Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung, trưa CN 30.07.2017: Hai đặc điểm liên hệ tới việc sở hữu Nước Thiên Chúa: Tìm Kiếm và Hy Sinh

Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung, trưa CN 30.07.2017: Hai đặc điểm liên hệ tới việc sở hữu Nước Thiên Chúa: Tìm Kiếm và Hy Sinh

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Những dụ ngôn của Chúa Giê-su, cụ thể là 7 dụ ngôn trong chương 13 của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, được kết thúc với ba hình ảnh hôm nay: với hình ảnh về kho tàng được chôn giấu (Mt 13,44), về viên ngọc quý báu (Mt 13,45-46) và về chiếc lưới cá (Mt 13,47-48).

Hôm nay Cha muốn đề cập tới hai hình ảnh đầu tiên: chúng nhấn mạnh tới sự quyết định của hai nhân vật chính trong việc bán đi tất cả để tậu cho được cái mà họ vừa khám phá ra. Trong trường hợp thứ nhất thì đó là một nông dân, ông tình cờ khám phá ra một kho tàng đang được chôn giấu trong thửa ruộng nơi ông làm việc. Vì thửa ruộng đó không phải là của ông, nên ông phải mua nó nếu ông muốn sở hữu được kho tàng đang ở trong đó: vì thế ông quyết định đánh liều với toàn bộ gia tài của mình để không bỏ lỡ cơ hội thực sự đặc biệt này. Trong trường hợp thứ hai thì chúng ta thấy một thương gia chuyên buôn bán vàng bạc đá quý. Với tư cách là một chuyên viên đầy kinh nghiệm, ông đã phát hiện ra một viên ngọc đặc biệt quý giá. Ông cũng quyết định đặt cược tất cả vào viên ngọc ấy, và do đó, ông phải bán đi tất cả những gì ông đang có. Hai dụ ngôn này nhấn mạnh tới hai đặc điểm liên hệ tới việc sở hữu Nước Thiên Chúa: Tìm kiếm và hy sinh. Thực ra, Nước Thiên Chúa được giới thiệu cho tất cả mọi người – nó là một ân sủng, một quà tặng, một ân ban -, nhưng nó không được bày biện trên một chiếc khay bằng bạc, nó đòi hỏi một sự chuyển động: có nghĩa là tìm kiếm, là ra đi, là dấn thân. Thái độ tìm kiếm chính là điều kiện căn bản cho việc tìm thấy. Việc con tim cháy bỏng trước nỗi khát mong có được một gia tài quý giá, tức Nước Thiên Chúa đang hiện diện trong ngôi vị của Chúa Giê-su, đó là điều cần thiết. Ngài chính là sự khám phá căn bản mà nó có thể trao cho cuộc sống chúng ta một bước ngoặc có tính quyết định, bằng cách là nó làm cho cuộc sống chúng ta trở nên có ý nghĩa.

Khi tận mắt chứng kiến sự khám phá ngoài sức mong đợi ấy, cả người nông dân lẫn viên thương gia đều ý thức rằng, họ đang đứng trước một cơ hội có một không hai, và họ không được phép để cho cơ hội này bị trôi đi mất. Vì thế, họ đã bán đi tất cả những gì họ đang có. Sự nhận biết về giá trị vô biên của kho tàng ấy đã dẫn tới một quyết định mà nó bao hàm cả sự hy sinh lẫn những chia cắt và khước từ. Khi người ta đã khám phá ra kho tàng hay viên ngọc quý – tức là khi chúng ta đã tìm thấy được Thiên Chúa -, thì người ta không được phép để cho sự khám này trở nên khô cằn và vô sinh, nhưng phải hy sinh tất cả những thứ khác. Vấn đề không phải là khinh thường những thứ khác, nhưng là đặt chúng ở bên dưới Chúa Giê-su, và đặt Ngài vào vị trí đầu tiên; ân sủng ở vị trí đầu tiên. Người môn đệ của Chúa Giê-su không phải là một người đã khước từ một cái gì đó chính yếu. Người môn đệ của Chúa Giê-su chính là người đã tìm thấy rất nhiều: người ấy đã thấy được niềm vui trong sự viên mãn mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Đó là niềm vui tương ứng với Tin Mừng của những bệnh nhân được chữa lành, đó là niềm vui của các tội nhân được tha thứ, và đó là niềm vui của người Trộm Lành mà cổng Thiên Đàng được mở ra cho anh.

Niềm vui Tin Mừng sẽ lấp đầy con tim và toàn bộ đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giê-su. Đó là những người để cho Ngài cứu vớt bản thân mình, họ được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, khỏi những nỗi sầu buồn, khỏi sự trống rỗng nội tâm, và khỏi cảnh cô độc. Với Chúa Giê-su, niềm vui luôn luôn đến – và luôn luôn tái diễn (xc. Evangelii gaudium, 1). Hôm nay chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngưỡng niềm vui của người nông dân và của viên thương gia trong hai dụ ngôn. Đó chính là niềm vui của bất cứ người nào trong chúng ta khi chúng ta khám phá ra sự gần gũi và sự hiện diện đầy an ủi của Chúa Giê-su trong cuộc đời chúng ta: đó là một sự hiện diện có khả năng biến đổi con tim, và làm cho chúng ta mở ra trước những nhu cầu và những mong chờ của những người anh chị em, đặc biệt là của những người yếu nhược nhất trong họ.

Nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong chúng ta để ai nấy đều có thể hiểu được việc làm chứng thông qua những lời nói và những cử chỉ của cuộc sống hằng ngày, cho niềm vui trước việc tìm thấy kho tàng của Nước Thiên Chúa, tức Tình Yêu mà Chúa Cha đã ban tặng cho chúng ta thông qua Chúa Giê-su.

Quảng trường Thánh Phê-rô
Trưa Chúa Nhật ngày 30 tháng 07 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét