Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân ngày Hòa Bình Quốc Tế 01.01.2015: Không còn phải là những người nô lệ nữa, nhưng là những người anh em

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân ngày Hòa Bình Quốc Tế 01.01.2015: Không còn phải là những người nô lệ nữa, nhưng là những người anh em
1.Để bắt đầu năm mới mà chúng ta sẽ đón nhận như là một hồng ân và quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người, tôi muốn gửi tới từng người nam và từng người nữ, cũng như tất cả các dân tộc và các quốc gia trên thế giới, gửi tới các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo của các chính phủ, cũng như tới những vị có trách nhiệm trong các tôn giáo khác nhau, lời cầu chúc bình an chân thành của tôi, được đồng hành với lời cầu nguyện của tôi, xin cho được chấm dứt các cuộc chiến tranh, các cuộc xung đột và nhiều những nỗi khổ đau, mà chúng được gây ra bởi chính bàn tay con người cũng như bởi những loại bệnh dịch, cả cũ lẫn mới, và bởi những hậu quả kinh khủng của các thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt, tôi nguyện cầu cho chúng ta được cộng tác với Thiên Chúa cũng như với tất cả những người thiện chí, hầu thúc đẩy sự đồng tâm nhất trí cũng như thúc đẩy nền hòa bình trên thế giới – tương ứng với ơn gọi chung của chúng ta – hầu chống lại một cách có ý thức trước cơn cám dỗ muốn hành xử theo một phong cách không thích hợp với phẩm giá con người chúng ta.

Trong sứ điệp nhân ngày mồng 01 tháng Giêng năm ngoái, tôi đã nói rằng, „việc mong muốn có được một cuộc sống sung mãn (…) đòi hỏi phải có một nỗi khát khao khôn nguôi đối với tình huynh đệ, mà nỗi khát khao ấy đưa đến một sự hiệp thông với những người khác, để rồi chúng ta không nhìn họ như là những kẻ thù hay những đối thủ, nhưng nhìn ngắm họ như là những người anh chị em mà người ta đón nhận và ôm ghì lấy“ [1]. Vì con người là một thụ tạo hỗ tương, bên cạnh đó còn được xác định để hiện thực hóa trong mối liên hệ đến những mối tương quan giữa con người với nhau, mà những mối tương quan ấy được thực hiện dựa trên công lý và Đức Ái, mà yếu tố nền tảng cho sự phát triển của con người hệ tại ở chỗ: nhân phẩm, sự tự do cũng như quyền tự chủ của họ được nhìn nhận và tôn trọng. Tiếc rằng nạn bóc lột người bởi chính con người gây ra, vẫn đang còn phổ biến, đang gây thương tổn một cách nặng nề cho cuộc sống và ơn gọi cộng đồng, gây thương tổn cho việc thắt chặt các mối tương quan giữa con người với nhau, được khắc ghi bởi sự tôn trọng, công lý và Đức Ái. Hiện tượng kinh tởm ấy dẫn tới việc đạp chân lên những quyền lợi căn bản của người khác, và hủy hoại sự tự do cũng như phẩm giá của họ, đang diễn ra dưới rất nhiều hình thức mà tôi muốn đưa ra một số ý kiến ngắn gọn về chúng, để trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta sẽ nhìn thấy nơi tất cả mọi người „không phải là những người nô lệ nữa, nhưng là những người anh em“.

Lắng nghe kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại

2.Đề tài mà tôi đã chọn cho Sứ Điệp này, dựa trên bức thư của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi cho ông Phi-lê-môn. Trong đó thánh Tông Đồ đã xin với người cộng sự của Ngài là ông Phi-lê-môn hãy tái đón nhận Ô-nê-xi-mô, tức viên đầy tớ trước đây của ông Phi-lê-môn, nhưng giờ đây đã trở thành Ki-tô hữu, và do đó – theo Thánh Phao-lô – Ô-nê-xi-mô xứng đáng được nhìn nhận như là người anh em. Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã viết: „Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến“ (Plm 15-16). Vì Ô-nê-xi-mô trở thành Ki-tô hữu, nên ông cũng trở thành người anh em của Phi-lê-môn. Như vậy, sự trở về với Chúa Ki-tô có ý nghĩa như là sự khởi đầu của một đời sống thuộc về người môn đệ trong Chúa Ki-tô, một cuộc tái sinh (xc. 2 Cor 5,17; 1 Pher, 1,3) mà nó khơi dậy tình huynh đệ như là sự kết hiệp căn bản của đời sống gia đình, cũng như là nền tảng của cuộc sống xã hội đối với cuộc sống mới.

Được viết trong sách Sáng Thế rằng (xc St 1, 27-28), Thiên Chúa đã tác tạo nên con người gồm nam và nữ, và Ngài đã chúc lành cho họ để họ phát triển và sinh sôi nẩy nở: Thiên Chúa làm cho A-đam và E-va trở thành cha mẹ, và cặp cha mẹ này đã làm cho lời chúc lành của Thiên Chúa, hãy trở nên phong nhiêu và sinh sôi nẩy nở, trở thành hiện thực, và đã sinh ra cặp anh em đầu tiên là Ca-in và A-bel. Ca-in và A-bel là anh em của nhau, vì họ đã phát sinh từ một dạ mẹ như nhau, và vì thế họ có nguồn cội giống nhau, bản tính và phẩm giá của cha mẹ mình như nhau, mà cha mẹ của họ đã được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Ngài.

Nhưng tình huynh đệ cũng diễn tả tính đa dạng và sự khác biệt, mà sự khác biệt này tồn tại ngay trong giữa những người anh chị em của nhau, bất chấp việc họ được liên kết với nhau nhờ vào sự xuất thân cũng như nhờ vào việc họ sở hữu một bản tính và những phẩm giá giống hệt nhau. Như vậy, theo bản tính, với tư cách là những người anh em và những người chị em của nhau, tất cả mọi người đều đứng trong mối tương quan với những người khác mà họ có sự khác biệt, nhưng họ lại ở trong mối tương quan với những người khác về nguồn cội, bản tính và phẩm giá giống hệt nhau. Nhờ thực tế ấy, tình huynh đệ hình thành nên mạng lưới các mối quan hệ nền tảng đối với việc kiến tạo nên gia đình nhân loại đã được sáng tạo bởi Thiên Chúa.

Thật đáng tiếc, giữa công trình sáng tạo đầu tiên, như đã được thuật lại trong sách Sáng Thế, và cuộc tái sinh trong Chúa Ki-tô, mà cuộc tái sinh này làm cho các tín hữu trở nên những người anh em và chị em của „Đấng là trưởng tử của một đàn em đông đúc“ (Rom 8,29) lại có một thực tế tiêu cực của tội lỗi, điều vẫn luôn tái cắt ngang tình huynh đệ đã được tác thành, và không ngừng làm biến dạng vẻ đẹp và sự cao quý trước việc trở thành anh chị em của nhau trong một gia đình nhân loại. Ca-in đã không chỉ không chấp nhận người em A-bel của mình, trái lại, từ sự ghen tức, ông đã giết chết người em của mình, và do đó ông đã mắc phải tội giết em ruột trước tiên. „Việc sát hại A-bel bởi Ca-in, trong một cách thế bi ai, đã xác định sự khước từ một cách căn bản trước ơn gọi trở thành anh em của nhau. Lịch sử nhân loại (xc St 4,1-16) đã giải thích bổn phận khó khăn mà theo đó tất cả con người đều được kêu gọi sống hiệp nhất với nhau cũng như quan tâm chăm sóc cho nhau“ [2].

Ngay trong câu chuyện về gia đình Nô-ê và các con của ông (xc St 9,18-27), sự xúc phạm của Kham đối với Nô-ê – cha ông – cũng đã được nói tới. Vì thế, Nô-ê đã xua đuổi Kham và nguyền rủa đứa con trai bất hiếu của mình, nhưng đã chúc phúc cho những đứa con khác vì chúng đã thể hiện sự kính trọng đối với ông, và do đó tạo nên một sự bất cân đối giữa những người anh em, mà họ xuất thân từ dạ của cùng một người mẹ.

Trong trình thuật về nguồn gốc của gia đình nhân loại, tội xa rời Thiên Chúa, xa rời bóng dáng Cha và xa rời anh em, chính là sự diễn tả về tình trạng nô lệ hóa (xc. Sta 9,25-27), với những hậu quả của nó, mà những hậu quả ấy vẫn còn tiếp tục kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác: sự khước từ người khác, sự ngược đãi con người, sự xúc phạm đến phẩm giá và xúc phạm đến những quyền lợi căn bản của người khác, việc thể chế hóa những điều bất bình đẳng. Từ lý do đó dẫn đến sự cần thiết của một sự quay trở về thường xuyên với Giao Ước, mà Giao Ước ấy đã được kiện toàn nhờ vào sự hy sinh trên thập giá của Chúa Ki-tô. Ở đây, chúng ta có sự xác tín rằng, „ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội … nhờ Đức Giê-su Ki-tô“ (Rom, 5,20-21). Ngài, tức „Người Con dấu ái“ (xc. Mt 3,17) đã đến, để mạc khải cho nhân loại biết về Tình Yêu của Thiên Chúa Cha. Bất cứ ai lắng nghe Tin Mừng và thực hiện việc đi theo lời mời gọi quay về, cũng đều trở thành „người anh em, người chị em và người mẹ“ (Mt 12,50) đối với Chúa Giê-su, va do đó trở thành những nam nghĩa tử, nữ nghĩa tử của Cha Ngài (xc. Eph 1,5).

Nhưng người ta sẽ không trở thành Ki-tô hữu, không trở thành con trai, con gái của Thiên Chúa Cha, và anh chị em của Chúa Ki-tô nhờ vào sự sắp xếp tự động của Thiên Chúa, mà không hề sử dụng sự tự do cá nhân, có nghĩa là không cần có sự quay trở về với Chúa Ki-tô một cách tự do. Con Thiên Chúa chính là những ai thực hiện việc đi theo lời mời gọi quay trở về: „Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ơn huệ là Thánh Thần“ (Cv 2,38). Tất cả những ai đã đáp lại bài giảng ấy của Thánh Phê-rô với Đức Tin và cuộc sống của mình, đều đã bước vào trong mối huynh đệ của cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi (xc. 1Phr 2,17; Cv 1,15.16; 6,3; 15,23): Người Do-thái và người hy-lạp, nô lệ và tự do (xc. 1 Cor 12,13; Gal 3,28), mà sự khác biệt của họ trong mối tương quan với nguồn gốc và tình trạng xã hội của họ không hạ thấp phẩm giá của bất cứ cá nhân nào, và cũng không loại trừ bất cứ ai ra khỏi sự thuộc về Dân Thiên Chúa. Như thế, cộng đoàn Ki-tô hữu chính là nơi của tình hiệp thông được sống trong Đức Ái giữa những người anh chị em (xc. Rom 12,10; 1 Tx 4,9; Dt 13,1; 1 Phr 1,22; 2 Phr 1,7).

Tất cả những điều đó chỉ ra cho thấy, nhờ Thiên Chúa, Tin Mừng của Chúa Giê-su đã làm cho „tất cả trở nên mới mẻ“ như thế nào (Kh 21,5)[3], cũng như có khả năng tái đưa những mối quan hệ giữa những con người với nhau vào trong trật tự, kể cả giữa một người đầy tớ với người chủ của họ, trong khi Tin Mừng ấy nêu ra những gì là của chung giữa hai bên: tình nghĩa tử và mối hiệp thông huynh đệ trong Chúa Ki-tô. Chính Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ của Ngài rằng: „Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết“ (Ga 15,15).

Những diện mạo đa dạng của chế độ nô lệ hôm qua và ngày nay

3.Từ thời xa xưa, các cộng đồng nhân loại khác nhau đã nhận thức về một hiện tượng nô dịch hóa con người bởi chính con người. Có những thời kỳ trong lịch sử nhân loại, trong đó hoạt động nô lệ được chấp nhận và được quy định bởi pháp luật. Luật này xác định ai tự do và ai được sinh ra với tư cách là nô lệ, và dưới những điều kiện nào, một người được sinh ra với tư cách là người tự do sẽ có thể bị mất quyền tự do của mình hay sẽ có thể tái có được sự tự do đó. Với những lời khác, chính luật cho phép rằng, một số người có thể hay phải bị nhìn nhận như là tài sản của một người khác, mà người ấy có thể có toàn quyền tự do trên họ; người nô lệ có thể bị mua, bị bán, bị nhượng lại cho người khác hay bị người khác giành được, như thể họ là một món hàng.

Ngày nay, vì một sự phát triển tích cực về ý thức của nhân loại, nên chế độ nô lệ là một tội ác chống lại con người, [4] và do đó, bị loại trừ trên khắp thế giới xét về mặt hình thức. Quyền của bất cứ người nào cũng đều được nhìn nhận trong luật pháp quốc tế như là một quy luật tất yếu, không phải để được duy trì trong chế độ nô lệ hay trong chế độ khổ sai.

Tuy nhiên, bất chấp việc cộng đồng quốc tế đã đưa ra một số thỏa thuận với mục tiêu sẽ kết liễu chế độ nô lệ, trong tất cả mọi dạng thức của nó, cũng như đã đề xướng những chiến dịch khác nhau nhằm đấu tranh với hiện tượng này, thì cũng vẫn còn hằng triệu người – trẻ em, nam giới, nữ giới ở bất cứ mọi lứa tuổi – đang bị cướp đi sự tự do của minh, cũng như đang bị ép buộc phải sống dưới những điều kiện mà chúng giống hệt như những điều kiện của chế độ nô lệ.

Tôi nghĩ tới nhiều công nhân nam nữ, kể cả những người lao động tuổi vị thành niên, họ đang bị bắt làm nô lệ trong những lĩnh vực khác nhau, trên cả cấp độ có tính hợp đồng lẫn trên cấp độ bí mật – từ công việc nội trợ cho tới những công việc nơi đồng áng, từ việc tham gia vào trong các xí nghiệp gia công đến việc tham gia vào sự khai thác mỏ, cả trong những quốc gia mà trong đó luật lao động không hề có sự tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế – mặc dù bất hợp pháp –, lẫn trong những quốc gia mà ở đó luật pháp bảo vệ người lao động.

Tôi cũng nghĩ tới những điều kiện sống của nhiều người tị nạn, họ đang phải chịu đựng sự đói khát trên con đường bi ai của mình, họ đã bị cướp đi mất sự tự do của mình, đã bị chiếm đoạt hết mọi tài sản, hay đang bị lạm dụng về thể lý lẫn tình dục. Tôi nghĩ tới những người trong số những người tị nạn, mà họ đã đạt được tới đích sau một cuộc hành trình gian khổ, được ghi dấu bởi sự sợ hãi và sự bất an, giờ đây lại đang bị giam giữ trong những điều kiện mà đôi khi vô nhân đạo. Tôi nghĩ tới những người trong số những người tị nạn mà bởi những hoàn cảnh xã hội, chính trị và kinh tế khác nhau, họ đang bị xô đẩy đến chỗ thực hiện những hành vi phi pháp; và tôi nghĩ tới những người đang chấp nhận việc cứ tiếp tục sống mãi trong sự bất hợp pháp, chấp nhận sống và làm việc dưới những điều kiện phi nhân phẩm, đặc biệt là khi luật pháp quốc gia tạo ra, hay cho phép một sự lệ thuộc mang tính cấu trúc của người lao động nhập cư vào người chủ sử dụng lao động, bằng cách, chẳng hạn như nó làm cho việc cư trú bị phụ thuộc vào với bản hợp đồng lao động… Vâng, tôi nghĩ tới „lao động khổ sai“.

Tôi nghĩ tới những người đang bị ép buộc phải bán mình, trong số đó có nhiều trẻ vị thành niên, và nghĩ tới những nam nữ nô lệ tình dục; nghĩ tới những phụ nữ mà họ đã bị cưỡng ép phải lập gia đình, nghĩ tới những phụ nữ mà họ bị mua bán vì chuyện hôn nhân, hay nghĩ tới những phụ nữ mà qua việc từ trần của chồng mình, họ bị chuyển nhượng cho một thành viên trong gia đình như là tài sản thừa kế, mà không hề có quyền lợi gì, không hề có sự đồng ý hay khước từ.

Tôi không thể không nói đến những trẻ vị thành niên và những người đã trưởng thành, mà họ đang bị bán tống bán tháo như một món hàng cho việc bóc tách các bộ phận cơ thể, bị chiêu mộ như là những quân nhân, bị bắt làm người hành khất, bị ép buộc thực hiện những hoạt động phạm pháp, chẳng hạn như sản xuất hay buôn bán ma túy, hay rất nhiều những dạng thức được ngụy trang dưới cái được gọi là việc nhận làm con nuôi mang tính quốc tế.

Sau cùng, tôi nghĩ đến tất cả những người đang bị bắt cóc bởi những nhóm khủng bố, đang bị nhốt trong các nhà tù và đang bị ép buộc trở thành mục tiêu của những điều, chẳng hạn như trở thành các chiến binh hay – điều có liên quan trước tiên đến các cô gái và phụ nữ - những nữ nô lệ tình dục. Nhiều người trong họ đang bị biến mất, một số người bị bán đi bán lại, bạc đãi, bị gây tổn thương và bị giết chết.

Một số những nguyên nhân sâu xa của chế độ nô lệ

4.Ngày hôm nay cũng như hôm qua, nằm nơi gốc rễ của chế độ nô lệ chính là một sự nhận thức của con người, mà sự nhận thức ấy tạo khả năng để đối xử với con người như là một vật dụng. Nếu tội lỗi làm hư hỏng con tim nhân loại, và làm cho con người trở nên xa cách với Đấng tạo dựng nên mình, cũng như xa cách với những người đồng loại của mình, thì những người cùng rốt sẽ không còn được nhận biết như là một con người có phẩm giá ngang hàng, như là những người anh chị em trong kiếp hiện sinh nữa, nhưng sẽ bị coi như là những đối tượng, những vật dụng. Con người, tức thụ tạo đã được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, sẽ bị cướp đi mất sự tự do của mình với bạo lực, với thủ đoạn hay bởi sự cưỡng bức cả về phương diện thể lý lẫn tâm lý, sẽ bị thương mại hóa cũng như sẽ bị giảm thiểu thành một tài sản cho người khác; con người sẽ bị đối xử như là những phương tiện chứ không còn phải là mục đích nữa.

Bên cạnh nguyên nhân mang tính thực thể học này, tức sự cự tuyệt tính nhân sinh của người khác – những nguyên nhân sau đây cũng còn tạo điều kiện để giải nghĩa về các hình thức nô lệ của thời đại hôm nay. Trong số những nguyên nhân ấy, trước tiên tôi nghĩ tới sự nghèo đói, tới sự kém phát triển và tới sự loại trừ, đặc biệt nhất là khi chúng gắn kết với việc không được tiếp cận với sự đào tạo và giáo dục, hay với một tình trạng mà nó bị dán mác bởi sự nghèo túng, thậm chí đến độ thiếu cả những khả năng để có được công ăn việc làm. Không thiếu những nạn nhân của việc buôn bán hay của việc nô lệ hóa con người, mà những nạn nhân đó lại là những người đã cố gắng kiếm tìm một con đường hầu thoát ra khỏi cảnh nghèo túng cùng cực của mình. Ở đây, họ thường xuyên trao niềm tin cho những lời hứa hẹn dối trá về một công việc, và thay vào đó, đã rơi vào cạm bẫy của những mạng lưới tội phạm, tức những kẻ tiến hành việc buôn người. Những mạng lưới ấy sử dụng một cách khéo léo những kỹ thuật thông tin hiện đại để mồi chài những người trẻ và những người rất trẻ từ khắp nơi.

Sự tham nhũng của những kẻ sẵn sàng làm mọi chuyện miễn sao mau giầu, cũng được kể vào một trong những nguyên nhân dẫn đến chế độ nô lệ. Trong thực tế, việc nô lệ hóa cũng như hành động buôn người cần đến một sự đồng lõa, mà sự đồng lõa ấy thường sử dụng cách của chúng thông qua sự tham nhũng của những kẻ trung gian – đó là một số thành viên thuộc các lực lượng thi hành pháp luật hay những viên cán bộ chủ chốt khác trong bộ máy nhà nước, hay thuộc những cơ quan khác nhau về dân sự và quân đội. „Điều đó xảy ra nếu như không phải là con người, không phải là nhân vị, mà là sự tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc đứng trong trung tâm của một hệ thống kinh tế. Vâng, con người phải đứng trong trung tâm của bất cứ hệ thống xã hội hay kinh tế nào, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được tác thành để làm chủ vũ trụ. Nếu như con người bị dẹp sang một bên, và sự tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc bắt đầu hoạt động, thì rồi các giá trị sẽ bị vứt bỏ“[5].

Những nguyên nhân tiếp theo của chế độ nô lệ chính là những cuộc xung đột có vũ trang, bạo lực, hành động phạm pháp và chủ nghĩa khủng bố. Vô số những con người đã bị bắt cóc để bị bán, để bị chiêu mộ như những chiến binh hay để bị lạm dục tính dục, trong khi những người khác lại bị ép buộc phải di cư, bị ép buộc phải bỏ lại tất cả mọi tài sản của mình: đất đai, ruộng vườn, nhà cửa và những người thân. Họ đứng dưới áp lực phải tìm kiếm cho được một phương án khác để thay thế cho những điều kiện khủng khiếp, ngay cả khi có nguy cơ đặt phẩm giá và cuộc sống của mình vào trong một sự nguy hiểm, và bằng cách ấy, liều mình rơi vào trong bất cứ vòng xoáy luẩn quẩn nào mà chúng biến họ thành nạn nhân của sự khốn cùng và tham nhũng, cũng như trở thành nạn nhân cho những hậu quả bất hạnh của những điều vừa nêu.

Một sự dấn thân chung nhằm thắng vượt chế độ nô lệ

5.Khi người ta quan sát hiện tượng buôn người, hiện tượng vận chuyển những người di dân một cách phạm pháp, và những diện mạo vừa quen thuộc cũng như bí mật khác của chế độ nô lệ, người ta thường có cảm tưởng rằng, điều đó đang diễn ra dưới sự thờ ơ lãnh đạm chung của nhiều người.

Tiếc rằng, ngay cả khi điều đó tương ứng với đa số, nhưng tôi muốn gợi nhớ tới công việc to lớn, mà nhiều Hội Dòng – đặc biệt là những Hội Dòng nữ - đã âm thầm thực hiện cho các nạn nhân từ nhiều năm nay. Những Dòng Tu này đang hoạt động trong những môi trường khó khăn và đôi khi trong những môi trường đang bị thống trị bởi bạo lực, và đã cố gắng phá vỡ những xích xiềng vô hình, không được nhìn thấy, mà với chúng, các nạn nhân đã bị cột trói vào với những kẻ kinh doanh họ cũng như với những kẻ bóc lột họ - những xích xiềng, mà những nút thắt của chúng kéo dài từ những hệ thống tâm lý tinh tế, chúng đang làm cho các nạn nhân bị lệ thuộc vào những kẻ hành hạ họ thông qua sự sách nhiễu và đe dọa đối với họ, cũng như đối với cuộc sống của họ, nhưng cũng thông qua những phương tiện vật chất, việc tịch thu giấy tờ và bạo lực thể lý. Hoạt động của các cộng đoàn Dòng Tu được phân chia chủ yếu trong ba lãnh vực: giúp đỡ các nạn nhân, phục hồi nhân phẩm cho họ dưới quan điểm tâm lý, và tổ chức cũng như tái hòa nhập họ vào với các cộng đồng là điểm đến của họ hay nguyên quán của họ.

Công việc to lớn đòi hỏi phải có sự can đảm, kiên nhẫn và lâu dài này xứng đáng nhận được sự đánh giá cao của toàn Giáo hội và cộng đồng. Thế nhưng, nếu chỉ có một việc đó thôi thì lẽ dĩ nhiên, không đủ để chấm dứt nạn bóc lột người. Cần tới một sự tham gia ở cấp thứ ba trên bình diện thể chế trong việc phòng ngừa cũng như trong việc bảo vệ các nạn nhân, và trong một cách thức hành động có tính pháp lý đối với những người có trách nhiệm. Và nếu như các tổ chức  tội phạm sử dụng mạng lưới toàn cầu để đạt tới được mục tiêu của chúng thế nào thì cũng cần tới một hành động như thế mới có thể thắng vượt được hiện tượng này, bên cạnh một nỗ lực chung trên bình diện toàn cầu về phía những người tham gia hoạt động khác nhau, mà những người ấy hình thành nên xã hội.

Về vấn đề đó, các quốc gia phải chú ý rằng, quy định của luật pháp quốc gia đối với di dân, đối với công ăn việc làm, đối với việc nhận con nuôi, đối với việc di dời địa điểm của doanh nghiệp và đối với sự tiếp thị các sản phẩm mà chúng được sản xuất thông qua việc bóc lột lao động, phải thực sự tôn trọng phẩm giá con người. Cần thiết phải có những bộ luật công tâm mà chúng đặt con người vào trung tâm điểm, bảo vệ những quyền lợi căn bản của họ cũng như phục hồi những quyền lợi đó trong trường hợp chúng bị xâm phạm, bằng cách: những bộ luật ấy phục hồi lại phẩm giá và quyền lợi cho các nạn nhân và bảo đảm cho họ về tình trạng nguyên vẹn. Ngoài ra, cần phải có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với sự vận dụng một cách hợp lý những điều luật đó, mà những cơ chế kiểm soát ấy không tạo khoảng trống cho sự tham những và việc được miễn hình phạt. Vả lại, cũng thật cần thiết rằng, vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng phải được nhìn nhận; trong mối liên hệ đến điều vừa nêu, để đạt được những kết quả đang được mong đợi, vấn đề cũng phải được thực hiện trên bình diện văn hóa cũng như trong lãnh vực giao tế.

Chiếu theo nguyên tắc bổ trợ, các tổ chức liên chính phủ được kêu gọi thực hiện những sáng kiến có sự thỏa thuận lẫn nhau nhằm chống lại những mạng lưới xuyên quốc gia của các tổ chức tội phạm, mà những tổ chức tội phạm ấy đang thực hiện hành vi buôn người, và hoạt động vận chuyển trái phép những người di dân. Một sự cộng tác trên những bình diện khác nhau là điều thật cần thiết, và thực ra, phải dẫn tới chuyện, sự cộng tác ấy cũng bao hàm cả những tổ chức mang tính quốc gia lẫn quốc tế, chẳng hạn như các tổ chức của xã hội dân sự và thế giới các chủ doanh nghiệp.

Thực ra, các tổ chức kinh doanh [6] có bổn phận phải bảo đảm cho các công nhân viên của họ những điều kiện lao động xứng với nhân phẩm cũng như lương bổng hợp lý, nhưng cũng phải chú ý rằng, không có những hình thức nô lệ hóa hay nạn buôn người xảy ra trong những chuỗi phân phối. Với trách nhiệm xã hội của giới doanh nghiệp cũng dẫn tới các trách nhiệm xã hội của giới tiêu dùng. Trong thực tế, mỗi người phải tự ý thức rằng, „việc mua sắm không chỉ là một hành vi mang tính kinh tế, nhưng cũng luôn luôn là một hành vi mang tính luân lý“ [7].

Về phần mình, các tổ chức xã hội dân sự có sứ mạng làm gia tăng thêm sự nhậy bén đối với lương tâm và tạo điều kiện cho lương tâm trở thành những hành động, mà những hành động ấy rất cần thiết trong việc chống lại nền văn hóa nô lệ hóa, cũng như loại trừ nền văn hóa ấy.

Trong những năm gần đây, Tòa Thánh đã liên đới với tiếng kêu đầy đau đớn mà các nạn nhân của nạn buôn người thét lên, cũng như với giọng nói của các cộng đoàn Dòng Tu, tức các cộng đoàn đang đồng hành với các nạn nhân trên trong sự tự do, và Tòa Thánh cũng đã rất nhiều lần đưa ra lời kêu gọi của mình đối với cộng đồng quốc tế, để những người tham gia khác nhau liên kết các nỗ lực của mình lại với nhau cũng như cùng cộng tác hầu chấm dứt tệ nạn này [8]. Ngoài ra, một số cuộc hội nghị cũng đã được tổ chức với mục tiêu đẩy hiện tượng buôn người ra trước ánh đèn sân khấu, cũng như đơn giản hóa sự cộng tác của những người tham gia khác nhau – trong số những chuyên giá khác từ lãnh vực khoa học và các tổ chức quốc tế, các lực lượng thực thi pháp luật thuộc những quốc gia nguyên quán, quốc gia trung gian và quốc gia đích đến khác nhau của người di dân, và những đại diện của các nhóm thuộc Giáo hội, mà các nhóm này bênh vực và bảo vệ các nạn nhân. Tôi hy vọng rằng, sự tham gia đóng góp này sẽ được tiếp tục cũng như sẽ được tăng cường trong những năm tới.

Toàn cầu hóa tình huynh đệ, không còn thờ ơ trước chế độ nô lệ

6.Trong công cuộc „loan báo chân lý và Tình Yêu Đức Ki-tô của mình trong xã hội“ [9], Giáo hội thường xuyên tham gia vào trong những hoạt động thuộc thể thức Caritas, dựa trên nền tảng chân lý về con người. Giáo hội có sứ mạng chỉ ra cho tất cả mọi người thấy được con đường quay trở về, mà sự quay trở về này thúc đẩy việc nhìn ngắm tha nhân với cặp mắt khác, trong người khác, bất cứ người ấy là ai, cũng như thúc đẩy việc nhận ra một người anh em và một người chị em trong con người, và thừa nhận phẩm giá của người ấy trong chân lý và trong sự tự do. Hạnh tích của Thánh Giuseppina Bakhita xuất thân từ vùng Dafur, Sudan, chỉ ra cho chúng ta thấy điều đó. Thánh Nữ đã bị bắt cóc bởi những kẻ buôn bán nô lệ, và bị bán cho những chủ nhân độc ác khi cô mới chỉ có 9 tuổi. Sau đó, trên con đường trải qua những kinh nghiệm khổ đau, cô đã trở nên một „người con gái tự do của Thiên Chúa“ nhờ vào Đức Tin mà cô đã sống với tư cách là một Nữ Tu và trong sự phục vụ người khác – đặc biệt là những người bé nhỏ và yếu đuối. Vị Thánh đã sống ở ngưỡng cửa của thế kỷ 19 và 20 ấy chính là một nữ chứng nhân gương mẫu của niềm hy vọng đối với vô vàn những nạn nhân của chế độ nô lệ, ngay cả trong thời đại hôm nay, và có thể hỗ trợ những cố gắng của tất cả những ai đang dấn thân trong cuộc chiến chống lại „những vết thương ấy trong thân xác con người hôm nay“ – „một vết thương trong thân mình Chúa Ki-tô“ [9].

Trong viễn tượng này, tôi muốn mời gọi mỗi người, trong vai trò của mình cũng như trong những trách vụ đặc biệt của mình, hãy thực hiện trọn vẹn nghĩa cử huynh đệ  đối với những ai đang bị giữ chặt trong tình trạng nô lệ. Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta cảm thấy mình bị chất vấn như thế nào với tư cách là cộng đồng hay cá nhân, nếu như trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta gặp gỡ những con người, hay có nhiều việc để làm với họ, mà họ có thể là nạn nhân của nạn buôn người, hay giả như khi chúng ta phải quyết định, liệu chúng ta có mua sắm những sản phẩm mà từ lý do tốt lành, chúng cho phép giả định rằng, chúng đã được sản xuất bởi việc bóc lột những người khác hay không? Một số người trong chúng ta đang khép mình lại bởi sự thờ ơ lạnh lùng, hay vì họ đang bị đánh lạc hướng bởi những lo toan trong cuộc sống hằng ngày, hay bởi những nguyên nhân tài chánh. Trái lại, một số người khác đang quyết định thực hiện một điều gí đó tích cực, hầu tham gia vào trong những hiệp hội thuộc xã hội dân sự, hay thực hiện những nghĩa cử nho nhỏ hằng ngày, chẳng hạn như một lời nói tốt lành, một lời chào, một lời cầu chúc, hay một nụ cười mỉm. Những cử chỉ ấy thật cao quý biết bao! Chúng hoàn toàn miễn phí đối với chúng ta, nhưng chúng có thể trao ban niềm hy vọng, có thể mở ra những con đường cho một con người đang phải sống trong sự bất an; có thể canh tân cuộc sống, và cũng có thể biến cuộc sống chúng ta trở thành một sự tương phản với thực tế ấy.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, chúng ta đang đối diện với một hiện tượng mang tính toàn cầu, mà hiện tượng ấy vượt lên trên những quyền hạn của một cộng đồng hay một quốc gia. Để thắng vượt hiện tượng ấy, đòi hỏi phải có một sự huy động những quy mô tương đương với chính quy mô của hiện tượng này. Từ lý do đó, tôi xin gửi đến tất cả những người nam và những người nữ thiện chí, cũng như xin gửi tới tất cả những ai đang là nhân chứng của tình trạng nô lệ trong thời đại hôm nay, dù gần gũi hay từ xa – ngay cả trong những cấp độ cao nhất của các tổ chức -  một lời kêu gọi khẩn thiết, đừng bao giờ trở thành những kẻ đồng lõa với tệ nạn này, đừng nhìn đi hướng khác khi tận mắt chứng kiến những nỗi khổ đau của những người anh em và những người chị em của mình, nhưng hãy có sự can đảm để tiếp cận với thân thể đang đau khổ của Chúa Ki-tô [12], mà sự đau khổ ấy đang biểu lộ nơi vô vàn những dung mạo của những người mà chính Chúa Ki-tô gọi là „những người anh em bé nhỏ nhất“ của Ngài (Mt 25,40.45).

Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa sẽ chất vấn bất cứ người nào trong chúng ta: „Ngươi đã làm gì với anh em của ngươi?“ (xc. St 4,9-10). Sự toàn cầu hóa tính thờ ơ mà ngày nay nó đang đè nặng trên cuộc sống của rất nhiều anh chị em, đang đòi hỏi tất cả chúng ta, phải trở nên những người chủ chốt trong việc toàn cầu hóa tình liên đới cũng như toàn cầu hóa tình huynh đệ, mà sự toàn cầu hóa này có thể tái đem lại niềm hy vọng cho họ cũng như có thể giúp đỡ họ, hầu can đảm tái đón nhận con đường xuyên qua những vấn đề của thời đại chúng ta, cũng như tái nhận lại những viễn tượng mới mà Thiên Chúa đưa đến, cũng như những viễn tượng mà chính Ngài đặt vào tay chúng ta.

Vatican ngày mồng 08 tháng 12 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu – chuyển ngữ

[1] Số. 1.
[2] Sứ Điệp nhân ngày Quốc Tế Hòa Bình 2014, 2.
[3] xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, 11.
[4] xc. Diễn văn trước phái đoàn liên hiệp luật hình sự quốc tế (AIDP) (23. 10. 2014).
[5] Diễn Văn trước các tham dự viên của Đại Hội Quốc Tế thuộc các Phong Trào Quần Chúng (28. 10. 2014).
[6] xc. Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, ơn gọi trở thành lãnh đạo doanh nghiệp. Một sự cân nhắc, Milan và Rô-ma, 2013.
[7] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVi, Thông Điệp Đức Ái trong Chân Lý, 66.
[8] xc. Sứ Điệp gửi Ngài Guy Ryder, Tổng thư ký của tổ chức lao động thế giới, nhân dịp phiên họp khoáng đại lần thứ 103 của ILO (22. 05. 2014).
[9] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVi, Thông Điệp Đức Ái trong Chân Lý, 5.
[10] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVi, Thông Điệp Niềm Hy Vọng Cứu Độ, 3.
[11] xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, 270.

[12] xc. Thông Điệp Evangelii gaudium 24; 270.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét