Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Giáo Xứ Thánh Mẫu Thống Nhất Phương Án Quy Hoạch Khuôn Viên Thánh Đường

Giáo Xứ Thánh Mẫu Thống Nhất Phương Án Quy Hoạch Khuôn Viên Thánh Đường

Vào lúc 14g30 ngày 19 tháng 08 năm 2015 vừa qua, Giáo xứ Thánh Mẫu đã tổ chức một phiên họp toàn thể để bàn và thống nhất về Phương án Quy hoạch Khuôn viên Thánh Đường Giáo xứ từ nay cho đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài Cha xứ Đa-minh Phan Duy Hán, Ban Thường vụ Giáo xứ, các Viên chức Tân Cựu, và các vị Trưởng Giáo khu, còn có rất đông các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi, đã đến tham dự phiên họp đặc biệt này. Ông Trần Tấn Triệu - Kiến trúc sư, Chủ trì đồ án Quy hoạch - cũng đã tham dự cuộc họp này với tư cách là thuyết trình viên.

Mặc dù hiện diện từ đầu đến cuối, nhưng sau khi tuyên bố khai mạc cuộc họp, chào thăm các tham dự viên cũng như nêu ra nghị trình của cuộc họp, Cha xứ Đa-minh Hán đã nhường lại cho Ban Thường vụ Giáo xứ (BTVGX) để họ điều hành cuộc họp.

Vì thế, ông Đa-minh Trần Văn Thơ, Chủ tịch Hội đồng Thường vụ Giáo xứ, đã đại diện cho BTVGX để điều hành cuộc họp này. Bên cạnh đó, ông cũng còn là một trong hai người thuyết trình chính trong cuộc họp hôm nay về Phương án Quy hoạch Khuôn viên Thánh Đường Giáo xứ Thánh Mẫu từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phương án Quy hoạch đã được các thuyết trình viên trình bày với nội dung sau:

I.CƠ SỞ QUY HOẠCH

1.Gợi ý của Đức Cha Giáo phận và Cha xứ:

Trước đây, mỗi khi Đức Cha Cố Giu-se Hoàng Văn Tiệm có dịp gặp gỡ các vị trong Hội Đồng Giáo xứ, hay mỗi khi Ngài về cử hành Thánh Lễ tại Giáo xứ, Ngài đều gợi ý Giáo xứ nên tổ chức quy hoạch lại Khuôn viên Thánh đường của mình sao cho quy củ và có đủ không gian để đáp ứng những sự kiện lớn có nhiều người tham dự.

Về phía Cha Đa-minh, ngay từ những ngày đầu về với Giáo xứ, Ngài đã có những ước mong, muốn thăng tiến Giáo xứ về mọi mặt. Việc quy hoạch khuôn viên Thánh Đường thành khuôn viên xanh là một trong những mong muốn và gợi ý của chính Ngài. Và ngay trong quá trình chuẩn bị quy hoạch, đích thân Ngài cũng đã tư vấn và định hướng cho những người có trách nhiệm trong Giáo xứ về phương án quy hoạch.
2.Mong muốn của nhiều người:

Nhiều người trong Giáo xứ cũng đã thể hiện niềm mong muốn của mình về việc điều chỉnh và bổ sung một số công trình cũng như cảnh quan của khuôn viên Thánh Đường, trong số những người này có ông Nguyên Chánh Trương Vinh-sơn Trần Thế Việt và ông Nguyên Chánh Trương Phê-rô Trần Tiến Tuyên. Hai vị Nguyên Chánh Trương này đã đưa ra ý kiến với Giáo xứ về việc thay đổi Tượng đài Đức Mẹ La Vang cũng như về việc san lấp chiếc hồ hiện nay v.v… Không những thế, hai vị Nguyên Chánh Trương còn hứa sẽ dâng cúng một phần tài chính khi thực hiện dự án này.
3.Hướng phát triển của Giáo xứ:

Đây là lý do chính. Hầu hết mọi người trong Giáo xứ đều tin rằng, nhờ hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Maria Quan Thầy, và nhìn vào các thế hệ trẻ, các con em của Giáo xứ, Giáo xứ Thánh Mẫu sẽ còn tiếp tục phát triển với những bước tiến xa hơn.

Tuy nhiên, nếu không có sự định hướng cho sự phát triển, không có sự quy hoạch rõ ràng, thì bất cứ sự phát triển nào cũng đều mang tính tự phát, manh mún, và chắp vá. Nghĩa Trang Tứ tộc Miền Nghiệp là một thí dụ điển hình về việc thiếu tính định hướng, thiếu tính quy hoạch, và thiếu sự rõ ràng trong việc tổ chức. Hậu quả là, mạnh ai người ấy làm, và giờ đây người ta phải bước lên những ngôi mộ này để đến với những ngôi mộ khác vì không có đường nội bộ; và từ lâu rồi người ta cứ phải loay hoay mãi trong việc tìm ra phương án để xây Nhà Tứ Linh, nhưng cho tới nay rồi cũng vẫn chưa thể quyết định được vì sự lộn xộn của Nghĩa Trang này.

Vì thế, Giáo xứ cần phải có một bản quy hoạch cụ thể và rõ ràng để tránh tình trạng phát triển thiếu định hướng, thiếu đồng bộ trong tương lai.
II.MỤC TIÊU QUY HOẠCH

Để đưa ra phương án quy hoạch, BTVGX đã nghiên cứu và tính toán cụ thể, cũng như đã tham khảo tại nhiều nơi khác nhau. Cụ thể là, BTVGX đã tìm hiểu và tham khảo nhiều nhà thờ trong nước, thậm chí đã đi sang tận Rô-ma, tới cả Israel cũng như tới các nước phương Tây khác, để tìm hiểu về khuôn viên của các Thánh Đường tại những nơi đó, vì những nơi vừa nêu trên chính là nơi xuất phát của Giáo Hội Công Giáo. Một số nhà chuyên môn về kiến trúc, trong đó có Kiến Trúc Sư Triệu – người đang có mặt trong cuộc họp hôm nay - cũng đã cùng BTVGX đi tìm hiểu và tham khảo các khuôn viên của các Thánh Đường tại phương Tây và tại Israel. Gần đây, các ông Trưởng Giáo khu cũng đã cùng với BTVGX đến một số nơi để tham khảo về việc quy hoạch xanh.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, tham khảo, cân nhắc, và nhất là có sự định hướng của Cha xứ, BTVGX đã đưa ra bản quy hoạch cho khuôn viên Thánh Đường của Giáo xứ Thánh Mẫu. Bản quy hoạch này đáp ứng những mục tiêu sau:
1.Phát huy và tôn trọng các công trình và di sản của tiền nhân:

Bất cứ sự phát triển bền vững và nhân văn nào cũng đều phải tôn trọng các giá trị do tiền nhân và những người đi trước để lại. Trên cơ sở đó, bản quy hoạch mà BTVGX đưa ra hôm nay, sẽ giữ lại bất cứ công trình hiện hữu nào còn có thể tiếp tục được sử dụng cũng như còn phù hợp. Nhưng những công trình nào không còn phù hợp nữa thì sẽ được thay thế hoặc hủy bỏ.
2.Thân thiện với môi trường:

Tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng và khốc liệt. Chính vì vậy, thế giới nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng, đang cổ võ và kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường. Vào ngày 18 tháng 06 năm 2015 vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đích thân công bố Thông Điệp Xanh, hay còn gọi là Thông Điệp Bảo vệ Môi Trường.

Do vậy, việc biến khuôn viên của Thánh Đường Giáo xứ thành môi trường xanh, thành không gian sống cả về tâm linh lẫn vật chất, là điều cần thiết.
3.Đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tương lai:

Với viễn cảnh không xa, khi mà số giáo dân ngày một tăng, số linh mục và tu sĩ bản hương ngày càng thêm nhiều, và Giáo xứ ngày càng được nhiều người biết tới v.v…,  thì việc phải có đủ cơ sở hạ tầng để đáp ứng những nhu cầu trên là điều thiết yếu. Bản quy hoạch được hoạch định nhằm định hướng và đảm bảo tính đồng bộ cũng như tính thống nhất của cơ sở hạ tầng.
III.NỘI DUNG QUY HOẠCH

1.Mở rộng khuôn viên Thánh Đường:

-Mở rộng khuôn viên Thánh Đường để tạo ra một khuôn viên cân đối và hài hòa.

-Mở rộng khuôn viên để có đủ không gian bố trí tượng đài và các công trình thiết yếu trong tương lai.

-Mở rộng khuôn viên để đáp ứng mục tiêu: Phát huy và tôn trọng các công trình cũng như các di sản của tiền nhân; và thân thiện với môi trường.

-Mở rộng khuôn viên Thánh Đường để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tương lai.


Khi thực hiện các nội dung trên, Giáo xứ cần nhận được sự đồng ý trong việc mua-bán, hoặc đổi, hoặc hiến tặng đất thổ cư của các gia đình sau cho việc mở rộng khuôn viên Thánh Đường:

+ Ông bà Cố Ngân;
+ Ông bà Trương Tụng; và

+ Ông bà Trưởng Nghinh.
2.Mở đường và mở rộng đường tiếp cận khuôn viên Thánh Đường, mở rộng cầu, di chuyển cầu:

-Mở đường mới từ nhà ông Trưởng Mão đến nhà ông Cố Ngân.

-Mở rộng các đoạn đường sau: đoạn đường tiếp giáp với nhà Dòng Mến Thánh Giá hiện nay sẽ được mở rộng thành 7m; đoạn đường từ nhà ông Trương Nghi đến nhà cụ Quản Khang sẽ được mở rộng thành 5m; đoạn đường từ cầu Bục đến nhà ông Trưởng Viễn sẽ được mở rộng thành 7m.

-Mở rộng cầu đá để mép cầu phía Tây của cầu trùng với mép đường tiếp giáp với Nhà Dòng Mến Thánh Giá.

-Di dời cầu của ông Chánh Việt đến khu vực nhà ông Trưởng Trường để vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa đáp ứng khía cạnh cảnh quan.

Khi thực hiện các nội dung trên, Giáo xứ cần nhận được sự đồng ý trong việc mua-bán, hoặc đổi, hoặc hiến tặng đất thổ cư của các gia đình sau cho việc mở rộng đường cũng như cho việc mở đường mới:

+ Dòng Mến Thánh Giá;
+ Ông bà Cố Ngân;
+ Bà Trưởng Khoát;
+ Ông bà Chánh Tuyên;
+ Ông bà Cố Nguyện;
+ Ông bà Cố Mỹ;
+ Bà Trưởng Mại;
+ Ông Trưởng Mão;
+ Ông bà Qũy Khương;
+ Ông bà Trương Nghi;
+ Ông bà Trưởng Tâm;
+ Ông bà Trùm Tịch;
+ Ông bà Bạ Bích;
+ Ông bà Trưởng Bài;
+ Ông bà Trưởng Kiêm; và
+ Ông bà Trương Viễn.
3.Lấp hồ cũ và đào hồ mới:

Hồ nước hiện nay sẽ được san lấp và bố trí thành quảng trường gọi là Quảng trường La Vang. Sau khi quảng trường này thành hình, Giáo xứ sẽ có được một không gian đủ rộng để tổ chức các sự kiện lớn.

Hồ nước mới sẽ được đào trên phần đất của nhà ông bà Cố Ngân, ông bà Trương Tụng và ông bà Trưởng Nghinh.
4.Đài Đức Mẹ La Vang:

Đài Đức Mẹ La Vang sẽ được bố trí ở trung tâm hồ mới: lưng quay về phía Bắc, mặt quay về phía Nam. Với vị trí này và khi Thánh Lễ ngoài trời được cử hành tại đây, các tín hữu sẽ có thể tham dự Thánh Lễ từ nhiều hướng khác nhau, và sẽ đều có thể nhìn thấy ban đồng tế.
5.Nhà thờ chính và nhà thờ phụ:

-Nhà thờ chính:

Nhà thờ lớn hiện nay là nhà thờ chính: chỉ cử hành các Thánh Lễ Chúa Nhật, các Thánh Lễ trọng, Lễ Quan Thầy, Lễ Cưới, Lễ An táng, và các nghi thức trong Tuần Thánh....

-Nhà thờ phụ:

Nhà thờ nhỏ sẽ được trùng tu lại để làm Đền Đức Mẹ La Vang. Các giờ kinh hằng ngày hay các Thánh Lễ ngày thường sẽ diễn ra tại đây để có được một không gian ấm cúng. Hai hàng ghế cạnh của nhà thờ chính (hiện nay không được sử dụng) sẽ được bố trí ở đây, hệ thống âm thanh cũ cũng như đàn Organ cũ (do Viện phụ Tê-pha-nô Trần Ngọc Hoàng tặng) cũng sẽ được bố trí ở đây để phục vụ cho các giờ kinh và các giờ Phụng Vụ nói trên.

Trong tương lai, nếu Đấng Bản Quyền thương cất nhắc Giáo xứ lên một bậc nữa, và nếu các vị Tử Đạo của Giáo xứ được Giáo hội tuyên Thánh, thì Giáo xứ sẽ sử dụng ngôi nhà thờ này làm nơi kính các Thánh Tử Đạo quê hương, và khi đó ngôi Thánh Đường này sẽ được đổi tên thành Đền Thánh Tử Đạo quê hương.
6.Nhà Cha xứ và các Cha:

Trong tương lai, Trung Tâm Mục Vụ hiện tại sẽ được sử dụng riêng làm nhà Cha xứ và nhà khách (cho các Cha và các Nam Nữ Tu Sĩ). Hiện nay Giáo xứ đang kết hợp quá nhiều thứ trong ngôi nhà này: vừa làm nơi mục vụ, vừa làm nơi Cha xứ ở, vừa làm nơi dậy giáo lý, và cũng vừa làm nhà khách v.v. Sự kết hợp này sẽ rất bất tiện cho người sử dụng, đặc biệt là Cha xứ, vì Ngài cần có một nơi tĩnh mịch để cầu nguyện, đọc sách, soạn bài giảng và làm việc...
7.Trung Tâm Mục Vụ:

Trung Mục Vụ sẽ được xây trên vị trí “Nhà Phòng” hiện nay. Trung Tâm Mục Vụ này sẽ được bố trí với mội hội trường lớn, các phòng học giáo lý, kho, phòng khách… Đây cũng là nơi để tổ chức các bữa tiệc chung của Giáo xứ v.v…
8.Đường phía trong khuôn viên Thánh Đường, cổng và tường bao:

Đường kiệu sẽ được giữ lại theo bố trí hiện tại, nhưng sẽ bố trí thêm một con đường thẳng từ cửa chính nhà thờ tới cổng chính của khuôn viên; cũng sẽ bố trí thêm đường kiệu cho khu vực Quảng Trường La Vang.

Khuôn viên Thánh Đường sẽ được bố trí với năm cổng vào. Cổng chính sẽ được bố trí tại khu vực phía Tây với một đoạn đường dẫn thẳng vào cửa cuối Thánh Đường chính.

Tường bao sẽ được thiết kế theo lối mở thoáng để thể hiện đặc tính rộng mở của Giáo hội Công giáo.
9.Nơi an nghỉ cuối cùng của Cha xứ và các Cha bản hương:

Giáo xứ phải bố trí một khu vực để an táng các Cha, khi Cha xứ nằm xuống, hay khi có một Cha bản hương nào đó về với Chúa tại Giáo xứ.
10.Cảnh quan, điện chiếu sáng, điện trang trí và hạ tầng kỹ thuật:

Cần phải bố trí vườn cây cảnh cũng như cây xanh ở một số điểm cần thiết, vừa để tạo cảnh đẹp, tạo bóng mát, và cũng vừa để đảm bảo việc thân thiện với môi trường. Và phải bố trí điện làm sao để đảm bảo ánh sáng khi cần cũng như đảm bảo tính nghệ thuật.

Sau khi ông Chủ tịch Hội đồng Mục vụ và Kiến trúc sư Trần Tấn Triệu thuyết trình về bản Quy hoạch với những chi tiết nêu trên, mọi người trong Giáo xứ đã thảo luận khá sôi nổi. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ bản quy hoạch này. Vì thế, Phương án Quy hoạch nêu trên đã nhanh chóng được thông qua. Biên bản cuộc họp đã được ký tên bởi tất cả các tham dự viên. Cha xứ và BTVGX cũng đã ký và đóng dấu vào biên bản này.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Cha Đa-minh Phan Duy Hán đã chính thức từ nhiệm chức vụ Cha Xứ của Giáo xứ Thánh Mẫu. Và cũng ngay sau đó, Ngài đã giã từ Giáo xứ để trở về Tòa Giám Mục Bùi Chu với sứ vụ mới.

Minh Anh

1 nhận xét: