Không ai có thể tự an ủi mình – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 12.06.2017
Cụm từ “an ủi” xuất hiện tới 11 lần trong bảy câu đầu tiên của thư thứ hai mà Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Corinthô, chẳng hạn như câu này: “Thiên Chúa luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2Cor 1,4).
Trong Thánh Lễ vào sáng sớm
thứ Hai vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng về đề tài “an ủi”. An ủi là gì? Câu trả lời trước
tiên của Đức Thánh Cha là: Tuyệt đối không phải là những gì mà người ta có thể
tự trao ban cho mình.
“Kinh nghiệm về niềm an ủi, mà nó là một kinh nghiệm thiêng liêng, luôn
luôn cần tới một người khác, để được đầy đủ giá trị. Không ai có thể tự an ủi
chính mình, không ai. Và ai cố gắng làm điều đó, thì cuối cùng người ấy sẽ chỉ
ngắm mình trong gương. Và rồi người ấy sẽ chỉ cố gắng lừa dối chính mình. Người
ấy tự trang điểm cho mình với tư cách như thể mình là một người khác. Sau đó
người ấy tự an ủi chính mình với một cái gì đó mà nó không làm cho người ấy đạt
tới được sự chín muồi; bầu khí mà người ấy hít thở, chính là một bầu khí tự kỷ,
tự liên hệ đến mình. Đó là niềm an ủi được trang điểm, mà niềm an ủi ấy không
làm cho một người trở nên chín muồi. Điều đó hoàn toàn không phải là niềm an ủi,
vì ai tự nhốt mình lại trong chính mình – người ấy thiếu những cái khác.”
Những thứ an ủi sai trái này
xuất hiện rất nhiều trong Tin Mừng – Đức Thánh Cha giải thích. Chẳng hạn như
các Luật Sĩ, họ là những kẻ “tự hài lòng
với chính mình”. Hay người Pha-ri-siêu đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì con không như những kẻ khác!”. “Người này cũng chỉ nhìn thấy chính mình
trong gương” – Đức Thánh Cha giải thích – “người ấy chỉ nhìn thấy linh hồn của riêng mình – một linh hồn được
trang điểm bởi ý thức thệ.”
Niềm an ủi cần tới những người
khác – nó đến từ bản chất sâu thẳm nhất của mình, đến từ người khác, vì chính
Thiên Chúa là Đấng an ủi, Đấng ban ơn an ủi. Và rồi niềm an ủi đích thực sẽ dẫn
tới sự chín muồi để tái an ủi những người khác.
“Niềm an ủi đích thực có một ý nghĩa kép: nó là ân sủng và sự phục vụ. Sở
dĩ tôi đón nhận niềm an ủi của Thiên Chúa với tư cách là ân sủng, là vì tôi cần
tới niềm an ủi này. Tôi cần được an ủi, tôi phải nhận ra nhu cầu này. Chỉ khi
đó Thiên Chúa mới đến để an ủi chúng ta và trao cho chúng ta sứ mạng an ủi người
khác. Việc có một con tim rộng mở để đón nhận ân sủng, và sau đó thực hiện sự
phục vụ, là điều không hề dễ. Ý nghĩa kép đó làm cho chúng ta trở nên có thể an
ủi người khác.”
Con tim rộng mở - đó chính
là một con tim hạnh phúc, một con tim được chúc phúc. Với sự diễn tả này, Đức
Thánh Cha đã đánh một đường vòng để đi tới đoạn Tin Mừng mà nó giới thiệu về các
mối phúc của Chúa Giê-su trong viễn tượng của Thánh Mát-thêu. Đoạn tin Mừng này
trình bày cho thấy một cách rõ ràng rằng, “ai là
người hạnh phúc, ai là người có phúc”: “Đó
là những người nghèo; những người hiểu để
khóc…; những người hiền hòa; những người đói khát sự công chính; những người
chiến đấu cho công lý; những người có Lòng Xót Thương; những người có con tim
trong sạch; những người xây dựng hòa bình; những người bị bách hại vì lẽ công
chính. Đó là những người có con tim rộng mở, và Thiên Chúa sẽ đến với ơn an ủi
của Ngài cũng như với sứ mạng an ủi những người khác.”
Trái lại, “những kẻ khép kín” sẽ không có khả năng
an ủi: những kẻ “giầu có trong tầm hồn”,
tức những kẻ tin rằng, tất cả đều chỉ đến từ chính họ. “Những kẻ không cần phải khóc, vì họ cảm thấy mình công chính.” Đó
là những kẻ bạo lực, những kẻ bất công, những kẻ thiếu Lòng Xót Thương. “Những kẻ có con tim vấy bẩn” và “những kẻ kiến tạo chiến tranh”. Cả những
kẻ không bao giờ bị chỉ trích hay bị bách hại, vì họ không bao giờ dấn thân cho
người khác. “Những kẻ đó có một con tim
khép kín” – Đức Thánh Cha nhận xét. Họ không thể hạnh phúc, vì ơn an ủi
không đến được với con tim của họ.
(theo de.rv 12.06.2017 sk)
Đam Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét