Bài Giáo Lý của
ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, 28.06.2017: Niềm Hy Vọng Ki-tô giáo
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Hôm
nay chúng ta sẽ suy tư về niềm hy vọng Ki-tô giáo với tư cách là sức mạnh của
các vị Tử Đạo. Trong Tin Mừng, khi Chúa Giê-su sai các môn đệ đi, thì Ngài đã không
lừa dối các ông với sự lừa gạt về một sự thành công dễ dàng. Trái lại, Ngài nghiêm
khắc cảnh báo các ông rằng, việc công bố Triều Đại Thiên Chúa luôn luôn mang
theo mình những chống đối. Và Ngài cũng sử dụng một cách diễn tả vô cùng ấn tượng:
„Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù
ghét“ - bị thù ghét (Mt 10,22). Các
Ki-tô hữu yêu thương, nhưng họ không luôn luôn được yêu thương. Ngay từ đầu,
Chúa Giê-su đã đặt trước mắt chúng ta thực tại này: Trong mức độ mạnh mẽ nhiều
hay ít, việc tuyên xưng Đức Tin luôn diễn ra trong một bầu khí thù địch.
Vì
thế, các Ki-tô hữu chính là những người nam và những người nữ „bơi ngược dòng“. Đó là điều bình thường:
vì thế giới bị ghi đậm dấu ấn bởi tội lỗi, và tội lỗi ấy biểu lộ trong nhiều
hình thức khác nhau của sự ích kỷ và bất công, nên người nào đi theo Chúa
Ki-tô, người ấy sẽ luôn đi theo hướng ngược chiều. Không phải vì tinh thần luận
chiến, nhưng vì niềm trung tín đối với lô-gích của Triều Đại Thiên Chúa, tức
lô-gích của niềm hy vọng, và được vận dụng trong một lối sống mà nó đặt nền
móng trên các mối phúc của Chúa Giê-su.
Và
mối phúc thứ nhất chính là sự khó nghèo. Khi Chúa Giê-su sai các môn đệ đi, có
vẻ như Ngài đã chú trọng tới việc họ bị „tước
đoạt – bị lột quần áo“ hơn là tới việc
họ được „chu cấp – được mặc áo quần cho“!
Trong thực tế, người Ki-tô hữu nào không sống khiêm nhượng và khó nghèo, không
thanh thoát trước sự giầu sang và quyền lực, và đặc biệt là thanh thoát khỏi
chính mình, thì người ấy sẽ không giống Chúa Giê-su. Người Ki-tô hữu đi con đường
của họ trên thế giới này với cái mà nó là điều căn bản đối với con đường, nhưng
với con tim tràn đầy Tình Yêu. Sự thất bại thực sự đối với một nam Ki-tô hữu
hay đối với một nữ Ki-tô hữu hệ tại ở chỗ rơi vào cơn cám dỗ của sự trả thù và
bạo lực, cũng như báo đáp sự ác bằng sự ác. Chúa Giê-su nói với chúng ta: „Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy
sói“ (Mt 10,16) – đừng nhe răng hăm dọa ai, đừng mang túi, mang bị, đừng bấu
bám vào bất cứ điều gì, và đừng mang theo vũ khí. Đúng hơn, người Ki-tô hữu phải
khôn ngoan, và đôi khi còn phải tinh ranh nữa. Những điều đó chính là các nhân
đức mà chúng được chấp nhận bởi lô-gích của Tin Mừng. Nhưng không bao giờ là bạo
lực. Để thắng vượt sự ác, người ta không thể sử dụng các phương pháp của sự ác.
Sức mạnh duy nhất của người Ki-tô hữu chính là Tin Mừng.
Trong
những thời điểm khó khăn, người ta phải tin rằng, Chúa Giê-su luôn đi trước
chúng ta và không bao giờ thôi đồng hành với các môn đệ. Sự bách hại không phải
là sự đối kháng đối với Tin Mừng, nhưng là thành phần của công cuộc loan báo
Tin Mừng: Nếu như người ta đã bách hại Thầy của chúng ta, thì rồi chúng ta có
dám hy vọng rằng, chúng ta sẽ tránh được điều đó hay không? Nhưng trong vòng
xoáy của các biến cố, người Ki-tô hữu không được đánh mất niềm hy vọng và nghĩ
rằng, họ bị bỏ rơi. Chúa Giê-su đã trấn an các môn đệ khi Ngài nói với họ: „Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu
anh em, Người cũng đếm cả rồi“ (Mt 10,30). Điều đó có nghĩa là, không có bất
cứ nỗi khổ đau nào của con người, dù là nhỏ bé đến mấy đi nữa, có thể bị che giấu
trước cặp mắt của Thiên Chúa.
Thiên
Chúa thấy, và tất nhiên, Ngài bảo vệ; và Ngài sẽ ban tặng ơn cứu độ của Ngài.
Vì ở giữa chúng ta luôn có một Đấng mạnh mẽ hơn sự ác, mạnh mẽ hơn bất cứ liên
minh tội ác và bất cứ thế lực đen tối nào, mạnh mẽ hơn tất cả những kẻ kiếm được
lợi nhuận từ những con người tuyệt vọng, mạnh mẽ hơn tất cả những kẻ áp bức người
khác với sự cao ngạo… Một Đấng đã luôn nghe thấy tiếng kêu của máu Abel mà nó
thét lên từ mặt đất. Vì thế, các Ki-tô hữu phải đứng về „phía bên kia“ của thế giới, phải đứng về phía mà Thiên Chúa đã chọn:
không phải kẻ bách hại, nhưng là người bị bách hại; không phải kẻ cao ngạo,
nhưng là những con người dịu hiền; không phải những kẻ khoe khoang, nhưng là những
người được khuất phục bởi chân lý; không phải những kẻ dối gian, nhưng là những
con người chân thực.
Niềm
trung tín với phong cách ấy của Chúa Giê-su, Đấng chính là phong cách của niềm
hy vọng, cho tới chết, đã được mô tả bởi những Ki-tô hữu tiên khởi với một danh
xưng tuyệt vời: „Tử Đạo“. Điều đó có nghĩa là „Chứng Tá“. Có nhiều khả
năng khác được giới thiệu bởi một bảng danh mục các từ ngữ: Người ta có thể gọi
là anh hùng, sự quên mình, hay hy sinh bản thân. Nhưng các Ki-tô hữu tiên khởi
đã mô tả nó với một danh xưng mà nó toát lên Tông Đồ tính. Các vị Tử Đạo không
sống cho chính mình, họ không chiến đấu để bảo vệ những ý tưởng riêng, và họ nhận
lấy cái chết về cho mình chỉ vì niềm trung tín với Tin Mừng.
Tử
Đạo cũng không phải là ý tưởng cao nhất của đời sống Ki-tô giáo, vì Đức Mến còn
đứng trên cả sự Tử Đạo: Đức Mến đối với Thiên Chúa và Đức Ái đối với tha nhân.
Thánh Phao-lô Tông Đồ đã nói rất tuyệt vời về điều đó trong bài ca Bác Ái: „Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà
bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì
cũng chẳng ích gì cho tôi“ (2Cor 13,3). Các Ki-tô hữu ghê tởm trước quan điểm
cho rằng, những kẻ tự sát có thể được mô tả là „những vị Tử Đạo“: trong cách thức kết liễu cuộc đời mình của họ
không có bất cứ điều gì mà nó tương hợp với cách hành xử của con cái Thiên
Chúa, dù chỉ là ươm ướm. Đôi khi, nếu chúng ta đọc lịch sử các vị Tử Đạo, của cả
ngày hôm qua lẫn hôm nay – những vị Tử Đạo trong thời đại ngày nay còn nhiều
hơn gấp bội các vị Tử Đạo của thời kỳ đầu -, thì chúng ta sẽ rất ngạc nhiên trước
lòng can đảm mà với nó, các Ngài đã đón nhận về cho mình những thử thách. Lòng
can đảm ấy chính là dấu chỉ của niềm hy vọng lớn lao mà nó đem lại sinh khí cho
các Ngài: niềm hy vọng chắc chắn rằng, không có bất cứ điều gì, cũng như không
có bất cứ ai có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa được ban cho
chúng ta trong Chúa Ki-tô (xc. Rm 8,38-39).
Ước
gì Thiên Chúa luôn ban sức mạnh cho chúng ta để chúng ta trở nên các chứng nhân
của Ngài. Ước chi Ngài giúp chúng ta biết sống niềm hy vọng Ki-tô giáo, đặc biệt
là trong sự Tử Đạo âm thầm, bằng cách là chúng ta chu toàn thật tốt những bổn
phận hằng ngày của chúng ta, cũng như thực thi các bổn phận đó với Đức Mến. Xin
cám ơn anh chị em.
Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 28 tháng 06 năm 2017
ĐTC Phan-xi-cô
Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét