Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

„Dù tôi là người duy nhất đi nữa thì Chúa Giê-su cũng đã làm điều đó cho tôi“ – Lời ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung ngày 16.04.2014

Dù tôi là người duy nhất đi nữa thì Chúa Giê-su cũng đã làm điều đó cho tôi“ – Lời ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung ngày 16.04.2014

Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va
Ngay từ lúc khởi đầu cuộc khổ hình của Chúa Giê-su thì cũng đã có sự bản bội bởi Giu-đa rồi, vì thế, sự tự hiến của Chúa Giê-su đã diễn ra trên cây Thập giá, dù với sự tự do tuyệt đối. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh điều ấy qua bài Giáo Lý của Ngài trong cuộc hội kiến chung vào sáng thứ Tư hôm nay.

„Tôi tự hy sinh mạng sống mình, không ai có thể tước được mạng sống tôi, tôi tự hy sinh chính mình“ – Đức Thánh Cha đã trích dẫn Lời của Chúa Giê-su theo Tin Mừng của Thánh Gio-an. Vì đã chọn con đường tự hủy nên Chúa Giê-su đi theo con đường đó cho đến cùng.

„Qua cái chết trên Thập Giá, Chúa Giê-su đã chấp nhận sự tự hủy một cách hoàn toàn. Đó là cái chết tồi tệ nhất, chỉ dành riêng cho hàng nô lệ và những kẻ phạm pháp. Chúa Giê-su được coi như một vị Ngôn Sứ nhưng Ngài lại chết như một tên tử tù. Trong lúc chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su trong sự đau khổ của Ngài, chúng ta hãy nhìn xem sự đau khổ của nhân loại trong một tấm gương, và rồi chúng ta cũng sẽ có được câu trả lời của Thiên Chúa về mầu nhiệm sự dữ, mầu nhiệm của sự đau khổ và mầu nhiệm của sự chết. Rất thường khi chúng ta cảm thấy kinh hoàng trước sự ác cũng như sự đau khổ đang bao quanh chúng ta, và chúng ta tự hỏi: ´Tại sao Thiên Chúa lại để xảy ra như thế?` Đối với chúng ta, đó là một vết thương sâu hoắm trong việc nhìn xem sự đau khổ và sự chết, mà tiên vàn là của những người vô tội!“

Chúng ta trông đợi rằng, một Thiên Chúa quyền năng sẽ chiến thắng sự bất công, sự xấu xa và tội lỗi, và sẽ chấm dứt sự đau khổ trong một cuộc chiến toàn thắng. Thay vào đó, Thiên Chúa chỉ cho chúng ta thấy một cuộc chiến tự hủy, tức một cuộc chiến đến với nhân loại như một sự tan vỡ - Đức Thánh Cha nói. Chúa Giê-su đã để cho sự dữ đến gần Ngài, Ngài nhận lấy sự dữ về cho mình để rồi chiến thắng nó.

„Chúa Giê-su nhận lấy tất cả sự dữ, tất cả mọi nỗi khổ đau về cho mình. Việc chiêm ngưỡng cây Thánh Giá cũng như việc hôn kính nỗi đau khổ của Chúa Giê-su, thể hiện qua việc hôn kính cây Thánh Giá, sẽ thật tốt cho chúng ta trong tuần này. Chúa Giê-su đã đón lấy tất cả nỗi khổ đau của nhân loại về cho mình. Trong tuần này chúng ta hãy suy nghĩ về các nỗi đau khổ của Chúa Giê-su và rồi hãy tự nói với mình rằng: Ngài đã làm điều đó cho tôi! Kể cả khi tôi là một người duy nhất sống trên thế gian này thì Ngài cũng đã làm điều đó, Ngài làm điều đó cho tôi.“

Khi mà có vẻ như tất cả đều thất bại thì Thiên Chúa lại tái hành động với sức mạnh của sự Phục Sinh. Sự Phục Sinh này của Chúa Giê-su không phải là một kết thúc may mắn của một câu chuyện hay – Đức Thánh Cha nói - nhưng là có sự can thiệp của Thiên Chúa Cha ở chính thời điểm mà niềm hy vọng của chúng ta đã bị tắt ngấm. Chúa Giê-su đã quyết định đi trên con đường khổ đau này và giờ đây Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy bước theo Ngài trên chính con đường của sự tự hủy ấy.

„Nếu trong một số khoảnh khắc nào đó của cuộc sống chúng ta mà chúng ta không tìm thấy lối để thoát ra khỏi những khó khăn của chúng ta, chúng ta bị chìm sâu trong bóng tối, thì đó chính là giây phút tự hủy và sự lột bỏ hoàn toàn của chúng ta, là thời điểm mà trong đó chúng ta cảm thấy mình mong manh và tội tỗi. Và rồi ngay sau đó, chúng ta không được phép che đậy những sự đổ vỡ của chúng ta nữa, nhưng phải mở chúng ta ra cho sự tín thác hoàn toàn trong niềm hy vọng vào Thiên Chúa, giống như Chúa Giê-su đã làm.“

(rv 16.04.2014 ord)


Đam Trần – CTV của Gx Thánh Mẫu Bc – chuyển ngữ từ nguồn: radiovaticana.va

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét