Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư
ngày 31.05.2017
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Vì Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống đang tới gần, nên chúng ta sẽ nói về mối liên hệ giữa niềm hy vọng Ki-tô
giáo và Chúa Thánh Thần. Thần Khí là gió, Đấng thôi thúc chúng ta, Đấng làm cho
chúng ta lên đường, Đấng làm cho chúng ta cảm thấy mình là những người hành
hương và là những người lữ hành, cũng như không cho phép chúng ta được dễ dãi với
mình và trở thành một dân “an cư lạc nghiệp”.
Thư gửi tín hữu Do-thái đã
so sánh niềm hy vọng với một chiếc neo (xc. Dt 6,18-19); và chúng ta có thể bổ
sung hình ảnh cánh buồm vào với hình ảnh chiếc neo này. Nếu như chiếc neo là
cái trao cho chiếc thuyền sự an toàn, và “neo chặt” chiếc thuyền vào trong vùng
biển nổi sóng, thì trái lại, chiếc buồm chính là cái kéo chiếc thuyền và làm
cho chiếc thuyền tiến về phía trước trên mặt nước. Niềm hy vọng giống hệt như một cánh buồm; nó hấng lấy gió
Thánh Thần và biến gió thành sức mạnh thúc đẩy, mà sức mạnh ấy hoặc sẽ đẩy chiếc
thuyền ra khơi trên mặt nước hoặc là tiến vào bờ. Thánh Phao-lô Tông Đồ đã khóa
lại bức thư mà Ngài gửi choc ho các tín hữu Rô-ma với niềm mong muốn sau đây –
xin anh chị em hãy nghe cho rõ, hãy nghe để biết lời cầu chúc này tuyệt vời biết
chừng nào -: “Nguyện xin Thiên Chúa là
nguồn hy vọng, ban cho anh chị em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ Đức
Tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh chị em được tràn trề hy vọng”
(Rm 15,11). Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về nội dung của lời cầu chúc tuyệt vời
này.
Cách diễn tả “Thiên Chúa là nguồn hy vọng” không chỉ
có nghĩa Thiên Chúa là đối tượng của niềm hy vọng chúng ta, tức Đấng mà chúng
ta hy vọng rằng, vào một ngày kia, chúng ta sẽ đến được với Ngài trong cuộc sống
vĩnh cửu. Nó cũng có nghĩa là, giờ đây Thiên Chúa đã làm cho chúng ta hy vọng,
và thậm chí còn làm cho chúng ta “vui mừng
trong hy vọng” (Rm 12,12): giờ đây chúng ta vui mừng để hy vọng, và không
chỉ hy vọng để vui mừng. Nó là niềm vui về niềm hy vọng và không phải là niềm
hy vọng về niềm vui: hôm nay đã là như thế rồi. “Bao lâu còn có sự sống thì bấy lâu còn có niềm hy vọng” – đó là một
câu tục ngữ khá phổ thông. Cũng có thể nói ngược lại rằng: bao lâu còn có niềm
hy vọng thì bấy lâu còn có sự sống. Con người cần tới niềm hy vọng để sống, và
người ta cần tới Chúa Thánh Thần để hy vọng.
Thánh Phao-lô – mà chúng ta
đã nghe – cho rằng Chúa Thánh Thần có khả năng làm cho chúng ta “được tràn trề hy vọng”. Được tràn trề hy
vọng có nghĩa là không bao giờ đánh mất sự can đảm; có nghĩa là vẫn luôn hy vọng
“dù chẳng còn gì để hy vọng” (Rm
4,18), hy vọng ngay cả khi những lý do để hy vọng xét về khía cạnh nhân loại
không còn nữa – như đối với Áp-ra-ham khi Thiên Chúa đòi ông phải sát tế đứa
con duy nhất của ông là Isaac, hay như Đức Maria dưới chân Thập Giá của Chúa
Giê-su. Chúa Thánh Thần sẽ tạo điều kiện cho niềm hy vọng vô địch này, bằng
cách là Ngài ban cho chúng ta chứng tá nội tại rằng, chúng ta là con cái của
Thiên Chúa và là sản nghiệp của Ngài (xc. Rm 8,16). Chẳng lẽ, Đấng đã ban Con Một
duy nhất của Ngài cho chúng ta, lại không ban tất cả cho chúng ta cùng với Người
Con Một đó hay sao? (xc. Rm 8,32). Anh chị em thân mến, “trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ
Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”
(Rm 5,5). Vì thế, niềm hy vọng không cho phép bị lụi tàn, vì Chúa Thánh Thần, Đấng
ở trong chúng ta, sẽ không ngừng thôi thúc chúng ta tiến về phía trước! Và vì
thế, niềm hy vọng không cho phép bị hư vong. Còn nữa: Chúa Thánh Thần không chỉ
làm cho chúng ta có khả năng để hy vọng, nhưng Ngài cũng còn làm cho chúng ta
có khả năng trở thành những người rắc gieo niềm hy vọng, trở nên – giống như
Ngài và nhờ Ngài - “những Paraklet”,
tức những người an ủi và bảo vệ anh chị em, những người rắc gieo niềm hy vọng.
Một Ki-tô hữu vẫn có thể rắc gieo sự cay đắng, rắc gieo mối nghi nan, và đó
không phải là Ki-tô giáo. Ai làm điều đó, người ấy không phải là một Ki-tô hữu
chân chính. Rắc gieo niềm hy vọng có nghĩa là rắc gieo dầu hy vọng, rắc gieo
hương thơm hy vọng, nhưng không rắc deo dấm cay đắng, dấm thất vọng.
Trong một bài giảng của
mình, Chân Phúc Newman Hồng Y đã từng nói với các tín hữu rằng: “Hãy khuyên nhủ nhờ vào sự khổ nhục và nỗi đớn
đau riêng, thậm chí, nhờ cả tới những lỗi lầm của mình, chúng ta đã rèn luyện
tâm trí để sống đức ái đối với những người đang cần tới sự giúp đỡ của chúng
ta. Về phần mình, chúng ta sẽ trở nên những người an ủi theo gương của Đấng An Ủi
đầy quyền năng”, tức là Chúa Thánh Thần, “và trở nên người bào chữa, sự trợ giúp và người giúp đỡ tốt lành trong
tất cả ý nghĩa của từ ngữ. Những lời nói, những lời khuyên, những hành vi, giọng
nói và cái nhìn của chúng ta sẽ trở nên dịu hiền và và đầy tính an ủi vỗ về”
(xin coi: Pfarr- und Volkspredigten, 5. Band, Stuttgart 1953, S. 347-348). Và đặc
biệt là những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề, và những người không
được yêu thương, họ đang cần tới một ai đó có khả năng biến mình thành Paraklet
đối với họ, tức biến mình trở thành người an ủi, người bảo vệ, giống như Chúa
Thánh Thần đã và đang làm điều đó với từng người một trong chúng ta – những người
đang hiện diện tại quảng trường Thánh Phê-rô này, những người an ủi và bảo vệ.
Chúng ta phải thực hiện giống hệt như vậy đối với những người đang gặp cảnh khốn
cùng, những người bị loại trừ, và đối với những người đang ở trong hoàn cảnh
túng quẫn, cũng như đối với những người đang phải khổ đau nhất. Hãy trở nên những
người bảo vệ và ủi an họ!
Chúa Thánh Thần không chỉ
nuôi dưỡng niềm hy vọng trong con tim nhân loại, nhưng cũng còn nuôi dưỡng nó
trong toàn bộ vũ trụ. Thánh Phao-lô Tông Đồ nói rằng – điều đó có vẻ như là một
cái gì đó kỳ cục, nhưng thực là như vậy -, ngay cả thế giới thụ tạo cũng “khát khao” mong chờ được giải thoát, “cũng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở”
(xc. Rm 8,19-22). “Sức mạnh mà nó ở trong
tình trạng làm cho thế giới được chuyển động, không phải là sức mạnh vô danh và
mù quáng, nhưng nó là hoạt động của ´Thần Khí Thiên Chúa`, Đấng ´bay lượn trên
mặt nước` ngay từ lúc khai nguyên công trình tạo dựng (xc. St 1,2)” (ĐTC
Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài Giảng Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 31.05.2009). Điều
đó cũng thúc giục chúng ta kính trọng thiên nhiên: người ta không thể bôi bẩn một
bức họa mà không xúc phạm tới họa sĩ, người đã vẽ ra bức họa đó.
Anh chị em thân mến, ước chi
Đại Lễ Chúa Thánh Thần sắp tới, tức ngày sinh nhật của Giáo hội, sẽ giúp chúng
ta trở nên đồng tâm nhất trí trong lời cầu nguyện cùng với Đức Maria, Thân Mẫu
của Chúa Giê-su và là Mẹ của chúng ta. Và ước chi ơn Chúa Thánh Thần sẽ làm cho
chúng ta được tràn trề hy vọng. Và Cha xin nói với anh chị em một lần nữa: ước
gì ơn Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta biết sử dụng niềm hy vọng một cách
hào phóng cho tất cả những ai túng thiếu nghèo hèn, những ai đang bị loại trừ
và những ai đang lâm cảnh khốn cùng. Xin cám ơn anh chị em.
Quảng trường
Thánh Phê-rô
Sáng thứ Tư ngày
31 tháng 05 năm 2017
ĐTC Phan-xi-cô
Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét