Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Hai Thánh Phê-rô và
Phao-lô Tông Đồ, 29.06.2017: Tuyên Xưng,
Bách Hại và Cầu Nguyện
Anh chị em thân mến!
Tuyên xưng là điều mà Thánh Phê-rô
đã thực hiện trong Tin Mừng khi câu hỏi của Chúa Giê-su đi từ tổng quát tới cụ
thể. Trong thực tế, thì trước tiên Chúa Giê-su đã hỏi rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt
16,13). Trong “cuộc thăm dò” này đã
thu được kết quả từ nhiều phía, và nói chung, dân chúng coi Chúa Giê-su là một
vị Ngôn Sứ. Và rồi vị Tôn Sư đã đặt ra cho các môn sinh một câu hỏi thực sự mang
tính quyết định: “Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai?” (Mt 16,15). Chỉ có Thánh Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16,16). Đó là sự
tuyên xưng: nhìn thấy trong Chúa Giê-su Đấng Messias được mong chờ, Thiên Chúa
hằng sống, và là Đấng làm chủ cuộc sống của tôi.
Ngày nay, Chúa Giê-su vẫn
đang dành câu hỏi có tính nền tảng ấy cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, nhưng
đặc biệt là cho các mục tử chúng tôi. Đó là câu hỏi có tính quyết định mà không
câu trả lời lịch sự nào có thể tồn tại trước nó, vì cuộc sống đang trong tình
trạng nguy hiểm: Một câu hỏi thiết yếu đòi hỏi một câu trả lời với cả cuộc đời.
Vì thế, việc biết các công thức Đức Tin sẽ chẳng có ích lợi gì nếu người ta
không tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa trong cuộc sống riêng của mình. Hôm nay,
Ngài nhìn vào tận mắt chúng ta và hỏi: “Thầy
là ai đối với con?” Như thể Ngài muốn nói: “Ta có còn là Chúa cuộc sống của con nữa không, có còn là người tổ chức
con tim của con nữa không, có còn là căn nguyên cho niềm hy vọng của con nữa
không, có còn là niềm tín thác không hề lay chuyển của con nữa không?” Cùng
với Thánh Phê-rô, hôm nay chúng ta cũng hãy canh tân quyết định cuộc sống của chúng
ta với tư cách là những người môn đệ và Tông Đồ. Chúng ta hãy tái vượt qua câu
hỏi thứ nhất để sang câu hỏi thứ hai và để trở nên “những người của Ngài” không chỉ với những lời nói nhưng với hành động
và trong cuộc sống.
Chúng ta hãy tự hỏi, liệu có
phải chúng ta đang là những Ki-tô hữu phòng khách không, tức những kẻ ngồi đó để
tranh luận xem mọi sự đang diễn ra thế nào trong Giáo hội, hay chúng ta chính là
những người Tông Đồ trên đường, tức những người tuyên xưng Chúa Ki-tô bằng cuộc
sống, vì họ có Ngài trong con tim? Ai tuyên xưng Chúa Giê-su, người ấy biết rằng,
mình sẽ không chỉ chú trọng tới việc đề xuất những ý tưởng, nhưng chú trọng tới
việc trao hiến cuộc sống. Người ấy biết rằng, mình không thể tin theo cách thức
bàng quan, nhưng là được kêu gọi để “bừng
cháy lên” vì Tình Yêu. Người ấy biết rằng, trong cuộc sống, mình không thể
“trôi nổi” trên sự sung túc, và không
thể tự kiềm chế việc đó. Đúng hơn, người ấy phải dám mạo hiểm để ra khơi giữa đại
dương, bằng cách là người ấy tái trao hiến bản thân mình mỗi ngày. Ai tuyên
xưng Chúa Giê-su, người ấy cũng sẽ thực hiện điều đó giống như Thánh Phê-rô và
Phao-lô: người ấy sẽ đi theo Ngài đến cùng; không chỉ theo đến một điểm nhất định,
nhưng đi đến cùng; Người ấy bước theo Chúa trên con đường của Ngài, chứ không
phải trên những con đường của chúng ta. Con đường của Ngài là con đường của sự
sống mới, của niềm vui, và của sự phục sinh, nhưng con đường ấy cũng ngang qua
Thập Giá và những cuộc bách hại.
Như vậy, chúng ta đang ở bên
cụm từ thứ hai: những cuộc bách hại. Không chỉ có Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô
đã đổ máu mình ra vì Chúa Ki-tô, nhưng toàn thể cộng đoàn nguyên thủy đều đã bị
bách hại, như sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật cho chúng ta (xc. Cv 12,1).
Ngày hôm nay, tại nhiều khu vực khác nhau trên khắp thế giới, đôi khi trong một
bầu khí thinh lặng – và không hiếm khi đó là một sự thinh lặng đồng lõa -, rất
nhiều Ki-tô hữu cũng đang bị đẩy ra bên lề, đang bị vu khống, đang bị kỳ thị,
và đang phải đối diện với những hành vi bạo lực đôi lúc dẫn tới sự chết chóc.
Không hiếm sự thiếu cố gắng của những người mà họ có thể bận tâm tới chuyện làm
sao để những quyền lợi chính đáng của những Ki-tô hữu ấy được tôn trọng.
Nhưng Cha muốn nhấn mạnh một
cách đặc biệt tới điều mà Thánh Phao-lô đã diễn tả, trước khi Ngài “đổ máu ra làm lễ tế” như Ngài viết (2Tm
4,6). Đối với Ngài, Chúa Ki-tô chính là sự sống (xc. Phl 1,21), và thực ra, với
tư cách là Đấng Chịu Đóng Đinh (xc. 1Cor 2,2), Đấng đã trao hiến chính bản thân
mình cho Thánh Nhân (xc. Gal 2,20). Vì thế, Thánh Phao-lô đã chịu cảnh bị bách
hại với tư cách là người môn đệ trung tín của vị Tôn Sư, và rồi chính Ngài cũng
trao hiến mạng sống của mình. Sẽ không có Chúa Ki-tô nếu không có Thập Giá, và
nếu không có Thập Giá thì cũng không có các Ki-tô hữu. Vì đức hạnh riêng của
Ki-tô giáo là: “không chỉ làm điều thiện,
nhưng cũng còn gánh chịu sự ác nữa” (Thánh Augustinô, Sermo 46,13), như nơi
Chúa Giê-su. Việc gánh chịu sự ác không chỉ có nghĩa là có lòng kiên nhẫn và tiếp
tục thực hiện với sự cam chịu; gánh chịu có nghĩa là theo gương Chúa Giê-su, có
nghĩa là gánh mang gánh nặng, mang nó trên đôi vai cho Ngài và cho những người
khác. Nó có nghĩa là đón nhận Thập Giá và tiếp tục bước đi với trọn niềm tín
thác, vì chúng ta không bao giờ cô đơn, Đấng Chịu Đóng Đinh nhưng đã phục sinh
đang ở cùng chúng ta. Như thế, cùng với Thánh Phao-lô, chúng ta có thể nói: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè
bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị
quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4,8-9).
Gánh chịu có nghĩa là có thể
chiến thắng cùng với Chúa Giê-su, thực ra là trong cách thức của Chúa Giê-su chứ
không phải là trong cách thức của thế gian. Vì thế, Thánh Phao-lô đã thấy mình
là người chiến thắng – chúng ta đã nghe điều đó -, người lãnh nhận vòng hoa
(xc. 2Tm 4,8). Ngài viết: “Tôi đã chiến đấu
trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy hết chặng đường, và đã giữ vững niềm
trung tín” (2Tm 4,7). Cuộc chiến chính nghĩa của Ngài chỉ được nhắm tới một
cuộc sống không phải cho chính mình, nhưng là sống cho Chúa Giê-su và cho những
người khác. Ngài đã sống “trong cuộc chạy
đua”: Ngài không giữ gìn sức khỏe cho mình, nhưng đúng hơn, Ngài đã từ bỏ
chính mình. Điều mà Ngài bảo toàn, như Ngài nói, không phải là sức khỏe, nhưng
là Đức Tin, tức niềm tuyên xưng vào Chúa Ki-tô. Vì Tình Yêu đối với Chúa Ki-tô,
Ngài đã trải qua những cơn thử thách, những trận sỉ nhục và những nỗi khổ đau,
không hề tìm kiếm chúng, nhưng đón nhận chúng. Và do đó, trong mầu nhiệm đau khổ
được chấp nhận vì Tình Yêu, trong mầu nhiệm ấy, tức mầu nhiệm mà ngay cả trong
thời đại hôm nay, rất nhiều người anh chị em bị bách hại, nghèo túng và bệnh tật
cũng đang thể hiện, sức mạnh có khả năng cứu độ của Thập Giá Chúa Ki-tô đang bừng
sáng lên.
Từ ngữ thứ ba chính là lời cầu
nguyện. Đời sống Tông Đồ, tức đời sống phát sinh từ niềm tuyên xưng và kết thúc
trong sự trao hiến, tiếp tục trào tuôn mỗi ngày trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện
chính là nước thiết yếu, nó nuôi dưỡng niềm hy vọng và làm cho niềm tín thác được
lớn lên. Cầu nguyện trao cho chúng ta một kinh nghiệm rằng, chúng ta được yêu
thương, và cho phép chúng ta yêu thương. Nó làm cho chúng ta tiếp tục bước đi
ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối, vì nó thắp lên ngọn đèn của Thiên
Chúa. Trong Giáo hội, cầu nguyện chính là điều gánh mang tất cả chúng ta và làm
cho những cơn thử thách bị chế ngự. Chúng ta đã thấy điều đó trong Bài Đọc I rồi:
“Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ trong ngục,
thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông”
(Cv 12,5). Một Giáo hội cầu nguyện, sẽ được Thiên Chúa bảo vệ, và sẽ tiến về
phía trước trong sự đồng hành của Ngài. Cầu nguyện có nghĩa là trao phó con đường
cho Ngài để Ngài lưu tâm đến nó. Cầu nguyện chính là sức mạnh hiệp nhất và đỡ
nâng chúng ta; nó là phương dược chữa trị tình trạng tách biệt và sự tự thỏa
mãn mà chúng dẫn tới cái chết tinh thần. Vì nếu người ta không cầu nguyện, thì
Thần Khí sự sống sẽ không thổi, nếu không cầu nguyện thì những ngục tối nội tâm
mà chúng ta đang bị giam trong đó, sẽ không mở ra.
Ước chi hai Thánh Tông Đồ sẽ
giúp chúng ta nhận lãnh được một con tim giống như con tim của các Ngài, tức
con tim được in dấu ấn bởi sự nỗ lực, và bởi sự bình an của đời sống cầu nguyện:
bởi sự nỗ lực của nó, vì nó xin, nó gõ, và dấn thân để cầu thay nguyện giúp
cũng như gánh mang gánh nặng bởi sự gây phiền hà của rất nhiều người và của nhiều
trạng huống; nhưng đồng thời, bởi sự bình an của nó, vì Chúa Thánh Thần sẽ ban
tặng niềm an ủi và sức mạnh khi người ta cầu nguyện. Giáo hội cần tới những bậc
thầy về đời sống cầu nguyện biết chừng nào, nhưng còn cần một cách đặc biệt hơn
tới những người nam và những người nữ cầu nguyện, tức những người đang thực sự
sống trong cầu nguyện!
Thiên Chúa sẽ can thiệp nếu
chúng ta cầu nguyện; Ngài sẽ chứng tỏ niềm trung tín của Ngài với Tình Yêu mà
chúng ta tuyên xưng Ngài như thế, và Ngài sẽ ở gần chúng ta trong những cơn thử
thách. Ngài đã đồng hành trên con đường của các Tông Đồ, và Ngài cũng sẽ đồng
hành với quý hiền đệ, hỡi các Hồng Y thân mến, quý hiền đệ được quy tụ lại đây
trong Tình Yêu của các Tông Đồ, những Đấng đã tuyên xưng niềm tin của mình bằng
máu. Ngài cũng sẽ ở gần bên quý hiền đệ, hỡi các Tổng Giám Mục thân yêu; nhờ
vào việc trao dây Pallium, quý hiền đệ sẽ được khích lệ, để sống cho đoàn
chiên, và ở đây, theo gương vị Mục Tử Tốt Lành, Đấng bảo vệ quý hiền đệ, vì
Ngài mang quý hiền đệ trên đôi vai của Ngài. Cầu xin Thiên Chúa, Đấng khát khao
mong mỏi được nhìn thấy đàn chiên của Ngài được hoàn toàn hiệp nhất, chúc lành
và bảo vệ phái đoàn của Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Đại Kết, cũng như chúc lành và
bảo vệ hiền huynh khả ái – Đức Thượng Phụ Batholomeô -, người đã gửi phái đoàn
trên tới đây như là dấu chỉ của sự hiệp thông Tông Đồ.
Quảng trường
Thánh Phê-rô
Đại Lễ Kính hai
Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ
Thứ Năm ngày 29
tháng 06 năm 2017
ĐTC Phan-xi-cô
Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét