Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Thánh Guy-li-mô Viện Phụ

Thánh Guy-li-mô Viện Phụ

Thánh Guy-li-mô Viện Phụ (tiếng La-tinh là Guilielmus, hay cũng còn được gọi là Guilielmus Vecelli), chào đời vào năm 1085 trong một gia đình quý tộc thuộc vùng Vercelli, Piemont, nước Ý. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngài đã được cha mẹ gửi đến nhà những người bà con trong dòng tộc để học tập. Và ngay khi còn thiếu thời, Ngài đã thực hiện một cuộc sống rất nhiệm nhặt, nhiều hy sinh, và luôn hướng lòng về Thiên Chúa. Vào năm 14 tuổi Ngài đã thực hiện một cuộc hành hương tới Compostell, Tây-ban-nha, và ngay sau đó, Ngài đã đi hành hương trực tiếp từ Compostell tới Giê-ru-sa-lem. Vào năm 1106, Ngài đã trở về tới Apulien, nước Ý, và từ đó, Ngài đã đi đến vùng Đất Hứa. Sau đó Ngài đến Melfi để nghiên cứu Thánh Vịnh 109 tại nhà của một vị giáo sư khôn ngoan, và vì thế, đã nhận được một sự hiểu biết tuyệt vời trong Thánh Kinh.




Sau đó, Guy-li-mô đến cư trú trong một cộng đoàn mang tên của Thánh Phê-rô trên một ngọn núi gần Melfi, mà theo Bộ Các Thánh Toàn Thư cổ xưa, ngọn núi này có tên là Monte Solicolo. Tại cộng đoàn này, Guy-li-mô lại tiếp tục thực hành đời sống nhiệm nhặt như trước. Và cũng trong thời gian sống tại cộng đoàn này, nhờ vào lời cầu nguyện, Guy-li-mô đã tái mang lại thị giác cho một người mù.

Vào năm 1108, Guy-li-mô đã đến Lechner để thăm Thánh Gio-an Genosa Genusium, mà với vị Thánh này Guy-li-mô dường như trở một con tim và một tâm hồn. Sau một thời gian dài, Guy-li-mô lại muốn đi đến Giê-ru-sa-lem, nhưng Ngài đã bị ngăn cản bởi sự tấn công của những tên cướp đường. Do đó Ngài lại tiếp tục lưu lại bên Thánh Gio-an Genosa. Nhưng một thị kiến đã chỉ cho hai vị biết rằng, các Ngài nên phổ biến vinh quang của Thiên Chúa tại nhiều nơi khác nhau. Vì thế, Guy-li-mô đã lên đường để đi tới Monte Virgiliano, tức dẫy núi thuộc vùng Atripalda, giữa Nola và Benevento, nằm ở phía Đông Bắc Napoli, nước Ý, và sau này được đổi tên thành núi Monte Vergine. Tại đây, sau một thời gian ngắn, hương thơm về đời sống đức hạnh của Ngài đã lan tỏa khắp vùng, và vì thế, chẳng bao lâu sau Ngài đã có được một môn sinh đầu tiên tên là Albertus. Chỉ sau sau hai năm kể từ khi đến cư ngụ tại đây, Ngài đã trở nên nổi tiếng, đến độ không chỉ có các Giáo dân, mà còn có cả các Linh mục nữa, kéo đến làm môn sinh của Ngài.

Vào năm 1123, thể theo nguyện vọng của các môn sinh, Guy-li-mô đã cho xây dụng một Đan Viện trong đó có một ngôi Thánh Đường được cung hiến để tôn kính Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria. Ngài đã lấy Tu Luật của Thánh Biển Đức làm quy tắc cho cuộc sống trong Đan Viện của mình. Có lẽ Ngài đã được phong chức Linh mục trong khoảng thời gian này, và trở thành Viện Phụ tiên khởi của chính Đan Viện do Ngài xây dựng. Theo tương truyền, Ngài đã thực hiện rất nhiều phép lạ.
Một thời gian ngắn sau khi hoàn tất việc xây dựng Đan Viện, Viện Phụ Guy-li-mô đã đặt một môn sinh của Ngài vào chức vụ của chính Ngài, tức chức Viện Phụ Đan Viện, còn Ngài thì một mình đi tới Monte Laceno, thuộc vùng Apulien, và sống một mình tại đó trong thanh bình thánh thiện. Ngài ở đó cho tới năm 1129, và rồi lại lên đường tới Monte Cognato thuộc tỉnh Basilicata. Tại đây, Ngài lại tiếp tục sống cô tịch và đơn độc trong một thời gian dài. Hương thơm thánh thiện của Ngài tỏa bay khắp chốn, và vì thế nhiều người lại kéo đến làm môn sinh của Ngài. Trong số các môn sinh đó, có cả thống chế Robert Caserta.
Theo nguyện vọng của các tân môn sinh, Viện Phụ Guy-li-mô lại xây dựng một Đan Viện mới cho họ. Tuy nhiên, bản thân Ngài thì lại không chịu làm Bề Trên của Đan Viện này nữa sau khi hoàn thành việc xây dựng. Ngài đặt cho tân Đan Viện một vị Viện Trưởng, còn Ngài thì lại một mình đi tới Thal Conza, thuộc vùng Goglietto, nằm không xa khu vực Nusco của Apulien.

Tại Thal Conza, nhiều người lại kéo đến với Viện Phụ Guy-li-mô. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, Ngài đã phải xây dựng thêm hai ngôi Đan Viện lớn, một cho các Nam Đan Sĩ, và một cho các Nữ Đan Sĩ. Tân Hội Dòng của Thánh Guy-li-mô thực hiện một cuộc sống rất nhiệm nhặt, không dùng rượu, thịt, trứng và sữa, nhưng chỉ sống bằng rau và bánh mì. Không những thế, trong Mùa Chay, các Đan Sĩ còn kiêng luôn cả rau, chỉ ăn bánh mì với nước lã.

Vua Noger của Napoli và Sicilia đã mời Viện Phụ Guy-li-mô vào trong hoàng cung của mình để lắng nghe lời khuyên của Ngài về một số lãnh vực. Sự ưu ái kính nể mà nhà vua dành cho Viện Phụ Guy-li-mô đã khiến các quan trong triều ghen tức. Họ đã nảy sinh ý tưởng mang một cô gái điếm đến cho vị Đan Sĩ và nói với Ngài rằng, đó là phần thưởng mà nhà vua ban tặng cho Ngài. Viện Phụ Guy-li-mô đã mời cô gái điếm leo lên giường với mình. Nhưng làm sao cô ta dám leo lên giường của Ngài khi cô ta nhìn thấy vị Đan Sĩ nằm duỗi thẳng trên chiếc giường phủ đầy than hồng mà không hề tỏ ra bất cứ sự đau đớn nào. Vì thế, thay vì leo lên giường với vị Đan Sĩ, cô ta đã ăn năn sám hối. Sau đó, cô ta đã về nhà và bán đi tất cả những gì mà cô đang có, rồi đem tất cả số tiền thu được dâng cúng cho nữ Đan Viện Venosa.

Câu chuyện trên đến tai nhà vua, khiến ông càng thêm khâm phục Viện Phụ Guy-li-ô hơn nữa. Vì sự khâm phục vị viện Phụ đáng kính, ông đã chu cấp cho Ngài tất cả mọi kinh phí để xây dựng rất nhiều các Đan Viện khác trong đất nước của ông.

Sau khi kiến thiết nhiều Đan Viện, Viện Phụ Guy-li-ô đã đến và lưu lại tại Đan Viện Goglietto cũng do Ngài thành lập. Vào ngày 25 tháng 06 năm 1142, Viện Phụ Guy-li-ô đã trút hơi thở cuối cùng tại Đan Viện này. Ngay sau khi qua đời, Ngài đã được mọi người tôn kính như một vị Thánh. Kể từ ngày 24 tháng 08 năm 1785, Tên của Ngài đã được ghi trong lịch Kính các Thánh của Giáo hội Rô-ma. Giáo hội Công giáo cử hành Lễ kính nhớ Ngài vào ngày 25 tháng 06 ở bậc Lễ Nhớ không buộc.

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét