Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Thánh Apôlinariô, Giám Mục Tử Đạo

Thánh Apôlinariô, Giám Mục Tử Đạo

Theo tương truyền phát xuất từ thế kỷ thứ 7, Thánh Apôlinariô sinh vào thế kỷ thứ nhất tại Antiochia, tức tại Antakya, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Sau khi trở thành Ki-tô hữu, Ngài đã cùng với Thánh Phê-rô rời bỏ Antiochia để đến Rô-ma, và sau đó lại được chính Thánh Phê-rô cử đến hoạt động truyền giáo tại Ravenna. Không lâu sau khi thành lập Giáo đoàn Ravenna, Apôlinariô đã được đặt làm Giám Mục tiên khởi của Giáo đoàn đó. Ngài làm Giám mục tại đây trong suốt 20 năm trời cho tới bị khi dân ngoại tấn công, hành hạ và sát hại với một cách thức vô cùng tàn nhẫn.

Tuy nhiên, theo một truyền thống sớm hơn, Thánh Apôlinariô đã sống sót sau những cuộc tấn công và bách hại vô cùng khốc liệt tại Ravenna. Nhiều lần Ngài bị coi là đã chết và bị đưa đi chỗ khác. Và sau khi thấy không thể tiếp tục hoạt động tại Ravenna được nữa, Ngài đã trốn tới Dalmatia và lại tiếp tục công bố Tin Mừng tại đó. Tuy nhiên, một nạn đói khủng khiếp đã tấn công Dalmatia, vì thế Apôlinariô đã tạm thời rời bỏ nơi đây để đi hoạt động truyền giáo tại một giáo điểm khác. Sau ba năm tận tụy với công việc truyền giáo tại nhiều nơi khác nhau, Ngài đã trở lại Dalmatia, và tại đây, Ngài đã bị tấn công, và người ta đã dùng cây chùy để đánh chết Ngài vào ngày 20 tháng 07 năm 150 (có tài liệu nói vào năm 75).

Vị Giám mục đầu tiên của Revenna có để lại những bằng chứng cụ thể về khía cạnh lịch sử đó là Đức Giám Mục Severus. Theo danh sách các Giám Mục của Giáo phận này thì Đức Giám Mục Severus là người kế vị thứ 11 của Đức Giám Mục tiên khởi Apôlinariô. Vì thế, thánh Apôlinariô được xác định niên đại vào khoảng giữa thế kỷ thứ II.

Thuật trình về cuộc Tử Đạo của Thánh Apôlinariô khoảng năm 200 có nguồn gốc từ Thánh Phê-rô Kim Ngôn. Còn biên bản về cuộc di chuyển các Thánh Tích của Thánh Apôlinariô thì chỉ gọi Ngài là „Ngươi Công Khai Tuyên Xưng Đức Tin“. Vào thế kỷ thứ VIII, việc cố gắng làm cho Ravenna được độc lập với Rô-ma đã phát sinh ra truyền thuyết về việc Thánh Apôlinariô được bổ nhiệm bởi chính Thánh Phê-rô. Tuy nhiên, có lẽ nguồn gốc của truyền thuyết vừa nêu phát xuất từ phương Đông. Một con số đồ sộ về các cuộc tra tấn, các cuộc chữa lành, và các phép lạ đã được sưu tập lại trong bộ Legenda aurea (Truyền Thuyết Vàng - được Linh mục Dòng Đa-minh - Jacobus de Voragine (1228/29–1298) biên soạn vào năm 1264).

Một Vương Cung Thánh Đường kính Thánh Apôlinariô với kiến trúc ba gian dọc nổi tiếng thế giới đã được xây lên ở phía trên ngôi mộ của Thánh Apôlinariô tại Ravenna, và được cung hiến vào năm 549. Vào năm 856, các Thánh Tích của Thánh Apôlinariô đã được chuyển từ Vương Cung Thánh Đường vừa nêu vào trong Nhà Thờ Hoàng Gia của Hoàng Đế Theodorich của Đế Quốc phương Tây. Ngôi Thánh Đường Hoàng Gia này về sau được đổi tên thành Tân Thánh Đường kính Thánh Apôlinariô.

Việc tôn kính Thánh Apôlinariô đã diễn ra rất sớm tại Rô-ma. Vào năm 505, Đức Giáo Hoàng Symmachus đã dâng hiến một bàn thờ cho Thánh Apôlinariô tại Đền Thờ Thánh Phê-rô để thể hiện niềm kính trọng của Ngài đối với hoàng đế Theodorich – người đang cai trị vương quốc phía Tây với hoàng cung đặt tại Ravenna. Vào năm 630, một ngôi Thánh Đường mới đã được xây dựng để tôn kính Thánh Apôlinariô tại Rô-ma. Tại Mi-lan và tại Dijon (Pháp Quốc), niềm tôn kính đối với Thánh Apôlinariô còn diễn ra sớm hơn cả tại Rô-ma. Từ hai nơi vừa kể, lòng tôn kính Thánh Apôlinariô đã lan rộng tới Elsass, tới Obermichelbach, tức Michelbach-le-Haut, gần Basel ngày nay, cũng như lan sang Thụy Sĩ, tới Reims và Gorkum.

Vào năm 1000, sau chuyến công du tới Ravenna, Hoàng đế Otto III của Đức đã du nhập niềm tôn kính đối với Thánh Apôlinariô về Burtscheid, tức thành phố Aachen ngày nay của Đức. Có lẽ Đan Viện Siegburg đã nhận được các Thánh Tích của Thánh Apôlinariô từ Dijon nhờ vào Anno von Köln, và từ Đan Viện này, niềm tôn kính đối với Thánh Apôlinariô đã lan rộng sang Rheinland.

Trước đây cả Giáo hội Công giáo lẫn Giáo hội Chính thống đều mừng kính Thánh Apôlinariô Giám Mục Tử Đạo vào ngày 23 tháng 07, tức ngày di dời Thánh Tích của Ngài. Tuy nhiên, kể từ khi cải tổ Lịch Phụng Vụ tới nay, Giáo hội Công giáo đã chuyển ngày Lễ kính nhớ Thánh Nhân sang ngày 20 tháng 07, tức ngày Ngài qua đời. Còn Giáo hội Chính Thống vẫn mừng Lễ Ngài vào ngày 23 tháng 07.

Minh Trần – CTV của trang thông tin Giáo xứ Thánh Mẫu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét