của vị ngôn Sứ, chính là câu trả lời cho câu nói „Này Ta đây“ do chính Thiên Chúa đã nói, và đã tóm tắt toàn bộ nhiệm cục cứu độ và sự gần gũi của Ngài đối với chúng ta. Đó là một khoảnh khắc lịch sử rất quan trọng. Nó là sự kết thúc cuộc lưu đầy tại Babylon, là cơ hội cho Israel tái tìm thấy Thiên Chúa, tái tìm thấy chính mình trong Đức Tin.

Thiên Chúa đến, và phần „nhỏ còn sót lại“, tức dân nhỏ bé, dân vẫn tồn tại sau cuộc lưu đầy, và dân đã kiên vững trong Đức Tin trong lúc lưu đầy, dân đã chịu đựng cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng và hy vọng ngay cả trong lúc đen tối, „phần còn sót lại“ đó sẽ có thể nhìn thấy phép lạ của Thiên Chúa. Ở điểm này, vị Ngôn Sứ đã bổ sung thêm một bài ca reo mừng:

Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng : "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."

[…]

„Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
Trước mặt muôn dân,
Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người :
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy“ (Is 52,7.9-10).

Những lời trên của Ngôn Sứ Isaia mà chúng ta muốn lưu lại bên đó một cái gì đó, liên hệ đến phép lạ hòa bình, và những lời ấy thực hiện điều này theo một cách thức hoàn toàn đặc biệt, trong khi chúng không hướng về vị sứ giả, nhưng hướng về những bước chân lanh lẹ của vị sứ giả ấy: „Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng…

Giống như vị tân lang được nói tới trong sách Diễm Ca khi xuất hiện, chàng vội vã chạy đến với người yêu của mình: „Kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi“ (Dc 2,8).

Vị sứ giả hòa bình cũng vội vã mang Tin Mừng giải phóng, Tin Mừng cứu độ đến như vậy. Ngài công bố rằng, Thiên Chúa là vua. Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài, và đã không để mình bị khuất phục bởi sự ác, vì Ngài là Đấng Tín Trung, và ân sủng của Ngài vĩ đại hơn tội lỗi. Chúng ta phải học điều đó, vì chúng ta là những kẻ cứng đầu và không thích học điều đó. Nhưng Cha xin đặt ra một câu hỏi: Ai lớn hơn – Thiên Chúa hay là tội lỗi? Thiên Chúa! Và cuối cùng thì ai sẽ chiến thắng? Thiên Chúa hay tội lỗi? Thiên Chúa. Ngài có ở trong tình trạng để vượt thắng tội lỗi, ngay cả khi đó là những tội lớn nhất, ghê gớm, kinh khủng và tồi tệ nhất không?

Thiên Chúa sẽ chiến thắng tội lỗi bằng vũ khí nào? Bằng Tình Yêu! Điều đó có nghĩa là „Thiên Chúa là Vua“. Đó là những lời của Đức Tin vào một Thiên Chúa mà quyền năng của Ngài cúi xuống trên con người, và hạ mình xuống để ban Lòng Xót Thương, và giải phóng con người khỏi điều mà nó làm biến dạng hình ảnh đẹp đẽ của Thiên Chúa trong họ. Và sự kiện toàn của một Tình Yêu vô cùng vĩ đại sẽ là Triều Đại mà nó được kiến tạo bởi Chúa Giê-su; đó là triều đại của sự tha thứ và bình an mà chúng ta cử hành trong Đại Lễ Giáng Sinh cũng như được hiện thực hóa cách chung cuộc trong Đại Lễ Phục Sinh. Niềm vui tuyệt vời nhất của Đại Lễ Giáng Sinh chính là niềm vui nội tâm vì được bình an. Thiên Chúa đã xóa sạch hết mọi tội lỗi của tôi, Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, Thiên Chúa đã tỏ lòng Thương Xót đối với tôi. Ngài đã đến để cứu tôi. Đó là niềm vui của Đại Lễ Giáng Sinh.

Anh chị em thân mến, đó là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta. Nếu tất cả mọi sự xem ra có vẻ đều sẽ kết thúc, khi tận mắt chứng kiến vô vàn những thực tế tiêu cực, Đức Tin sẽ trở nên gian khổ và cơn cám dỗ sẽ xuất hiện để nói rằng, chẳng còn điều gì có ý nghĩa nữa, thì rồi sứ điệp tuyệt vời sẽ đến, mà sứ điệp đó sẽ được mang tới bởi những bước chân lanh lẹ ấy: Thiên Chúa đến để hiện thực hóa một điều chi đó mới mẻ, để kiến tạo vương quốc  hòa bình. Thiên Chúa „đã vung cánh tay thần thánh của Người“ và đến để mang tới sự tự do và niềm ủi an. Sự ác sẽ không chiến thắng mãi mãi, sự đau khổ sẽ kết thúc. Sự nghi nan sẽ được thắng vượt vì Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Và chúng ta cũng được mời gọi để tỉnh thức, như Giê-ru-sa-lem, nơi mà Thiên Chúa dành cho lời mời gọi này: Chúng ta được kêu gọi để trở nên những người nam và những người nữ của niềm hy vọng, cũng như dấn thân cho sự xuất hiện của vương quốc ánh sáng này, mà vương quốc ấy đã được xác định cho tất cả, những người nam và những người nữ của niềm hy vọng. Thật tồi tệ biết chừng nào khi chúng ta gặp gỡ một Ki-tô hữu đã đánh mất niềm hy vọng! „Tôi không còn hy vọng vào bất cứ điều gì nữa, đối với tôi, tất cả đều đã chấm hết“: một Ki-tô hữu không ở trong tình trạng để nhìn thấy đường chân trời của niềm hy vọng, và chỉ nhìn thấy một bức tường trước con tim của mình, sẽ nói như thế. Nhưng Thiên Chúa sẽ phá hủy bức tường này nhờ vào sự tha thứ! Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng mỗi ngày, và ban niềm hy vọng ấy cho tất cả: Đó là niềm hy vọng mà nó sẽ phát sinh nếu chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong máng cỏ tại Bê-lem.

Sứ điệp Tin Mừng mà nó được ủy thác cho chúng ta, đang rất khẩn thiết. Ngay cả chúng ta cũng cần phải vội vã giống như những sứ giả trên những đồi núi, vì thế giới không thể chờ đợi, nhân loại đang đói khát công lý, sự thật và hòa bình. Và khi những con người nhỏ bé của thế giới nhìn thấy Hài Nhi Bê-lem, thì họ sẽ biết rằng, lời hứa sẽ được ứng nghiệm, Tin Mừng đã được hiện thực hóa. Trong một Hài Nhì vừa mới được sinh ra, Hài Nhi đó thiếu thốn mọi thứ, được bọc trong tã và được đặt nằm trong máng cỏ, tất cả sức mạnh của Thiên Chúa, của Đấng Cứu Độ đang hiện diện. Đại Lễ Giáng Sinh chính là một ngày để mở con tim ra: Chúng ta phải mở con tim ra cho rất nhiều những điều bé nhỏ mà nó ở đó, trong mỗi em bé, và cho một phép lạ như thế. Đó là phép lạ của Đại Lễ Giáng Sinh, mà giờ đây, trong Mùa Vọng này, chúng ta đang chuẩn bị với niềm hy vọng. Đó là điều gây sửng sốt của Thiên Chúa, Đấng trở thành một Hài Nhi, một Thiên Chúa nghèo nàn, một Thiên Chúa yếu đuối, một Thiên Chúa từ bỏ sự vĩ đại của mình để đến gần với từng người một trong chúng ta.

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến
sáng thứ Tư ngày 14 tháng 12 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét