Sẽ không có
Thánh Giá nếu không có Chúa Ki-tô, và cũng sẽ không có Chúa Ki-tô nếu không có
Thánh Giá
– Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 14.09.2017
Những ngày nghỉ Hè đã kết thúc, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô lại tái cử hành các Thánh Lễ vào mỗi buổi sáng sớm ngày thường. Trong Thánh Lễ được cử hành vào sáng thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha đã giảng về việc tôn kính Thánh Giá, bởi trong ngày này Giáo hội Công giáo cử hành Đại Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Ngài đã cảnh báo trước hai cơn cám dỗ thiêng liêng: việc hình dung ra một Chúa Ki-tô mà không có Thánh Giá, hay một Thánh Giá mà không có Chúa Ki-tô, đó là điều không thể chấp nhận. Trong trường hợp thứ nhất, nó biến Chúa Ki-tô thành một „bậc thầy thiêng liêng“ thuần túy. Và trong trường hợp thứ hai, hầu như nó biến đời sống Ki-tô giáo thành một „chứng thống dâm về mặt tinh thần“ mà không hề có niềm tin vào ơn cứu độ - Đức Thánh Cha giải thích.
Một
trong những mảng suy tư chính của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ hôm nay chính là
„Mầu nhiệm Tình Yêu“, và thực ra, đó
là Tình Yêu phát xuất từ Thập Giá. Khởi đi từ các Bài Đọc, đặc biệt là bài Tin
Mừng (Ga 3,13-17), Đức Thánh Cha đã trình bày về ý nghĩa của Thánh Giá. Trong
Phụng Vụ, Thánh Giá được mô tả là một cây „cao
quý và tín trung“. Nhưng không luôn luôn có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa
đó – Đức Thánh Cha quả quyết. Chỉ trong cầu nguyện người ta mới có thể đi tới tận
đáy của „Mầu nhiệm Tình Yêu“ này – Đức
Thánh Cha bổ sung. Như được trình bày trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, để nói
với Ni-cô-đê-mô, Chúa Giê-su đã sử dụng hai động từ mà đối với Đức Thánh Cha,
nó rất quan trọng: đi lên và đi xuống. Chúa Giê-su đã từ Trời mà xuống để làm
cho con người có khả năng lên Trời – Đức Thánh Cha tóm tắt những suy tư của
Ngài.
Trong
Bài Đọc I được trích từ thư của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Philipphê (Pl
2,6-11), Thánh Phao-lô đã diễn tả về điều đó bằng những lời sau đây: Chúa
Giê-su „đã hạ mình xuống“ và „trút bỏ vinh quang“; Ngài đã vâng lời
Thiên Chúa cho tới chết trên Thập Giá.
„Đó là sự đi xuống của Chúa Giê-su: đi xuống
tới chỗ chịu sỉ nhục. Vì Tình Yêu, Ngài đã từ bỏ chính mình, và vì thế, Thiên
Chúa đã tôn vinh Ngài và cho Ngài được đi lên. Chỉ khi chúng ta vượt qua được
điều đó để hiểu cho được sự đi xuống cho đến tận cùng này, thì rồi chúng ta mới
có thể hiểu được ơn cứu độ mà chúng ta nhận lãnh từ mầu nhiệm Tình Yêu ấy.“
Tất
cả những điều đó đều không đơn giản – Đức Thánh Cha giải thích -, vì những cơn
cám dỗ có thể dẫn tới chỗ làm cho người ta không muốn nhìn vào tất cả những điều
đó, hay chỉ nhìn vào một nửa sự thật. Đức Thánh Cha lại viện dẫn Thánh Phao-lô,
người đã nói „một lời rất rõ ràng với các
Tín hữu Galata“, khi họ nhân nhượng trước cơn cám dỗ „không bước vào trong mầu nhiệm Tình Yêu, nhưng chỉ giải thích về nó.“
Giống như con rắn đã cám dỗ bà E-và và đã tiêm nọc độc cho người Israel trong
sa mạc, thì nó cũng khiến các tín hữu Galata ảo tưởng rằng, có thể có Chúa
Ki-tô mà không có Thánh Giá, hay có thể có một Thánh Giá mà không có Chúa
Ki-tô. Nhưng một Chúa Ki-tô mà không có Thánh Giá thì chỉ giống như một „bậc thầy về đời sống thiêng liêng“, tức người
làm cho bạn có được một chút an bình bên ngoài, nhưng…
„Một Đấng Ki-tô mà không có Thánh Giá thì
không phải là Chúa: đó chỉ là một bậc thầy, và không hơn. Có lẽ đó là điều mà
Ni-cô-đê-mô đã tìm kiếm mà không hề ý thức. Và đó là một trong những cơn cám dỗ.
Vâng, thực ra, Chúa Ki-tô là một vị thầy tuyệt vời, nhưng nếu không có Thánh
Giá, thì đơn giản Ngài chỉ là một thầy Giê-su. Ai quyến rũ anh chị em với hình ảnh
đó? Thánh Phao-lô Tông Đồ đã tỏ cơn thịnh nộ khi người ta nói với Ngài về Chúa
Giê-su Ki-tô, nhưng không phải Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Cơn cám dỗ kia là cơn
cám dỗ về một Thập Giá không có Chúa Ki-tô. Đó là sự sợ hãi trước việc bị chìm
sâu, trước nỗi cô đơn và trước việc bị nghiền nát bởi tội lỗi, cũng như trước nỗi
tuyệt vọng. Điều đó trông có vẻ giống với sự thống dâm về tinh thần hơn: chỉ có
Thập Giá nhưng không có niềm hy vọng và cũng chẳng có Chúa Ki-tô.“
Nhưng
một Thập Giá mà không có Chúa Ki-tô sẽ trở thành mâu thuẫn với mầu nhiệm Tình
Yêu, sẽ trở thành „một mầu nhiệm bi ai,
giống hệt như trong một vở bi kịch của dân ngoại, như người ta biết về nó vào
thời Trung Cổ“ – Đức Thánh Cha bổ sung.
„Tuy nhiên, Thánh Giá là một mầu nhiệm Tình
Yêu, Thánh Giá luôn tín trung và cao quý. Hôm nay chúng ta nên dành ra một chút
thời gian cho những câu hỏi: Đối với tôi, Chúa Ki-tô bị đóng đinh có thực sự là
một mầu nhiệm Tình Yêu hay không? Có phải tôi đang bước đi theo một Chúa Giê-su
mà không có Thánh Giá, Ngài chỉ đơn thuần là một bậc thầy về đời sống thiêng
liêng, chỉ đơn giản là làm cho tôi được an lòng và đưa cho tôi những lời khuyên
tốt đẹp hay không? Hay tôi đang bước đi theo một Thập Giá mà không có Chúa
Giê-su, bằng cách là tôi luôn luôn than phiền và trở thành một kẻ thống dâm về
tinh thần? Tôi có để cho mình được dẫn dắt bởi mầu nhiệm của sự hạ mình xuống
mà nó đòi hỏi phải từ bỏ tất cả và đồng thời cho phép mình đi lên cùng Thiên
Chúa hay không?“
Đức
Thánh Cha đã khép lại bài giảng của Ngài với một lời cầu chúc: „Ước gì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những
điều tốt lành – có thể là có, hoặc cũng có thể là không hiểu về mầu nhiệm Tình
Yêu -, nhưng ít ra cũng chấp nhận bước vào trong mầu nhiệm đó… và rồi, với con
tim, với lý trí, với thân thể - với tất cả -, chúng ta sẽ hiểu được ít là một phận
về mầu nhiệm này.“
(theo
de.rv 14.09.2017 mg)
Đam Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét