Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 07.06.2017: Lời Kinh của Chúa Giê-su

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 07.06.2017: Lời Kinh của Chúa Giê-su

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Có một điều gì đó rất lôi cuốn trong sự cầu nguyện của Chúa Giê-su. Nó lôi cuốn đến độ một ngày kia, các môn đệ của Ngài đã xin được dẫn vào trong sự cầu nguyện ấy. Sự kiện này đã diễn ra trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, mà trong số các tác giả Tin Mừng, Ngài là người trình bày nhiều nhất về mầu nhiệm Chúa Giê-su „cầu nguyện“. Các môn đệ của Chúa Giê-su được gây ấn tượng bởi thực tế rằng, Ngài thường lui vào trong nơi thanh vắng, đặc biệt là mỗi buổi sáng sớm và mỗi lúc chiều tối, và „đắm chìm“ trong sự cầu nguyện. Vì thế, một ngày kia, họ đã xin Ngài dậy cho họ biết cầu nguyện (xc. Lc 11,1).

Ở điểm này, Chúa Giê-su đã chuyển giao cho các mô đệ một lời Kinh mà nó hoàn toàn trở thành lời Kinh của Ki-tô giáo: Kinh „Lạy Cha“. Thực tế thì, trong sự so sánh với Thánh Mát-thêu, Thánh Lu-ca đã chuyển giao cho chúng ta lời Kinh của Chúa Giê-su trong hình thức tóm gọn mà nó bắt đầu với lời thưa đơn sơ: „Lạy Cha“ (c. 2). Toàn bộ mầu nhiệm cầu nguyện của Ki-tô giáo được tóm gọn ở đó, trong lời đó: can đảm gọi Thiên Chúa là „Cha“. Phụng Vụ cũng xác nhận điều đó khi mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện bằng lời Kinh của Chúa Giê-su, và ở đây sử dụng cách diễn tả: „Chúng ta dám nguyện rằng“. Vì việc gọi Thiên Chúa là „Cha“ tuyệt đối không phải là điều hiển nhiên. Chúng ta có xu hướng sử dụng các tước hiệu trang trọng mà những tước hiệu ấy có vẻ như hoàn toàn đáng kính đối với chúng ta khi tận mắt chứng kiến sự siêu việt của Ngài. Trái lại, việc gọi Ngài là „Cha“ đặt chúng ta vào trong một mối tương quan đầy tin tưởng đối với Ngài, như một người con hướng nhìn về Cha của mình và biết rằng mình đang được Cha yêu thương bảo vệ. Đó là một cuộc đại cách mạng mà Ki-tô giáo đã khắc sâu vào trong tâm lý tôn giáo của con người. Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa, tức mầu nhiệm thường xuyên lôi cuốn chúng ta và làm cho chúng ta thấy mình bé nhỏ, không gây nên sự sợ hãi, không áp chế chúng ta, và không gây hoang mang cho chúng ta. Cuộc cách mạng này để cho mình bị đón nhận một cách nặng nhọc vào trong con tim nhân loại của chúng ta; thậm chí trong những bài tường thuật về sự phục sinh còn có chuyện, một số phụ nữ đã chạy trốn sau khi họ thấy ngôi mộ trống và các Thiên Thần, vì các bà „run lẩy bẩy và hết hồn hết vía“ (Mc 16,8). Nhưng Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa Cha là Đấng tốt lành, và Ngài nói với chúng ta: „Đừng sợ!

Chúng ta hãy nghĩ tới dụ ngôn người Cha nhân hậu (xc. Lc 15,11-32). Chúa Giê-su đã kể về một người Cha chỉ biết yêu thương đối với những đứa con của mình: đó là một người Cha đã không trừng phạt người con vì sự kiêu ngạo của nó, nhưng thậm chí còn có khả năng ủy thác cho đứa con phần gia tài thừa kế của nó và cho phép nó được rời khỏi nhà. Thiên Chúa là Cha – Chúa Giê-su nói -, nhưng không theo cách thức của con người, vì trên thế gian này không có bất cứ người cha nào có cách cư xử giống như nhân vật người Cha trong dụ ngôn ấy. Thiên Chúa là Cha theo cách của Ngài: tốt lành nhưng bất lực trước ý muốn tự do của con người, duy nhất và chỉ trong tình trạng sẵn sàng chia động từ „yêu“.

Cuối cùng, khi đứa con nổi loạn trở về nhà Cha, sau khi nó đã phung phí tất cả, người Cha đã không sử dụng các tiêu chuẩn theo lẽ công bằng của con người, nhưng trước tiên, cảm thấy cần phải tha thứ. Và với cái ôm của mình, người Cha đã làm cho đứa con hiểu được rằng, ông đã vô cùng nhớ nó trong suốt thời gian nó vắng nhà, cũng như làm cho nó hiểu rằng, tình yêu hiền phụ của ông đã vô cùng đau khổ trong nỗi nhớ nhung dành cho nó. Còn mầu nhiệm nào thẳm sâu cho bằng mầu nhiệm về một Thiên Chúa, Đấng nâng niu một Tình Yêu như thế đối với con cái của mình! Có lẽ vì lý do này mà Thánh Phao-lô Tông Đồ đã không muốn dịch một từ mà trong tiếng A-ram, Chúa Giê-su đã nói ra là „Abba“, sang tiếng Hy-lạp, khi Thánh Nhân nhắc nhớ tới trung tâm điểm của mầu nhiệm Ki-tô giáo. Trong các lá thư của mình, Thánh Phao-lô đã hai lần đụng chạm tới đề tài này (xc. Rm 8,15; Gal 4,6), và cả hai lần Ngài đều không dịch từ ấy, nhưng để nguyên nó trong hình thức mà nó đã xuất hiện trên môi miệng của Chúa Giê-su: „Abba“ – một từ ngữ đầy thân mật. Một số người đã dịch từ này thành „Lạy Cha, thưa Cha, hay Bố ơi“.

Anh chị em thân mến, chúng ta không hề đơn độc. Có thể chúng ta đang ở xa, đang mang thái độ thù nghịch, đang tự nhận mình là những kẻ „vô thần“. Nhưng Tin Mừng của Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa không thể hiện hữu mà không có chúng ta: Ngài sẽ không bao giờ là một Thiên Chúa „vô nhân“; Ngài không thể hiện hữu mà không có chúng ta, và đó là một đại mầu nhiệm! Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa nếu không có con người: Đó là một đại mầu nhiệm! Và niềm xác tín ấy chính là nguồn hy vọng của chúng ta mà chúng ta thấy nó được duy trì trong tất cả mọi lời cầu của Kinh Lạy Cha. Khi chúng ta cần sự giúp đỡ, thì Chúa Giê-su sẽ không nói rằng, chúng ta nên cam chịu hay nên tự nhốt mình lại trong chính mình, nhưng Ngài nói rằng, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa Cha và hãy khẩn cầu cùng Ngài với trọn niềm tín thác. Tất cả mọi nhu cầu của chúng ta, từ những điều rất hiển nhiên và diễn ra hằng ngày – như lương thực, sức khỏe và công ăn việc làm – tới nhu cầu được tha thứ, cũng như nhu cầu được bảo vệ trong những cơn cám dỗ, đều không phải là sự phản chiếu về nỗi cô đơn của chúng ta: đúng hơn, có một người Cha, Đấng luôn nhìn ngắm chúng ta bằng Tình Yêu, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Giờ đây Cha đề nghị anh chị em một điều: mỗi người trong chúng ta đều có rất nhiều những vấn đề và những nhu cầu. Chúng ta hãy thinh lặng để nhớ tới những điều đó, nhớ tới những vấn đề và những nhu cầu của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nhớ tới Thiên Chúa Cha, Cha của chúng ta, Đấng không thể hiện hữu mà không có chúng ta, và Ngài đang nhìn ngắm chúng ta trong phút giây này. Rồi với tất cả niềm tín thác và niềm hy vọng, tất cả chúng ta hãy cùng cầu nguyện: „Lạy Cha chúng con ở trên trời..“ Xin cám ơn anh chị em!

Quảng trường Thánh Phê-rô
Sáng thứ Tư ngày mồng 07 tháng 06 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét