Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Tái Thi Công Công Trình Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp: Nước cờ Kiếm tiền và Qua mặt Dư luận hay còn gì nữa?

Tái Thi Công Công Trình Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp: Nước cờ Kiếm tiền và Qua mặt Dư luận hay còn gì nữa?

Theo tác giả Văn Đạt trong bài viết “Cuộc Họp Thống Nhất Xây Dựng Công Trình Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp”, cũng như theo tác giả Đỗ Hưng trong bài viết "Thử Đưa Ra Lời Giải Đáp Cho Những Thắc Mắc Liên Quan Đến Công Trình Xây Dựng Nhà Tiếp Linh Tại Nghĩa Địa Tứ Tộc Miền Nghiệp", thì vào đầu năm 2018, “một nhóm người thuộc tứ tộc Miền Nghiệp đã tổ chức một cuộc họp và thống nhất với nhau về việc thực hiện dự án nhà Tiếp Linh tại nghĩa địa tứ tộc Miền Nghiệp. Ngay sau cuộc họp đó, nhóm người vừa nêu đã nhanh chóng triển khai dự án của mình”. Và rồi “chưa đầy nửa tháng, phần móng giằng bê tông của công trình nhà Tiếp Linh đã được thực hiện xong. Nhưng kể từ khi thực hiện xong phần móng, công trình này lại bị ngưng trệ”.

Tác giả Đỗ Hưng còn giải thích khá cặn kẽ cũng như đã phân tích khá rõ về những lý do mà đám người nêu trên đã vội vã cho triển khai và thi công Công trình Nhà Tiếp Linh, cũng như đã đột ngột cho dừng dự án này. Những lý do mà tác giả Đỗ Hưng đưa ra gồm:

1.Thiếu tính chính danh nơi những người tổ chức cũng như những người tham dự phiên họp để quyết định xây dựng nhà Tiếp Linh;

2.Thiếu sự minh bạch về nguồn tài chính, thu, chi v.v…;

3.Thiếu hoạch định về tiến độ cũng như về dòng tiền;

4.Thiếu tính kỹ thuật, và thiếu tính chuyên môn;

5.Và nghiêm trọng nhất là thiếu tính đạo đức và văn hóa…

Tuy nhiên, đó chỉ là những lý do mà tác giả này gọi là “thử đưa ra”.

Và rồi, sau sự ngưng trệ kéo dài của công trình nêu trên mà không có bất cứ một thông tin hay một thông báo chính thức nào, thì bỗng nhiên, cách nay mấy ngày, người ta lại thấy một số người mang vật tư ra nghĩa địa Tứ Tộc để tái thi công Công trình vừa kể, và dĩ nhiên, cũng chẳng có bất cứ một thông tin hay một thông báo chính thức nào. Điều đó đã làm cho những lý do mà tác giả Đỗ Hưng “thử đưa ra” trở nên thực tế và có tính thuyết phục cao.

Dẫu vậy, nhiều người khác vẫn muốn tiếp tục đặt câu hỏi: Nguyên do nào đã khiến những người nói trên chọn cách làm việc thiếu đàng hoàng như thế? Có thể đưa ra hai lý do để giải thích cho việc này: hoặc là họ coi thường mọi người, nhất là những người thuộc Tứ tộc Miền Nghiệp, họ coi khu vực trung tâm Linh Địa như là đất riêng của mình, thích xây, hay thích làm gì thì làm, và thích làm lúc nào thì tùy, cũng như thích dừng lúc nào thì dừng, không cần phải bận tâm tới ai, không cần phải có thông báo gì chính thức cả; hoặc trong thâm tâm họ hiểu rằng, việc họ đang làm không chính đáng, nên họ phải làm một cách mờ ám, lén lút và vụng trộm, chẳng hạn như “xây để cất” theo cách nói mỉa mai khá thịnh hành trong giới quần chúng ngày nay.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là: tại sao vào thời điểm rảnh rỗi thì họ lại không cho triển khai hoặc tái triển khai thi công dự án, mà lại chọn vào đúng thời điểm bận rộn nhất, lúc mọi người đang chú tâm nhiều tới việc tổ chức cái Tết truyền thống hay tới việc gặt hái? Họ đã cho khởi công dự án vào đúng dịp giáp Tết Nguyên Đán, lúc mọi người đều bận rộn, ai ai cũng đều trăm công nghìn việc, lúc giá nhân công, vật tư và vật liệu đang ở vào thời điểm cao nhất trong năm. Và khi cho tái thi công dự án đó cũng vậy: những ngày này mọi người đang phải tập trung vào chuyện thu hoạch lúa, đáng ra họ phải để cho mọi người an tâm với việc gặt hái, thì họ lại vội vã bày ra việc cho tái triển khai dự án! Vô cảm hay toan tính gì đây?

Chỉ cần để ý một chút thôi thì người ta cũng sẽ dễ dàng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên.

Trước tiên phải khẳng định rằng, những người đứng ra phát động và thực hiện dự án này hầu hết đều là những người thiếu năng lực về tài chánh và kiến thức. Bên cạnh đó, những ai trong số họ có kinh tế một chút thì lại chưa quảng đại đủ, chẳng dám bỏ ra đồng cắc nào. Vì thế, họ phải triển khải dự án với tất cả những toan tính để “quyên góp” được tiền từ người khác.

Thứ đến, để “quyên góp” – đúng ra phải gọi là “rút” - được tiền từ người khác, họ phải chọn đúng thời đúng điểm. Trong năm có hai thời điểm thích hợp nhất cho việc này, đó là dịp Tết Nguyên Đán và dịp Lễ Cầu Hồn, bởi mỗi dịp đều có một Thánh Lễ được cử hành tại Nghĩa địa với sự tham dự của hầu hết mọi người. Vì thế, họ đã chọn dịp giáp Tết để khởi công dự án hầu có lý do để kêu gào mọi người “dâng của lễ” trong Thánh Lễ đầu năm tại Nghĩa địa Tứ tộc này. Tương tự như thế, họ cũng chọn tái thi công dự án này vào dịp giáp Lễ Cầu Hồn, hầu có lý do để kêu gào mọi người “dâng của lễ” trong Thánh Lễ Cầu Hồn vào ngày mồng 02 tháng 11 tới đây. Xin nói thêm rằng, hiện nay họ đã soạn sẵn một bức thư mà họ gọi là “Tâm Thư”, để kêu gọi mọi người đóng góp kinh phí cho dự án nêu trên. Sự bát nháo về câu chữ (cả bức thư chỉ có 17 câu thôi nhưng lại có tới 8 câu sai văn phạm) trong bức “Tâm Thư” ấy sẽ được phân tích qua một bài viết khác.

Cuối cùng, những người thực hiện dự án này xem ra còn muốn trốn tránh dư luận nữa, và nói theo cách nói của bà con Tứ tộc Miền Nghiệp thì, muốn tránh “bị ăn chửi” trong dịp Lễ Cầu hồn sắp tới. Dự án đã được thi công cách vội vã từ đầu năm trong vòng một ít ngày, và sau đó bị ngưng luôn cho tới cách nay mấy ngày. Nếu không vội vàng cho tái thi công dự án đó vào thời điểm này, thì những người tham dự Thánh Lễ Cầu Hồn sắp tới sẽ có dịp nhắc lại hoặc ngẫm lại những lời giải thích mà tác giả Đỗ Hưng đã “thử đưa ra”. Và vì thế, nếu cho tới hôm nay mà dự án vẫn chưa được tái triển khai, thì những người làm dự án sẽ bị dư luận chỉ trích, và “bị ăn chửi” là điều không phải bàn cãi.

Nhưng những toan tính của những người làm dự án nêu trên không bao giờ qua mặt được người khác. Mọi người, nhất là những người thuộc Tứ tộc Miền Nghiệp đều không phải là những bình sữa để các vị tự nhiên tới vắt. Ai sẽ bỏ tiền ra cho một công trình mà những người thực hiện không có tính chính danh, không có sự minh bạch, không có kế hoạch, và thiếu tính kỹ thuật, nhất là thiếu tính đạo đức và văn hóa…? Với nước cờ các vị đang đi, thì dù dù có ma mãnh hay khôn vặt đến đâu, các vị cũng không thể trốn tránh được dư luận!?

Thu Trang

3 nhận xét:

  1. BÀI VIẾT THIẾU DẪN CHỨNG VÀ QUY CHỤP QUÁ BẠN Ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Một bài viết có tính chia rẽ kích động nó chỉ là sự ghen tức của số cá nhân không làm được thì đạp đổ nên nhố rằng tứ tộc không phải là ngu dốt mà cũng không ai tự nhiên mua việc nếu không có sự hợp lòng của bà con..vối trang Gx thánh mẫu đăng bài này nham chia rẽ thì uy tín cái trang này không đáng một xu lẻ

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết phân tích rõ ràng, có dẫn chứng, hình ảnh cụ thể.

    Việc gây chia rẽ không phải lúc nào cũng xấu mà có khi còn tốt, VD vàng chia tách khỏi thau, ánh sáng tách ra khỏi bóng tối, chiên chia tách khỏi dê v.v.

    Cám ơn tác giả, cám ơn trang GX Thánh Mẫu.

    Trả lờiXóa