Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Cuộc Họp Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu Ngày 30/01/2024

 Cuộc Họp Tại Giáo Xứ Thánh Mẫu Ngày 30/01/2024

Vào lúc 15g30 ngày 30 tháng 01 năm 2024 vừa qua, Giáo xứ Thánh Mẫu đã tổ chức một phiên họp khoáng đại nhằm tổng kết những công việc đã thực hiện trong năm vừa qua cũng như lên kế hoạch cho những công việc của năm tới.

Cuộc họp trên do chính Cha Xứ Đa-minh Trần Văn Tường chủ tọa. Số người tham dự phiên họp không được đông mấy, chỉ khoảng hơn một chục người thôi, có lẽ vì Ban tổ chức gửi lời mời họp quá gấp, và phiên họp lại diễn ra trong giờ hành chánh của ngày thường, nên nhiều người không thể thu xếp công việc và thời gian để đến tham dự cuộc họp được.

Sau đây là nội dung và diễn biến của cuộc họp.

Thời gian: 15g30 -17g10, ngày 30 tháng 01 năm 2024

Địa điểm: Hội trường Trung tâm Mục vụ của Giáo xứ.

Thành phần tham dự: Cha Xứ, Ban Thường vụ, Ông nguyên Chánh Trương Tuyên, Ông nguyên Chánh Trương Thơ, Ông nguyên Phó Chánh Trương Hiệp, Ông Trương Vượng, Ông Trương Điện, Ông nguyên Trương Hinh, Cụ Trưởng Mão và một hai vị ngồi vòng ngoài (bên ngoài Hội trường Trung tâm Mục vụ).

Diễn biến cuộc họp

Như thường lệ, trước khi bước vào cuộc họp, Hội nghị đã hát Kinh cầu xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tiếp đến là phần cầu nguyện của Cha Xứ (nhưng Ngài cầu nguyện theo kiểu tự phát): Ngài tạ ơn Chúa về những điều “tích cực đẹp lòng Chúa”, và cũng không quên cầu xin Chúa ban ơn giúp kiện toàn những gì còn thiếu sót, chưa đẹp lòng Chúa trong năm vừa qua, để năm mới được tốt đẹp hơn, hầu xây dựng cộng đoàn Giáo xứ trong tình bác ái, cũng như để Giáo xứ trở thành một gia đình đức tin, có Chúa ngự trị, có Chúa hướng dẫn trong mọi công việc, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ La-vang.

Sau lời cầu nguyện khai mạc cuộc họp, Cha xứ đã đề cập đến mục đích của cuộc họp hôm nay, đó là tổng kết lại những công việc của Giáo xứ trong năm vừa qua, xem lại những gì đã đạt được, và những gì còn tồn đọng. Ngài nói rằng, Ngài về với Giáo xứ đến nay đã được hơn bốn tháng, và đây là lần thứ hai Ngài tham dự cuộc họp của Giáo xứ. Cuộc họp này quan trọng hơn cuộc họp lần trước (cuộc họp đó chủ yếu bàn về việc sửa lại sân cuối Nhà thờ). Ngoài ra Cha xứ cũng lưu ý đến các thành viên tham gia hội nghị rằng: “tất cả những tâm tình góp ý xây dựng, chúng ta theo hướng của Giáo hội, đó là góp ý trong tinh thần bác ái, lắng nghe và đối thoại…” và Ngài nói thêm rằng: “mỗi một buổi họp cũng là một giờ cầu nguyện…”.

Tiếp đến, ông Chánh Nhượng nêu nghị trình cuộc họp hôm nay:

1.     Tổng kết những công việc của Giáo xứ trong năm vừa qua.

2.     Báo cáo tài chính (thu chi).

3.     Dự kiến công việc của Giáo xứ trong năm mới.

4.     Kiện toàn một số công việc trong các đám tang và các Thánh Lễ được cử hành ngoại lịch.

Về tổng kết những công việc trong năm qua, ông Chánh Nhượng cho biết, năm vừa qua Giáo xứ có những công việc lớn như sau: Tiễn đưa Cha Giu-se Lê Văn Sở đi nhận nhiệm sở mới sau sáu năm Ngài coi sóc Giáo xứ; Đón Cha tân Chánh Xứ Đa-Minh Trần Văn Tường về Giáo xứ (đến nay đã được gần năm tháng); và tổ chức các Thánh Lễ quan trọng của Giáo xứ: Lễ Quan Thầy Đức Mẹ La-vang, Lễ Giáng sinh và Lễ Tuần Chầu.

Về báo cáo tài chính thì có ba phần như sau:

-         Thu chi hàng năm bằng tiền mặt:

+ Năm 2021: Thu: 171.443.000VNĐ  - Chi: 145.731.000VNĐ

+ Năm 2022: Thu: 275.731.000VNĐ  - Chi: 239.685.000VNĐ

+ Năm 2022: Thu: 291.563.000VNĐ  - Chi: 235.504.000VNĐ

Tổng thu (2021-2023): 738.737.000VNĐ - Tổng chi: 620.920.000 VNĐ

Tổng dư: 117.817.000VNĐ

 

-         Nhận Dâng cúng bằng hiện vật quy ra tiền mặt:

Giáo xứ đã nhận được rất nhiều hiện vật, gồm tượng, tòa, thánh giá, và câu đối v.v.

+ Năm 2021: 151.000.000VND (giá trị hiện vật được quy đổi thành tiền)

+ Năm 2022: 316.000.000VND (giá trị hiện vật được quy đổi thành tiền)

+ Năm 2023:   35.200.000VND (giá trị hiện vật được quy đổi thành tiền)

Tổng giá trị dâng cúng bằng hiện vật (2021-2023) quy ra tiền là: 502.200.000 VNĐ

 

-         Thu chi cho việc xây dựng kiến thiết:

+ Tổng thu (2021-2023): 3.624.101.000VND.

+ Tổng chi: 3.162.730.000VND [Những mục chi chính: mua đất của ông bà Nghinh, sơn sửa lại mặt tường ngoài của Nhà thờ, làm lại sân cuối của Nhà thờ, trả nợ, trả lãi tiền vay (khoản Giáo xứ vay 620.000.000VNĐ để trả tiền mua đất của ông bà Nghinh) v.v.]

+ Tổng dư: 461.371.000VNĐ và 02 chỉ vàng (trong đó có khoản của Cụ Trưởng Qũy dâng cũng làm Đàng Thánh giá (200.000.000VNĐ) (sau đó ông Ký Lý cho biết rằng, Cụ Trưởng Qũy dâng cúng vào việc xây nhà mục vụ của Giáo xứ) và của Bà Ràng dâng cúng làm tòa (50.000.000VNĐ).

 

Về khoản dâng cúng của Cụ Trưởng Qũy và Bà Ràng, ông Chánh Nhượng cho biết, vì người dâng cúng vào hạng mục công việc cụ thể của Giáo xứ, nhưng Giáo xứ chưa triển khai hạng mục công việc này, nên nếu Giáo xứ muốn sử dụng khoản tiền dâng cúng này vào hạng mục công việc khác thì Giáo xứ cần xin ý kiến của người dâng cúng trước. Nếu họ không đồng ý, thì Giáo xứ vẫn phải giữ lại khoản tiền dâng cúng đó và không dùng nó vào việc khác, cho đến khi Giáo xứ triển khai hạng mục công việc vào đúng mục đích của người dâng cúng. Ông Chánh Nhượng cho biết thêm: trước mắt, Giáo xứ đã gửi Quỹ Tín Dụng khoản dâng cúng nói trên (Tổng lãi suất tiết kiệm {khoản tiền dâng cúng của cụ Trưởng Qũy} tính đến nay Giáo xứ nhận được 14.000.000VNĐ).

 

Về khoản dâng cúng nói trên, Cha xứ xác nhận lại rằng, khi Giáo xứ có công việc kiến thiết, thì đích thân Cha xứ sẽ liên hệ với người dâng cúng. Nếu họ đồng ý dùng tiền dâng cúng của họ vào công việc kiến thiết khác với mục đích dâng cúng ban đầu của họ thì lúc đó Giáo xứ mới dùng tiền dâng cúng của họ vào việc đó, bằng không, Giáo xứ sẽ giữ lại số tiền dâng cúng của họ cho đến khi Giáo xứ tiến hành đúng các công việc mà họ dâng cúng. Giáo xứ hoàn toàn tôn trọng người dâng cúng.

 

Ông Chánh Nhượng nói thêm rằng, nếu ai chưa rõ, có vấn đề gì thắc mắc về thu chi, thì họ có thể gặp Ban thường trực để được giải đáp và thông tin chi tiết hơn; hoặc có thể xem thông tin chi tiết tại Bảng tin ở cuối Nhà thờ. Đồng thời, ông Chánh Nhượng cũng hỏi Hội nghị xem ai có còn thắc mắc gì về việc thu chi của Giáo xứ nữa không, để còn chuyển sang nội dung tiếp theo của cuộc họp.

 

Ông Nguyên Chánh Thơ có ý kiến rằng: Theo thông lệ từ thời Ông Nguyên Chánh Việt, Ông Nguyên Chánh Tuyên, Ông Nguyên Phó Chánh Hiệp v.v., những khoản chi phí  liên quan đến tiếp khách vào các dịp Lễ của Giáo xứ, thăm hỏi các Đấng bậc trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng của Giáo xứ v.v., thì các vị trong Ban Thường trực sẽ tự chịu hết những khoản này, và những khoản chi phí ấy không được tính vào chi phí của Giáo xứ. Ông Nguyên Chánh Thơ đã đặt câu hỏi với Ban Thường trực rằng, liệu các Vị trong Ban Thường trực đương nhiệm có theo thông lệ của các Ban Thường trực thuộc những khóa trước hay không.

 

Ông Chánh Nhượng không trả lời trực tiếp câu hỏi trên rằng có hay không, mà ông chỉ trả lời rằng: “Ở Giáo xứ chúng ta thì, thường một năm có hai ngày Lễ, Lễ La-vang và Lễ Tuần chầu, thường thường thì những năm trước thì chúng tôi bỏ tiền ra để Ông Qũy đi đặt cỗ, nhưng về đây một số vấn đề cứ cho rằng cỗ đặt chỗ này chỗ kia hay là không có sự thoải mái, các ông không đặt, chúng tôi bỏ tiền ra cho ông Qũy Trường, để ông Qũy Trường tự đi đặt. Chẳng hạn Lễ La-vang cũng vậy và Lễ Quan Thầy vừa rồi tôi cũng bỏ ra mười triệu. Đấy trong bảng tin thu chi rồi ông biết đấy, là chúng tôi cũng đưa cho ông Qũy Trường. Bản thân tôi đưa cho ông Qũy Trường mười triệu để mua, để đi đặt cỗ về để tiếp các Cha, tiếp các công việc của Giáo xứ.”

 

Sau đó ông Chánh Nhượng tóm tắt lại tổng các khoản thu chi trong ba năm vừa qua. Tiếp đến, ông Chánh Nhượng đề cập đến nội dung tiếp theo của cuộc họp. Đó là dự kiến công việc của Giáo xứ trong năm tới.

 

Ông Chánh Nhượng nói rằng, hiện nay tình trạng sân và đường kiệu của Nhà thờ đã xuống cấp, bị ngập khi nước lên, làm cho việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt không thể tiến hành rước kiệu vào những dịp Lễ lớn v.v. Vì thế, để khắc phụ tình trạng này, ông Chánh Nhượng đề nghị hội nghị đưa ra ý kiến và lên kế hoạch. Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án, thì sẽ có một cuộc họp bàn và trao đổi cụ thể về công việc này trong năm 2024.

 

Cụ Trưởng Mão có ý kiến rằng, Cụ hoàn toàn “tin tưởng tuyệt đối” vào Ban Thường trực, và Cụ cũng chỉ yêu cầu Ban Thường trực thấy gì đúng thì làm, và làm đúng thì cũng chỉ Chúa biết. Còn về dự án làm đường kiệu và sân của Giáo xứ, Cụ tán thành với dự án này. Ngoài ra Cụ còn động viên và kêu gọi mọi người trong Giáo xứ chung tay, chung sức vào làm thì dự án sẽ thành công dễ dàng, vì theo Cụ “mỗi người một nắm là đắm đò ông”. Cuối cùng Cụ đề nghị Cha xứ và Ban Thường trực cứ triển khai dự án, kêu gọi mọi người đóng góp v.v.

 

Cha xứ có ý kiến rằng, Cha mới về đây được hơn bốn tháng, nhưng Ngài thấy “tinh thần của bà con rất dồi dào”. Cha lấy ví dụ, khi Cha vừa mới kêu gọi làm hai mươi lá cờ nho nhỏ thì chỉ trong một ngày, nhờ lòng hảo tâm của các gia đình, Cha đã có đủ kinh phí để làm hai mươi lá cờ đó rồi. Và công việc thứ hai là làm lại sân cuối Nhà thờ. Lúc đầu Cha cứ nghĩ là rất khó khăn, nhưng khi triển khai thì Cha thấy các gia đình rất hảo tâm đóng góp. Sau khi hoàn thành công việc, không những đủ tiền mà còn dư ra một khoản. Ngài cảm thấy vui vì công việc của Nhà Chúa được mọi người đồng tâm, hiệp nhất với nhau. Điều này giúp Ngài có thêm động lực và cảm thấy rất vui.

 

Ngoài ra Cha xứ cũng cho biết, Ngài còn một niềm vui khác nữa ở nơi Giáo xứ, đó là thời gian vừa qua, Giáo xứ có mười một đôi hôn phối. Các em này rất thuộc kinh, thuộc tất cả các kinh theo quy định, thuộc không thiếu một Kinh nào, kể cả Kinh Đức Mẹ La-vang, Kinh Tám mối Phúc thật, Kinh Mười Điều răn v.v. Điều này làm cho Ngài vô cùng phấn khởi. Theo Ngài, các em có được như vậy cũng nhờ nền tảng dậy bảo của bố mẹ, ông bà, gia đình của các em. Ngài nói đây là động lực làm cho Ngài tin tưởng hơn nữa. Ngài tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ và chia sẻ niềm vui này với các quý vị trong Cuộc họp.

 

Sau khi Cha xứ dứt lời, ông Chánh Nhượng đã cho biết thêm rằng, vừa qua, Giáo xứ đã nhận được hai nghìn đô-la Ca-na-đa, tương đương khoảng ba mươi sáu triệu tiền Việt từ cụ Châu ở hải ngoại.

 

Bên cạnh đó, Ông Chánh Nhượng cũng không quên nhắc nhở những ai chưa thực hiện trách nhiệm đóng góp tiền cho Giáo xứ mua đất của ông bà Nghinh và ông bà Trương Tụng, thì cố gắng thu xếp đóng góp cho Giáo xứ, để Giáo xứ có kinh phí cho các công việc kiến thiết. Để trả tiền mua đất nói trên, Giáo xứ đã phải dùng đến cả tiền của các viên chức đóng góp (theo thông lệ, mỗi viên chức sau khi được bổ nhiệm, phải đóng góp hai chỉ vàng cho Giáo xứ).

 

Tiếp đến ông Chánh Nhượng triển khai phần còn lại của nghị trình, đó là vấn đề Thánh Lễ ngoại lịch và các đám tang trong Giáo xứ.

 

Ông Chánh Nhượng nói rằng, đối với các viên chức trong Giáo xứ, khi họ tiếp nhận trách vụ của mình, họ chỉ đảm nhiệm các công việc mang tính thường xuyên của Giáo xứ, cụ thể là các Thánh Lễ theo lịch thường nhật của Giáo xứ. Vì thế, những gia đình nào xin Lễ ngoại lịch, chẳng hạn như lễ vào lúc 09 giờ sáng, thì gia đình đó phải chịu các chi phí có liên quan như tiền điện, tiền bánh Lễ, và tiền giúp đỡ cho những người phục vụ trong Thánh Lễ hôm đó v.v. Ông Chánh Nhượng mong mọi người hiểu cho rằng, các ông trong Ban Thường trực không nề hà gì với các công việc phục vụ của Giáo xứ, nhưng với các ông Trương, như ông Trương Điện, hay Trưởng Ca Đoàn v.v., thì người ta cũng phải đi làm ăn, nên để có thể phục vụ được trong các Thánh Lễ ngoại thường, thì họ phải bỏ công bỏ việc, do đó cũng cần phải có một phần thù lao nào đó dành cho họ.

 

Tương tự như vấn đề Thánh Lễ ngoại thường, ông Chánh Nhượng cũng nêu vấn đề những người phải bỏ công, bỏ việc để phục vụ trong các đám hiếu. Cụ thể, các ca viên trong Ca Đoàn phải phục vụ trong đám hiếu cả chiều hôm trước, lẫn sáng hôm sau tại Nhà thờ, rồi còn cả tại Nghĩa địa nữa. Anh em trong Hội Trống cũng phải phục vụ hai ngày trong đám hiếu. Do vậy, ông Chánh Nhượng đề nghị Hội nghị bàn xem làm thế nào cho phù hợp, để Ban Thường trực có cơ sở thực hiện dễ dàng hơn.

 

Ông Nguyên Chánh Tuyên phát biểu rằng, về Lễ ngoại lịch, thì đối với Cha xứ tiền nhiệm, Ngài rất hiếm khi cho phép. Từ khi có Cha xứ mới về, thì việc cử hành các Lễ ngoài lịch được dễ dàng chấp thuận hơn. Từ xưa đến nay chưa có quy định cụ thể nào bằng văn bản về những thủ tục và những chi phí cho Lễ ngoại lịch cả, nên tất cả đều tùy thuộc vào sự ý thức của người xin Lễ ấy. Ông Chánh Tuyên đã nêu ra 2 trường hợp trái ngược nhau: một trường hợp thì chu đáo đến từng li từng tí – ngoài việc xin phép Cha Xứ để được cử hành Thánh Lễ ngoại lịch ra, gia đình ấy còn đến thông báo cho tất cả các ban nghành đoàn thể cũng như cho  từng cá nhân có liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ đó nữa. Không những thế, sau Thánh Lễ, họ còn không quên hậu tạ những người đã phục vụ trong Thánh Lễ ngoại lịch ấy. Ngược hẳn lại với gia đình đó là một gia đình kia - chỉ mới tổ chức Thánh Lễ ngoại lịch (Lễ Giỗ cho Mẹ) cách nay có mấy hôm thôi: ngoài việc xin phép Cha Xứ là chuyện dĩ nhiên ra, thì không hề báo cho bất cứ ai có liên hệ biết cả, khiến cho Ban Hành Giáo không biết, người đánh đàn cũng không luôn… Đã vậy, sau khi kết thúc Thánh Lễ, còn không có một chút động thái nào nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã phục vụ trong Lễ đó nữa. Vì thế, ông đề nghị: ngoài việc xin phép Cha xứ để cử hành Lễ ngoại lịch ra, thì gia đình xin Lễ ngoại lịch cũng cần phải báo cho Ban Thường trực biết, để Ban Thường trực điều hành các công việc cần thiết liên quan đến Thánh Lễ đó. Hơn nữa, khi cử hành Lễ ngoại lịch thì cũng còn liên quan đến rất nhiều những phần vụ cụ thể và khác nhau. Do đó, Gia đình xin cử hành Lễ ngoại lịch cũng cần phải báo cho tất cả những người có liên hệ được biết, chẳng hạn như cho Ca Đoàn, cho Bà Phần, cho Ông Trương Điện, và cho Ông Quản Giáo v.v. Lẽ dĩ nhiên, khi gia đình đã thông báo cho Ban Thường trực biết rồi, thì Ban Thường trực cũng phải cộng tác với gia đình xin được cử hành Lễ ngoại lịch. Ví dụ, khi gia đình thông báo cho Ông Quản Giáo biết về việc đã xin phép Cha Xứ để cử hành Lễ ngoại lịch mà Ông Quản Giáo không nghe, thì Ban Thường trực phải có trách nhiệm tác động Ông Quản Giáo hầu giúp đỡ gia đình xin cử hành Lễ ngoại lịch.

 

Về vấn đề đám hiếu, Ông Nguyên Chánh Trương Tuyên có ý kiến rằng, thời nay các gia đình phải chịu nhiều áp lực về làm ăn kinh tế, nó không giống như thời xưa. Và ông thêm rằng: “Tiền đám ma thì Giáo xứ quy định từ xưa đến giờ rồi, nhưng không biết sau này các ông làm thế nào tôi không biết, nhưng mà khóa tôi có ông Toán làm Ca Đoàn. Tiền đám ma người ta phúng viếng cho chúng tôi, chúng tôi chia cho Ca Đoàn một phần ba, còn lại chúng tôi (chi cho) vòng hoa bức trướng. Còn những người đi xa, ở các xứ xa, chúng tôi chi cho họ tiền xăng dầu cho họ đổ xe. Tiền người ta đưa một triệu, thì chúng tôi đưa cho ông Toán ba trăm. Hỏi các ông vừa rồi, các ông có làm vậy được không, hay các ông giao khoán cho Ca Đoàn việc m. đi hát m. phải đi hát. Còn khóa tôi, là tôi với ông Trùm Hiệp kia kìa là tiền đám ma chúng tôi không cần lợi nhuận của Giáo xứ, mà chúng tôi chi cho Ca Đoàn, còn lại ai đi đám ma xa, đám ma gần thì thôi, đám ma xa chi cho mỗi người năm bảy nghìn, hay mươi nghìn để họ đổ tiền xăng. Ấy các ông có làm không? Nếu các ông không làm được thì nó sẽ kém đi, đặc biệt Ca Đoàn. Có những gia đình họ rất cẩn thận. Ví dụ như nhà bà Cố Ngân, Lễ ông Cố Ngân thì ngoài họ xin Giáo xứ phúng viếng, gia đình họ còn xin Ca Đoàn, Lễ ở nhà thờ riêng, Lễ ở ngoài nghĩa địa riêng. Nhưng có một số gia đình họ khoán gọn bằng ấy tiền cho Giáo xứ để các ông điều hành. Thế các ông điều hành, các ông phải điều hành chung cho người ta chứ. Thế thì chị em người ta đi làm công ty, bắt người ta ở nhà đi ra hát Lễ ở nhà thờ, xong ra nghĩa địa hát Lễ, thì các ông phải có cái chi cho người ta gọi là đồng quà tấm bánh hay là chén nước chứ. Nếu các ông không chi cho người ta thì lần sau các ông không gọi người ta được đâu.

 

Ông Nguyên Chánh Trương tiếp tục nói về Lễ ngoại lịch: “Tôi nghe các ông nói Lễ của bà Cố Sử vừa rồi, là gia đình không hề nói với Ban Hành giáo, chỉ có Cha Môn xin phép Cha xứ về dâng Lễ, còn Ban Hành giáo không biết gì. Thì đấy, cái đấy, các ông phải xem xét, chứ có phải tất cả mọi người như nhà ông bà Cố Sử đâu. Nhiều người, người ta cũng cẩn thận lắm chứ…” Ông Nguyên Chánh Tuyên còn cho biết thêm rằng, trong Giáo xứ có rất nhiều người cẩn thận. Không chỉ ở Lễ ngoại lịch, mà ngay cả các Thánh Lễ theo lịch của Giáo xứ mà họ xin Lễ cưới, Lễ giỗ, họ cũng báo cho từng người có nhiệm vụ trong Thánh Lễ mà họ xin. Cuối cùng, Ông Nguyên Chánh Tuyền đề nghị: “không đánh đồng những người cẩn thận với những người vô trách nhiệm”.

 

Về Lễ ngoại lịch, Cha xứ đồng ý với ý kiến của Ông Nguyên Chánh Tuyên. Bên cạnh đó,  Ngài còn nói rõ thêm rằng: “Tất cả các gia đình nào có mong muốn dâng Lễ ngoại lịch, Lễ cưới, hay Lễ giỗ, con hoàn toàn nhất trí, nếu như mời được các cha khách. Còn với con, con sẽ không phục vụ bất kỳ một Thánh Lễ giỗ nào ngoại lịch, ngoại trừ Lễ cưới.” Ngài giải thích: sở dĩ Lễ cưới là trường hợp ngoại trừ vì có những trường hợp con em của Giáo xứ kết hôn với người ở những tỉnh thành xa như Ninh Bình, Thanh hóa. Nếu cử hành Thánh Lễ theo giờ Lễ thường nhật của Giáo xứ, thì việc đi lại của những người ở những tỉnh thành xa sẽ không đảm bảo. Do vậy, cùng với gia đình, Cha xứ sẽ xem xét để cử hành Lễ cưới vào một giờ nào đó phù hợp nhất. Trong trường hợp chấp thuận cho một gia đình nào đó mời Cha khách đến cử hành Lễ ngoại lịch, thì bao giờ Cha xứ cũng nói với gia đình đó rằng, Cha xứ sẽ thông báo chung cho cộng đoàn biết về lịch và khung giờ Lễ; còn gia đình đó phải liên hệ với những hội đoàn có liên quan để phục vụ trong Thánh Lễ đó, chứ Cha xứ không có trách nghiệm đó, vì Thánh Lễ ngoại lịch là nhu cầu của gia đình nên gia đình phải tự lo, Giáo xứ chỉ có bổn phận phục vụ Thánh Lễ trong khung giờ của Giáo xứ; và Viên chức được bầu ra cũng để phục vụ chung, chứ không phục vụ nhu cầu riêng. Cha xứ nhận xét rằng, ý kiến của Ông Nguyên Chánh Tuyên rất đúng. Phần đa các gia đình rất có ý thức trong vấn đề Lễ ngoại lịch. Nhân tiện cuộc họp này, một lần nữa Cha xứ lưu ý: “Các gia đình nào xin Lễ ngoại lịch, không trùng với khung giờ chung của Giáo xứ, đến xin Lễ, thì con sẽ thông báo chung ở Nhà thờ là giờ này sẽ có Lễ như vậy, còn phục vụ trong Thánh Lễ như thế nào, các hội đoàn ra sao, thì chính gia đình xin Lễ ngoại lịch ấy báo cho những người có trách nhiệm, nếu không gia đình đó phải chịu trách nhiệm, đừng trách gì nữa…

 

Về vấn đề tiền đám hiếu mà Ông Nguyên Chánh Tuyên nêu ra, Ông Chánh Nhượng thông tin rằng, tiền do nhà hiếu xin Giáo xứ, sau khi chi cho Ca Đoàn, Hội Trống, vòng hoa v.v., phần còn lại sẽ được đưa vào quỹ của Giáo xứ. Đối với những đám hiếu ở xa (ngoài xã Thọ Nghiệp), thì Ban Thường trực cũng chi tiền xăng cho những người tham gia đoàn viếng của Giáo xứ.

 

Tiếp đến, Ông Chánh Nhượng báo cáo rằng, việc Giáo xứ mua đất của ông bà Nghinh đã hoàn thành. Và Ông Chánh Nhượng bàn giao sổ đỏ cho Cha xứ cất giữ. Nhân tiện đây, Cha xứ đã đọc lại Biên bản bàn giao bốn sổ đỏ từ Cha xứ tiền nhiệm (Cha Giu-se Lê Văn Sở) cho Ban Thường trực. Trong Biên bản này có một chi tiết đánh máy sai, cụ thể sổ đỏ được “cấp ngày…” thì bị đánh máy sai thành “cấy ngày….”. Do vậy, Cha xứ lưu ý Ông Ký và những người ký vào Biên bản nên đọc lại cẩn thận một lần trước khi ký vào tên vào đó, vì đây là văn bản hành chính, cho dù đó là những chi tiết nhỏ.

 

Ông Nguyên Chánh Tuyên có ý kiến rằng, việc bàn giao là việc rất quan trọng. Việc bàn giao giữa Cha xứ và Ban Thường trực phải được ký xác nhận rõ ràng để tránh trường hợp sau này Cha xứ đã nhận rồi, lại bảo chưa nhận, hoặc Ban Thường trực đã nhận rồi, lại bảo chưa nhận. Ông Nguyên Chánh Tuyên cũng lưu ý hội nghị rằng,  một số hộ gia đình ở Giáo xứ hiện không biết lý do tại sao Sổ Đỏ của họ lại đang nằm trong ngân hàng.

 

Ngoài ra, Ông Nguyên Chánh Tuyên nhấn mạnh rằng, cuộc họp hôm nay không có vấn đề gì cả, tuy nhiên, nếu cử tọa có những ý kiến, thắc mắc, thì Ban Thường trực cần phải trả lời. Ví dụ trường hợp Ông Nguyên Chánh Thơ đưa ra vấn đề chi tiêu ở trên, thì Giáo xứ cần phải cụ thể hóa bằng văn bản để những khóa Ban Thường trực tiếp theo họ cứ vậy mà thực hiện, tránh trường hợp mỗi khóa Ban Thường trực làm một kiểu. Ví dụ, các chi phí tiếp khách trong các dịp Lễ, Tết thì Giáo xứ chi hay các vị trong Ban Thường trực chi bằng chính ngân khoản riêng của các vị ấy.

 

Trả lời ý kiến của Ông Nguyên Chánh Tuyên nói trên, Ông Chánh Nhượng lập lại ý mà chính ông đã trả lời Ông Nguyên Chánh Thơ ở phần đầu cuộc họp. Như vậy, ý kiến của Ông Chánh Tuyên cũng như của Ông Chánh Thơ nêu ra chưa có câu trả lời rõ ràng và dứt khoát trong buổi họp hôm nay.

 

Về vấn đề hồ sơ chuyển nhượng đất giữa gia đình ông bà Nghinh và Giáo xứ, Ông Nguyên Chánh Thơ nhận xét rằng, tính pháp lý của hồ sơ này yếu vì không đảm bảo các chữ ký, xác nhận của các bên và của các cơ quan hữu trách theo quy định của pháp luật hiện hành. Ông Nguyên Chánh Thơ lưu ý rằng, nếu vấn đề pháp lý này không được khắc phục, mà sau này Giáo xứ bị thiệt hại, thì Hội nghị nên làm rõ ai là người chịu trách nhiệm. Theo quan điểm của Ông Nguyên Chánh Thơ, thì các vị trong Ban Thường trực hiện nay phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho Giáo xứ nếu có trường hợp như thế xảy ra, vì các vị trong Ban Thường trực đại diện cho Giáo xứ thực hiện công việc chuyển nhượng này.

 

Để trả lời cho thắc mắc trên của Ông Nguyên Chánh Thơ, Ông Chánh Nhượng nói: “Sổ đỏ họ đã bàn giao cho mình, giấy tờ, cái này nó là cái đo đất, thưa Cha, có cả đại diện cho gia đình ông Nghinh là ông Ngân và ông Cố Nguyện, ký tên hết vào đây rồi ạ, đây là ký tên đóng dấu cả, Cha Sở, rồi chúng con, Cố Ngân, Cố Nguyện. Đây là tên các người, những người tham gia trong vụ việc này, tất cả đầy đủ hết, kể cả số tiền chúng con chuyển trong mã quốc tế ông ấy nhận chúng con còn giữ cả đây ạ. Báo cáo là như vậy. Chứ bây giờ đòi hỏi cái gì nữa ạ. Bây giờ đang đi mua đất của nhau, có vậy thôi, chỉ bằng giao tiền, rồi xã chứng nhận là đã nhận đủ tiền, là gia đình người bán đất thì là công nhận ký vào, rồi bàn giao sổ đỏ cho người mua, đó chính là trách nhiệm chứ còn phải pháp lý gì nữa. Cái này tôi không hiểu và không làm cái này”.

 

Ông Nguyên Chánh Thơ đề nghị Ban Thường trực đọc Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên cho Hội nghị nghe và xem đã có chữ ký của ông bà Nghinh chưa. Ban Thường trực đã đưa cho Cha xứ đọc Biên bản đo mốc đất của gia đình ông bà Nghinh. Trước khi đọc Biên bản này, Cha xứ xác nhận có chữ ký của ông Nghinh và bà Thục.

 

Ông Nguyên Chánh Thơ nói rằng, đây là Biên bản đo đất, chứ không phải là Hợp đồng chuyển nhượng; hơn nữa, tờ đầu của Biên bản này không có chữ ký của ai, không có dấu giáp lai. Nếu không có chữ ký của ai (vào tờ đầu), thì cái Biên bản này không hợp lệ.

 

Ông Nguyên Chánh Tuyên cho biết là ông đồng ý với ý kiến của Ông Nguyên Chánh Thơ. Và ông thêm rằng: “Cái văn bản mà con ký là văn bản khảo sát đất và xác nhận mốc trái là với ông Nghinh, ông Nguyện và con cũng như Nhà thờ Ban Hành giáo xác nhận mốc trái và xác nhận số lượng của ông Nghinh thực tế, là cái đó là văn bản, là văn bản xác nhận với nhau thôi. Còn cái văn bản nói như ông Thơ í, cái văn bản mua bán í, là phải là cái văn bản, là gia đình ông Nghinh ký, con cái ông Nghinh ký và giá bao nhiêu và những tài sản trên đất có những cái gì, hoặc không có gì, phải có đầy đủ như vậy, để cho nó đúng”.

 

Cha xứ nói rằng sau khi có Biên bản số liệu, thì sẽ đến Hợp đồng chuyển nhượng đất. Cha xứ đã đọc Hợp đồng chuyển nhượng cho hội nghị nghe (trong Văn bản ghi là: “Hợp đồng mua bán đất”).

 

Sau khi nghe Cha xứ đọc Hợp đồng nói trên, Ông Nguyên Chánh Thơ có ý kiến rằng: “Thưa Cha, cái hợp đồng mua bán này, Cha và chúng con đều tin, nhưng ra pháp lý thì hoàn toàn không có cơ sở. Cha Sở đi rồi, thì những tờ đầu Cha Sở ký làm sao được, ông Nghinh chết rồi, ông Nghinh ký làm sao được. Ông ấy chết rồi, và đây thưa Cha chỉ có tờ cuối, còn những tờ này, sau này nếu con ông Nghinh bảo bố tôi không ký, mẹ tôi không ký thì các ông làm sao?...

 

Nghe đến đây, Ông Chánh Nhượng buột miệng bảo “ông Chánh Thơ suy nghĩ như trẻ con í”.

 

Ông Nguyên Chánh Thơ đề nghị Ông Chánh Nhượng giải thích tại sao nói Ông Nguyên Chánh Thơ suy nghĩ như trẻ con, trong khi ông ấy đang rất nghiêm túc góp ý với Ban Thường trực. Đồng thời, Ông Nguyên Chánh Thơ yêu cầu Ông Chánh Nhượng phải đính chính lời nói của mình, và lưu ý Ông Chánh Nhượng rằng, “ông là ông Chánh, không nên nói hàm hồ như vậy được”.

 

Lúc này bầu không khí trong hội nghị rất nóng. Có rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu đan xen vào. Trong đó có ý kiến của Ông Nguyên Phó Chánh Hiệp: “ông Chánh Thơ phòng xa là đúng rồi….., nhưng việc mua bán này đều có người làm chứng…”.

 

Ông Chánh Nhượng giải thích rằng, do Ông Nguyên Chánh Thơ bảo là ông Nghinh chết rồi sao lại có chữ ký, trong khi có chữ ký của ông Nghinh ở đây (trang cuối). Do đó, ông Chánh Nhượng bảo Ông Nguyên Chánh Thơ là “nói chuyện như trẻ con vậy”, nhưng cũng chỉ nói vui thôi, chứ không có ý gì, “không phải nói bác là trẻ con” v.v.

 

Ông Nguyên Chánh Thơ lưu ý Ông Chánh Nhượng: “lần sau nói phải nói đàng hoàng”.

 

Cha xứ nhắc nhở các cử tọa trật tự và ổn định lại chỗ ngồi. Theo Ngài, Ông Nguyên Chánh Thơ là người hoàn toàn đúng và có lý trong vấn đề này. Tuy nhiên, việc mua bán đất của ông bà Nghinh là chuyện có thực và có nhiều người làm chứng. Cha xứ lưu ý Ban Thường trực rút kinh nghiệm và tiếp nhận ý kiến đóng góp của Ông Nguyên Chánh Thơ vì ý kiến của Ông Nguyên Chánh Thơ hoàn toàn đúng.

 

Sau đó, Cha xứ cùng mọi thành viên trong hội nghị kết thúc cuộc họp.

 

Giu-se Nhi Trần - CTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét